Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông ra sao trong mắt ngân hàng?

Nguyễn Lương 22/11/2024 15:16

Các ngân hàng đánh giá, doanh nghiệp Đắk Nông còn nhiều hạn chế và cần khắc phục các tồn tại để có thể tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn.

Còn nhiều điểm yếu

Ngân hàng là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính. Hệ thống này đóng vai trò chủ chốt trong luân chuyển vốn, cung cấp các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế.

Từ góc nhìn của các ngân hàng, doanh nghiệp chính là những khách hàng quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đầu tư, phát triển kinh tế bền vững.

img_2084(1).jpg
Doanh nghiệp Đắk Nông vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng

Theo các ngân hàng, doanh nghiệp được phân loại, đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như: quy mô, ngành nghề, tình hình tài chính, mức độ rủi ro.

Những tiêu chí này giúp ngân hàng xác định khả năng trả nợ của doanh nghiệp, từ đó, đưa ra quyết định về việc cấp tín dụng và các gói hỗ trợ tài chính khác.

Tại Đắk Nông hiện có khoảng 4.700 doanh nghiệp. Trong số này, doanh nghiệp thuộc quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ chiếm 99%. Số doanh nghiệp phân bổ khá đồng đều ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, chất lượng doanh nghiệp còn yếu ở nhiều mặt.

Trước hết, về nguồn nhân lực, tài chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các doanh nghiệp còn thấp. Nhiều đơn vị có phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trình độ của cán bộ, lãnh đạo quản lý điều hành còn hạn chế.

Khả năng nắm bắt thông tin, phân tích, dự báo còn yếu. Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi.

Theo thống kê, hiện nay, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp ở Đắk Nông có trình độ thạc sĩ chỉ chiếm 0,05%. Lao động trong doanh nghiệp có trình độ đại học chỉ chiếm trên 8%, cao đẳng trên 6%, trung cấp chuyên nghiệp 12%. Còn lại là lao động phổ thông, dưới phổ thông.

Đánh giá về doanh nghiệp tại Đắk Nông, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông Phạm Quốc Việt cho rằng, doanh nghiệp Đắk Nông chủ yếu nhỏ, siêu nhỏ.

Các tổ chức tín dụng hiện nay rất khó trong đánh giá năng lực tài chính thực tế của khách hàng. Nhất là hệ thống báo cáo tài chính, kế toán thuế, dòng tiền kinh doanh.

z6050952341489_4c37a59e4ceb2f481e949bea88c03a39(1).jpg
Trên 99% doanh nghiệp Đắk Nông thuộc quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ

Hầu hết, các doanh nghiệp có hệ thống báo cáo tài chính phản ánh không chính xác tình hình hoạt động kinh doanh. Một số tài sản cố định được doanh nghiệp đầu tư, nhưng không đưa vào chi phí do không hạch toán.

“Báo cáo tài chính của doanh nghiệp Đắk Nông phần lớn không được kiểm toán. Một số doanh nghiệp quyết toán thuế lại báo lỗ thường xuyên”, ông Việt khẳng định.

Đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp, một lãnh đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn cho biết, nội lực của các doanh nghiệp Đắk Nông còn yếu.

Tài sản thực của doanh nghiệp không cao. Vì hạn chế nguồn nhân lực, nội lực, đa phần doanh nghiệp Đắk Nông đang hoạt động theo dạng ăn xổi, chưa thực sự bền vững.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững không cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay.

img_1740(1).jpg
Doanh nghiệp Đắk Nông chưa tạo dựng thương hiệu, uy tín nên chưa lấy được lòng tin đối với ngân hàng

Bản thân doanh nghiệp Đắk Nông đang thiếu tự tin trong bối cảnh hiện nay. Nguyên nhân là do lực lượng lao động có trình độ, tay nghề còn hạn chế, quy hoạch vùng nguyên liệu chưa rõ ràng, phương án sản xuất, kinh doanh chưa đủ tầm.

“Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, tín dụng đất đai, thủ tục khởi nghiệp còn những hạn chế. Đây chính là trở ngại làm giảm sức đề kháng của doanh nghiệp”, vị lãnh đạo này khẳng định.

Do quy mô, nguồn lực chưa đủ lớn nên khi đối mặt với diễn biến thị trường, nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc, kinh doanh thua lỗ, nguy cơ vỡ nợ cao.

Khi khả năng thanh khoản yếu, chắc chắn doanh nghiệp chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín, chưa gây dựng được lòng tin đối với ngân hàng.

Doanh nghiệp cần nâng cao giá trị

Đối với các ngân hàng, các doanh nghiệp không chỉ là khách hàng mà còn là đối tác chiến lược quan trọng trong hệ sinh thái tài chính.

Mối quan hệ tương hỗ giữa ngân hàng và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Cả hai bên cần xây dựng niềm tin, tăng cường hợp tác và nỗ lực vượt qua các thách thức để cùng nhau phát triển.

z6046698630278_2ec0de615e035ba33991b730691d118c(1).jpg
Mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của doanh nghiệp Đắk Nông là những yếu tố mà ngân hàng hướng đến

Trước khi quyết định cấp tín dụng, ngân hàng thường xem xét rất nhiều yếu tố để đánh giá mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Các yếu tố chính bao gồm: tình hình tài chính, lịch sử tín dụng, tài sản thế chấp, kế hoạch kinh doanh.

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông Phạm Thanh Tình, không ai khác, chính doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao trình độ quản lý, báo cáo tài chính, điều hành, đào tạo lao động.

Các doanh nghiệp phải tự xây dựng phương án, phương thức đầu tư hiệu quả, phù hợp với năng lực tài chính, công nghệ và con người để nâng cao giá trị.

“Khi doanh nghiệp làm được như vậy, chúng tôi tin rằng, không cần doanh nghiệp đi vay mà chính các tổ chức tín dụng sẽ tìm đến. Bởi hiện nay, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng cao. Chính ngân hàng đang chủ động tìm những khách hàng uy tín, khả thi để đẩy nhanh dòng vốn”, ông Tình khẳng định.

Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Đắk Nông đã, đang tự làm lớn mình bằng việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để sản xuất chuyên sâu, nâng cao giá trị. Tuy nhiên, con số này vẫn dừng lại ở mức hạn chế.

z6050950389448_1a9bcf6e4eb0f6a54f948d51ad7f959a(1).jpg
Doanh nghiệp Đắk Nông phải không ngừng nâng cao giá trị của mình thông qua việc cải thiện tình hình tài chính

Doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi lưu thông hàng hóa. Việc tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ rất cần thiết. Ngoài nguồn lực bản thân, doanh nghiệp cần vốn tín dụng để phát triển.

Để làm được điều này, doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao giá trị của mình thông qua việc cải thiện tình hình tài chính, xây dựng kế hoạch kinh doanh khả thi và quản lý rủi ro hiệu quả.

Một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, lịch sử tín dụng minh bạch và chiến lược phát triển rõ ràng sẽ luôn là đối tác đáng tin cậy của ngân hàng, từ đó dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phục vụ cho sự phát triển dài hạn.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Doanh nghiệp Đắk Nông ra sao trong mắt ngân hàng?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO