Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông long đong vay vốn ngân hàng

Lê Dung 22/11/2024 15:28

Không thể tiếp cận vốn trong tỉnh, nhiều doanh nghiệp Đắk Nông phải tìm đến các ngân hàng ngoài tỉnh để vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Vay vốn từ ngân hàng ngoài tỉnh

Gần 3 năm đi vào hoạt động ở Đắk Nông, nhưng Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông không hề tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn vay nào từ các ngân hàng trong tỉnh.

z6053477684781_460e90ab387dec63736bcc58eb9a5b8b(1).jpg
Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông có tổng diện tích sở hữu là 22ha

Giám đốc Công ty Bùi Thị Khánh Hòa buồn bã cho biết, việc vay vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của công ty đang gặp nhiều khó khăn. Khi đặt vấn đề này với các ngân hàng tại Đắk Nông, công ty đều nhận được rất nhiều lý do để từ chối.

Các câu trả lời đại loại vẫn là do Khu Nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng đến nay hoạt động vẫn không hiệu quả.

z6053477685142_193b9ceb98999ad6f1de49ec75727d5d(1).jpg
Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo bà Hòa, các ngân hàng cho rằng, Đắk Nông hiện chưa có quy hoạch rõ ràng về xây dựng nhà màng cho sản xuất nông nghiệp và sợ việc hiệu ứng phát thải khí nhà kính như ở Đà Lạt sẽ buộc phải tháo dỡ công trình.

Do đó, ngân hàng đánh giá khả năng vay vốn của công ty là thiếu bền vững, rủi ro cao. Từ đó, các ngân hàng từ chối các khoản vay do công ty đề xuất.

Tổng diện tích hiện có của công ty là 22ha. Trong đó, diện tích nhà màng được các bộ, ngành chức năng cho phép xây dựng là 10%, tức 2,2ha.

Tuy nhiên, hiện công ty mới làm có 1,5ha. Như vậy là vẫn chưa sử dụng hết số diện tích nhà màng theo quy định. Do đó, lý do mà ngân hàng đưa ra theo bà Hòa là không thuyết phục.

z6053477685144_ff8d8cbf7ef0792dce06bfbbd89da24e(1).jpg
Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông cho rằng, các ngân hàng trong tỉnh hầu như không ghi nhận giá trị tài sản đầu tư trên đất của doanh nghiệp khi đi vay vốn

Cũng theo bà Hòa, các ngân hàng trong tỉnh hầu như không ghi nhận những giá trị tài sản do công ty đã đầu tư, xây dựng trên đất cho phép.

Ngân hàng chỉ xác nhận với đơn giá của Nhà nước cho tổng số diện tích đất hiện có của công ty là 38.000 đồng/m2, tức vào khoảng 8 tỷ đồng. Trong khi, định mức cho vay được 70% giá trị. Công ty chỉ vay được khoảng hơn 5 tỷ đồng.

“Số tiền này không đủ để phục vụ cho việc san lấp trong farm. Trong khi, doanh nghiệp hiện đang rất cần vốn để hoàn thiện một số hạng mục để khép kín khu du lịch trải nghiệm. Đồng thời, mua sắm máy móc phục vụ cho việc sấy thăng hoa các loại rau, củ, quả tại chỗ, phục vụ xuất khẩu”, bà Hòa buồn bã.

Sau khi gõ cửa các ngân hàng trong tỉnh không có kết quả, công ty buộc phải tìm tới các ngân hàng ở ngoài tỉnh. Đó là SHB Đắk Lắk, OCB TP. Hồ Chí Minh.

z6053477685741_14125133eb6e8439584768f96f9565ba(1).jpg
Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông đang phải đi vay vốn đầu tư cho sản xuất tại các ngân hàng ngoài tỉnh

Bà Hòa như được thở phào nhẹ nhõm. Bởi tại đây, công ty chỉ mất có 48 tiếng đồng hồ đã có thể được giải ngân, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, đi thẩm định, cho đến lúc hoàn tất thủ tục vay vốn. Thủ tục rất nhanh gọn và lãi suất chỉ từ 6 - 6,8%/năm.

Cùng bàn lại giải pháp gỡ khó trong tiếp cận vốn, công ty mong muốn, ngành chức năng của tỉnh sớm ngồi lại với các ngân hàng để thống nhất gói vay hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ như, nhà màng đầu tư được phân định rõ ở mức cơ bản, trung bình và cao cấp như thế nào.

Bởi như bây giờ, hệ thống nhà màng của doanh nghiệp đang đầu tư với số vốn rất nhiều, với chi phí hơn 700 triệu đồng cho 1.000m2, cao gần như gấp đôi so với bên ngoài.

Một khi có quy định cụ thể, các ngân hàng đi thẩm định giá trị tài sản cho các khoản vay sẽ không bị đánh đồng với những nhà màng khác.

“Công ty hiện đã đầu tư 9 nhà màng, với tổng diện tích 13.000m2. Tổng mức đầu tư cho các nhà màng này hiện khoảng gần 10 tỷ đồng. Cộng với đó là tiền san lấp mặt bằng gần 5 tỷ đồng, cùng với nhiều máy móc, hệ thống tưới tự động… Toàn bộ chi phí đầu tư đến lúc này của doanh nghiệp vào khoảng 35 tỷ đồng”, bà Hòa thông tin.

hbt_1250.jpg
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của Đắk Nông đang gặp khó trong vấn đề tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong tỉnh

Một khó khăn nữa khi đi vay vốn ngân hàng ở Đắk Nông cũng khiến bà Hòa không khỏi ngậm ngùi. Đó là làm nông nghiệp công nghệ cao với chi phí lớn, phải mất 3 năm mới thu hồi được vốn.

Quãng thời gian này là vô vàn những khó khăn, có khi phải bù lỗ. Tuy nhiên, khi đi vay vốn, các ngân hàng yêu cầu báo cáo tài chính phải có lời. Việc này, nhiều lúc khiến doanh nghiệp vô cùng tổn thương.

Theo bà Hòa, hiện nay các ngân hàng yêu cầu bìa đỏ phải có trích lục số đo các cạnh của thửa đất. Tuy nhiên, từ năm 2018 - 2022, Đắk Nông bắt đầu đo bằng bản đồ số và không thể hiện số đo các cạnh.

Bây giờ nếu muốn được chấp nhận, doanh nghiệp phải đăng ký đi đo đạc, tốn kém rất nhiều chi phí. Thời gian kéo dài phải mất cả tháng trời.

Theo một số chuyên gia tài chính, khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp nên cân nhắc 3 tiêu chí sau:

1. Lựa chọn ngân hàng uy tín: Một tổ chức tài chính đáng tin cậy không chỉ cung cấp giải pháp vay vốn tối ưu mà còn có quy trình tư vấn và hỗ trợ chuyên nghiệp, giúp khách hàng rút ngắn thời gian vay vốn và công sức chuẩn bị giấy tờ, thủ tục.

2. So sánh lãi suất cho vay: Doanh nghiệp nên ưu tiên lựa chọn ngân hàng uy tín, lãi suất hấp dẫn để tối ưu chi phí lãi vay, giảm áp lực tài chính khi vay vốn.

3. Lựa chọn gói tín dụng phù hợp: Các gói tín dụng khác nhau sẽ phù hợp với nhu cầu vay vốn khác nhau. Doanh nghiệp nên tìm hiểu, đánh giá kỹ các gói vay để bảo đảm phù hợp với kỳ vọng vay vốn và mục tiêu kinh doanh của mình.

Chấp nhận vay nóng

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê Hương Quê Đắk Nông hiện đang là một trong số ít doanh nghiệp của tỉnh cung ứng sản phẩm ca cao tới toàn bộ hệ thống của Saigon Co.op.

Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, sản phẩm ca cao của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê hiện đã có mặt ở hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op
Sản phẩm ca cao của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê Hương Quê Đắk Nông hiện đã có mặt ở hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op

Mang theo hoài bão phát triển sản phẩm nhưng giai đoạn khởi nghiệp của công ty không hề dễ dàng. Cũng giống như các khởi nghiệp nhỏ khác, câu chuyện tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng đang là bài toán nan giải nhất.

Một trong những lý do đó là cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, chưa có nguồn tích lũy, cũng không có tài sản bảo đảm để thế chấp khi vay vốn ngân hàng.

Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Quý nói trong bất lực: “Công ty giờ chỉ cần khoảng 400 - 500 triệu đồng để vừa mở rộng nhà xưởng, vừa phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cứ hi vọng rồi lại thất vọng, khi nhiều lần bị ngân hàng từ chối khéo”.

Công ty hiện đã dành toàn bộ nguồn vốn có được để mua sắm các trang thiết bị, máy móc, với hơn 2 tỷ đồng. Công ty cung ứng cho Saigon Co.op khoảng từ 1 tấn sản phẩm mỗi tháng, nhưng cũng phải sau 60 ngày mới thu hồi được vốn.

Lúc này, dòng tiền để xoay vòng sản xuất của công ty cần hơn bao giờ hết. Công ty mong muốn, các ngân hàng sớm có chính sách linh hoạt cho doanh nghiệp được vay tín chấp thay bằng vay thế chấp.

z6053477784989_c3b97c9f7c4014285cea40282abbeffd.jpg
Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê Hương Quê Đắk Nông Nguyễn Văn Quý chia sẻ khó khăn tiếp cận vốn vay này ở nhiều diễn đàn, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ

Ông Quý thông tin, công ty hiện có 3 hợp đồng cung ứng sản phẩm lớn. Một hợp đồng là từ đối tác ở Nga, với sản lượng cung ứng mỗi năm là 20 tấn ca cao.

Một hợp đồng nữa là với Saigon Co.op. Ngoài cung ứng cho hệ thống thường xuyên, Saigon Co.op đang đặt vấn đề lấy bột ca cao của doanh nghiệp để xuất khẩu đi Mỹ.

Riêng hợp đồng với khách hàng Nhật Bản, do chưa có vốn đầu tư khang trang, bảo đảm các tiêu chuẩn cho nhà xưởng, nên đối tác chỉ thuê doanh nghiệp làm gia công. Tức họ mua nguyên liệu và đưa về cho công ty chế biến. Sau đó, đóng gói theo thương hiệu của họ.

Ông Quý nói trong cay đắng: “Do không vay được vốn tín chấp từ các ngân hàng, công ty buộc phải đi vay “nóng” từ bên ngoài. Làm ra được đồng lời nào thì đóng lãi hết. Nếu không làm thì sẽ mất hết khách hàng. Không vay vốn từ bên ngoài sẽ không đầu tư được cho sản xuất và không có hàng hóa cung ứng cho đối tác”.

Nhờ sự hỗ trợ từ đối tác

Công ty TNHH MTV Nhôm kính cơ khí Minh Duy, TP. Gia Nghĩa cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Doanh nghiệp khởi nghiệp được gần 3 năm, nguồn vốn phục vụ sản xuất khá nhiều, nhưng hiện vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng.

img_7702.jpg
Công ty TNHH MTV Nhôm kính cơ khí Minh Duy đang rất cần vốn để phục vụ sản xuất

Những năm qua, công ty cứ phải xoay xở lấy chỗ này đắp chỗ kia, để có đủ nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Nhiều lúc cao điểm vốn cần rất nhiều, trong khi, công trình xây dựng phải mất nhiều tháng trời, chờ nghiệm thu mới thu hồi được vốn.

Theo ông Duy, tài sản đất đai của công ty trị giá khoảng vài tỷ đồng, nhưng khi các ngân hàng định giá chỉ được 300 - 400 triệu đồng. Tính ra khoản được vay sẽ không đáng bao nhiêu, không đủ để xoay vòng vốn hoạt động.

Công ty tính sẽ vay vốn để đầu tưư một lần để nâng cấp các máy móc, công nghệ, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra công ty cần nguồn vốn lưu động từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để nhập vật tư.

"Tuy nhiên, kể từ thời điểm vay ngân hàng mà gặp khó khăn cho đến nay, công ty không dám hỏi lại các ngân hàng thêm lần nào nữa”, Giám đốc Công ty Đoàn Minh Duy chia sẻ.

img_7767.jpg
Tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, buộc Công ty TNHH MTV Nhôm kính cơ khí Minh Duy phải xoay xở từ nhiều nguồn để duy trì sản xuất

Cũng theo ông Duy, hiện tại, đa phần nguồn vốn phục vụ sản xuất của công ty đều nhờ bên đối tác cung ứng hỗ trợ. Đối tác cung ứng vật tư về cho doanh nghiệp để sản xuất, thi công công trình trước.

Sau đó, công ty sẽ thu dần từ công trình về thanh toán lại cho đối tác trong khoảng thời gian cam kết. Điều này giúp công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

Dù gặp nhiều gian nan, nhưng ông Duy cảm thấy vẫn còn may mắn, vì khi công ty làm ăn uy tín, các đối tác cung ứng luôn có những chính sách linh động trong hỗ trợ.

Tức là đối tác sẽ tạo cho công ty một công nợ linh động, phù hợp với khả năng thanh toán, miễn sao trong vòng 60 ngày phải hoàn trả đầy đủ.

“Phần lớn nguồn này các bên cung ứng không tính lãi nên công ty có điều kiện để phát triển sản xuất. Nếu không sẽ rất khó mà vượt qua được quãng thời gian khởi nghiệp đầy khó khăn này”, ông Duy nói trong niềm vui.

Thực tế, doanh nghiệp có nhu cầu vay được tiền, còn ngân hàng cũng mong cho vay. Tuy nhiên, câu chuyện làm sao để hai bên gặp được nhau vẫn đang là bài toán cực kỳ khó khăn.

Ông Nguyễn Trí Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Doanh nghiệp Đắk Nông long đong vay vốn ngân hàng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO