Đắk Wer giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Vũ Trang| 08/10/2014 09:43

Trong những năm qua, Trạm y tế xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm từng bước cải thiện và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho người dân, nhất là chị em trong độ tuổi sinh đẻ.

ADQuảng cáo

Theo y sĩ Lưu Văn Tuất, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đắk Wer thì với sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, công tác tuyên truyền đã từng bước được mở rộng và đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Cùng với việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS, qua các phương tiện thông tin đại chúng, treo panô, áp phích..., nội dung tuyên truyền còn được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp thôn, hội thi văn nghệ quần chúng tại các địa bàn dân cư…

Cán bộ Trạm y tế xã Đắk Wer tiêm phòng vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai

Đội ngũ y tế thôn, bon và cộng tác viên dân số ở các khu dân cư cũng tích cực rà soát số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai tại từng địa bàn dân cư để vận động họ đến cơ sở y tế khám thai định kỳ cũng như thực hiện các biện pháp CSSKSS. Trạm còn tổ chức các đợt khám và cấp thuốc tại cộng đồng cho các chị em trong độ tuổi sinh đẻ.

Thông qua hoạt động này, chị em có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn cũng như khám, kiểm tra và phát hiện sớm các bệnh về đường sinh sản để điều trị kịp thời.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Chị Trịnh Thị Hóa ở thôn 10 cho biết: “Trước đây, chị em rất ít quan tâm đến việc CSSKSS, một phần cũng là do tâm lý còn e ngại. Nhưng gần đây, các thông tin, chương trình CSSKSS cho phụ nữ đã được tổ chức xuống tận địa bàn dân cư nên nhiều chị em đã hăng hái tham gia, nên việc CSSKSS cũng dần trở thành thói quen”.

Thực tế cho thấy, phụ nữ nông thôn là những đối tượng ít được chăm sóc sức khỏe nhất. Nhiều chị em hầu như không có những kiến thức cần  thiết về CSSKSS nên tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục... rất cao. Vì vậy, các hoạt động CSSKSS tại cộng đồng thực sự đã trở thành một “kênh” thiết thực, hữu ích cho chị em, góp phần  thúc đẩy công tác CSSKSS có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở ngày càng tăng. Công tác tiêm phòng cho bà mẹ cũng như chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em hàng năm đều đạt kết quả cao. Trong năm 2013, toàn xã có 154 phụ nữ sinh thì 100% đều được cán bộ y tế đỡ. Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh chiếm đến 99%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý đạt 94%. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc-xin chiếm 98,5%. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng giảm bình quân mỗi năm 1,5-2%...

Cũng theo y sĩ Lưu Văn Tuất thì mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, hiện nay, công tác CSSKSS trên địa bàn cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như mức sinh ở các địa bàn dân cư vẫn còn chênh lệch; việc tiếp cận cũng như chất lượng các dịch vụ CSSKSS cho bà mẹ trước, trong và sau sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi vị thành niên vẫn có xu hướng gia tăng…Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, trạm cũng đang tiếp tục củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế thôn, bon cũng như tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ CSSKSS. Địa phương phấn đấu đạt mục tiêu là tất cả phụ nữ trên địa bàn xã đều có điều kiện được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CSSKSS có chất lượng.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Wer giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO