Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh sau 10 năm

Phạm Lục| 23/06/2014 10:30

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 10 của Đảng ủy quân sự (ĐUQS) Trung ương, Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định của Tư lệnh Quân khu 5 về nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn Lịch sử quân sự (LSQS), tổng kết chiến tranh, Đảng ủy – Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã xin chủ trương nghiên cứu, biên soạn 3 đề tài về LSQS.

Cụ thể với Đề tài “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông 1945 – 2007”, thực hiện từ tháng 4/2007 đến tháng 12/2008, được Hội đồng Khoa học & Công nghệ tỉnh (do Sở KH&CN tỉnh chủ trì) nghiệm thu, đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc. Từ kết quả đó, Bộ CHQS tỉnh đã hoàn chỉnh, in ấn 1000 cuốn và cho phát hành làm tài liệu giáo dục truyền thống cho lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân trong tỉnh từ tháng 6/2009.

Tiếp đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo và chỉ đạo Phòng Chính trị phối hợp với Ban Khoa học quân sự triển khai thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn “Lịch sử công tác Đảng, công tác Chính trị lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông 1945 – 2010”, cuốn sách đã được in 500 cuốn, phát hành trong tháng 4/2012.

Đảng ủy quân sự tỉnh đã triển khai nghiên cứu, biên soạn đến nay đã hoàn thành bản thảo lần thứ nhất cuốn “Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Đắk Nông 1945 – 2010”; Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh cũng đã ra quyết định giao nhiệm vụ cho các cơ quan quân sự huyện, thị tích cực làm tham mưu cho cấp ủy địa phương, lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử LLVT cấp huyện.

Có thể thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả đó cho thấy Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác biên soạn lịch sử quân sự - tổng kết chiến tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác LSQS - tổng kết chiến tranh ở Bộ CHQS tỉnh còn có một số hạn chế đó là: Chưa kịp thời kiện toàn biên chế, tổ chức của Ban Khoa học công nghệ, môi trường và lịch sử quân sự - Tổng kết chiến tranh (nay là Ban Khoa học quân sự) theo qui định của trên; Chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình LSQS cấp huyện còn chậm, đến nay mới có cơ quan quân sự huyện Đắk Mil thực hiện nghiên cứu, biên soạn lịch sử LLVT nhân dân huyện và chưa thực hiện được công trình tổng kết chiến tranh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ thực tiễn đó, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh, đã rút ra một số kinh nghiệm.

 Thường xuyên quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng về khoa học lịch sử, tạo sự thống nhất về nhận thức; Lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học LSQS (kể cả trong nhận thức nhiệm vụ cũng như trong bố trí cán bộ), quá trình thực hiện phải có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử trong và ngoài quân đội để nâng cao chất lượng nghiên cứu các công trình.

Quan tâm đầu tư thỏa đáng về mọi mặt, trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt và nghiệp vụ chuyên môn tốt, có trách nhiệm cao, yêu mến nghề nghiệp.

Kết quả nghiên cứu, biên soạn LSQS, tổng kết chiến tranh, phải được phổ biến rộng rãi, đưa vào nội dung giáo dục truyền thống thường xuyên cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân địa phương bằng nhiều hình thức, hiệu quả, sát thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh sau 10 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO