Xây dựng xã hội học tập cả chiều rộng và chiều sâu

Nguyễn Hiền| 28/06/2021 09:12

Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012-2020” (Đề án 89) được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao dân trí. Với việc triển khai nhiều giải pháp, công tác xây dựng xã hội học tập (XHHT) theo mục tiêu đề án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Công tác xây dựng XHHT của tỉnh do Sở Giáo dục-Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức thực hiện. Các mục tiêu của đề án được triển khai thực hiện như: nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm hoạt động cộng đồng; xóa mù chữ; phổ cập giáo dục các cấp; kiểm tra, đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập, công nhận mô hình học tập; tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức như: ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số…

Từ năm 2015, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong giai đoạn 2012-2020, toàn tỉnh đã cơ bản đạt được mục tiêu chung đề ra. Cả tỉnh đã xây dựng và phát triển mạng lưới hệ thống giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, bảo đảm mỗi đơn vị cấp huyện có một trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Qua việc thực hiện đề án đã góp phần nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60, nhất là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em gái. Trình độ tin học, ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tay nghề, kỹ năng sống của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động được nâng lên đáng kể. Việc thực hiện các mục tiêu cũng góp phần tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp.

Lớp học xóa mù chữ tại xã Đắk Ha (Đắk Glong). (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, đến năm 2020, tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 1. Trên 90% cán bộ, công chức, viên chức biết sử dụng công nghệ thông tin. 30% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 10% có trình độ bậc 3.

Cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định. 98% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 90% thực hiện bồi dưỡng tối thiểu hàng năm. Đối với cán bộ, công chức cấp xã có 100% được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành; 70% có trình độ chuyên mộn chuẩn theo quy định; 80% thực hiện bồi dưỡng tối thiểu hàng năm.

Lao động nông thôn có 80% được học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh có trên 95% công nhân lao động có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương.

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc thực hiện Đề án đã có những tác động tích cực, các cấp, ngành đã quan tâm đầu tư kinh phí, đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Việc thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã góp phần tích cực trong việc tăng cường các hoạt động giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” được phát động và thực hiện hiệu quả. Việc tuyên dương học sinh giỏi, đạt thành tích cao trong trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia được kịp thời, thiết thực hơn. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài chung đã góp phần duy trì, củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.

Giai đoạn tới, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Tập trung đẩy mạnh xóa mù chữ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 89 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, công tác xây dựng XHHT chưa đồng đều. Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự xem công tác đào tạo, bồi dưỡng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên. Ý thức của một số ít cán bộ, công chức về học tập, nâng cao trình độ để phục vụ yêu cầu công việc còn hạn chế.

Công tác tổ chức, quản lý các trung tâm học tập cộng đồng ở nhiều địa phương còn bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên thay đổi nên công tác quản lý, điều hành còn nhiều lúng túng. Nội dung một số chuyên đề chưa đáp ứng nhu cầu người học. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trung tâm còn hạn chế, hoạt động mang tính hình thức.

 Theo ông Trần Sĩ Thành, trên cơ sở từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế trong giai đoạn vừa qua, thời gian tới, ngành Giáo dục với vai trò của mình sẽ tăng cường hơn nữa công tác tham mưu xây dựng XHHT cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trong giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của xây dựng XHHT. Mạng lưới cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục được thực hiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng XHHT.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ hướng đến là đầu tư hơn công tác xóa mù chữ; trong đó tập trung xóa mù chữ cho người lớn, thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và trẻ em gái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng xã hội học tập cả chiều rộng và chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO