Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác DS-KHHGĐ: Mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích

Vũ Trang| 02/03/2016 16:16

Năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) tỉnh bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thu thập, cập nhật thông tin và xây dựng kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số.

ADQuảng cáo

Đến nay, kho dữ liệu điện tử của ngành đã từng bước được hoàn thiện, mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích trong việc quản lý, điều hành hoạt động DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.  

Cán bộ Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh tìm kiếm thông tin từ kho dữ liệu điện tử của ngành

Theo ý kiến của một số cán bộ phụ trách công tác DS-KHHGĐ tuyến huyện thì khi bắt đầu triển khai kho dữ liệu điện tử, họ phải học tin học, làm quen với việc cập nhật thông tin dân số, thời gian đầu tuy vất vả, nhưng bây giờ lại rất thuận lợi khi tra cứu, đánh giá để làm báo cáo tháng, quý, năm. Bên cạnh đó, việc lưu giữ thông tin cũng lâu dài hơn giúp công tác quản lý dân số trên từng địa bàn rõ ràng, chi tiết hơn.

Chị Nguyễn Thị Trang, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đắk Mil chia sẻ: “Chỉ cần thao tác trên phần mềm, các thông tin quản lý về nhân khẩu, số hộ, số nam, nữ, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số phụ nữ đang áp dụng các biện pháp tránh thai, các chỉ số liên quan đến trẻ em sinh ra, biến động dân cư... của mỗi cá nhân, mỗi xã trong huyện đều cho ra kết quả một cách chính xác. Đặc biệt, từ khi triển khai kho dữ liệu điện tử, công tác báo cáo được thực hiện nhanh và thuận lợi hơn, giảm chi phí hành chính từ việc gửi công văn qua đường bưu điện...”.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Ông Hoàng Công Nghiệp, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đắk Mil cho biết, do số lượng sổ sách theo dõi về công tác DS-KHHGĐ khá nhiều nên cán bộ phụ trách dân số rất vất vả khi cập nhật thông tin. Hiện nay, công việc cập nhật kho dữ liệu điện tử đã từng bước hoàn thiện, giúp người quản lý tìm kiếm thông tin dễ dàng, tổng hợp số liệu thống kê nhanh và thuận lợi hơn... Qua đó, ngành cũng xây dựng những giải pháp kịp thời nhằm giảm sinh, giảm thiểu tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tại từng địa bàn cụ thể...

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, việc triển khai kho dữ liệu điện tử giúp cán bộ dân số chuyển đổi từ phương thức báo cáo thủ công sang báo cáo điện tử. Các thông tin như số nhân khẩu, số hộ, số trẻ mới sinh... đều được cán bộ dân số cập nhật thường xuyên, kịp thời vào kho dữ liệu. Trên cơ sở đó, cán bộ quản lý ở cấp trên cũng dễ dàng nắm bắt được tình hình tại cơ sở.

Thực tế cho thấy, các thông tin báo cáo điện tử đã đáp ứng được nhu cầu trong việc quản lý và điều hành chương trình dân số. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc triển khai kho dữ liệu cũng gặp một số khó khăn, bất cập.

Cụ thể, việc kết nối từ tuyến xã lên tuyến huyện chưa đầy đủ. Nhiều trạm y tế xã mặc dù đã được trang bị máy tính và cài đặt phần mềm, nhưng công tác quản lý vẫn thực hiện thủ công qua sổ ghi chép ban đầu, sau đó mới cập nhật bằng phần mềm. Tại một số địa phương, mức độ đáp ứng các thông tin dữ liệu phục vụ của kho dữ liệu điện tử còn thấp do việc thu thập thông tin và báo cáo của một số cộng tác viên, cán bộ chuyên trách còn thiếu chính xác, chưa cập nhật số liệu thường xuyên...

Do đó, việc khắc phục những thiếu sót, bảo đảm số liệu chính xác, kịp thời đang là một trong những vấn đề được Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của kho dữ liệu điện tử của ngành. Theo đó, cùng với việc tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, Chi cục tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc cập nhật thông tin biến động vào kho dữ liệu điện tử, nâng cao chất lượng, tăng tính chính xác của thông tin, phục vụ kịp thời nhu cầu cung cấp thông tin của ngành DS-KHHGĐ.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác DS-KHHGĐ: Mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO