Từng bước nâng cao hiệu quả cho cây điều

Hồng Thoan| 03/08/2021 08:54

Điều là cây trồng rất phù hợp với điều kiện sản xuất của phần lớn hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm hạt điều thường bán được giá, dễ tiêu thụ. Do đó, việc quan tâm, nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều sẽ góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có trên 15.400 ha điều, sản lượng đạt trên 19.300 tấn/năm. Những năm qua, các ngành, địa phương đã quan tâm đến việc giúp người dân nâng cao hiệu quả canh tác vườn điều.

Một số giống điều ghép có phẩm chất tốt đã được người dân huyện Đắk R'lấp đưa vào trồng

Tuy nhiên, nhìn chung, việc cải tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất điều vẫn chưa được cải thiện là bao. Diện tích điều được trồng bằng những giống mới còn ít; sản lượng, chất lượng điều chưa cao. Thương hiệu sản phẩm điều của Đắk Nông vẫn còn mờ nhạt.

Xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) là địa bàn có diện tích điều cao nhất tỉnh, với 1.200 ha. Nhiều hộ dân ở đây chủ yếu dựa vào cây điều để phát triển kinh tế, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của UBND xã Đắk Ru, nhiều năm qua, hiệu quả sản xuất điều trên địa bàn hầu như chưa được cải thiện. Nhiều diện tích điều được trồng đã lâu, già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm giảm, nhưng vẫn chưa được chuyển đổi.

Ông Điểu Hoang, Trưởng bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru, cho biết, trong bon có khoảng 100 ha điều. Phần lớn diện tích điều này được trồng bằng các giống cũ, cây già, sâu bệnh, ít được đầu tư về phân bón, nên năng sất thấp.

Là người đã kinh doanh sản phẩm hạt điều hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) cho rằng, so với các loại nông sản khác như cà phê, hồ tiêu, cây điều ít có biến động lớn về giá cả, dịch bệnh.

Mỗi năm đơn vị thu mua hàng trăm tấn hạt điều, nhưng nguồn nguyên liệu trên địa bàn không đủ. Do đó, công ty phải mua thêm hạt điều tại tỉnh Bình Phước hoặc nhập khẩu từ Campuchia mới đủ công suất chạy máy.

ADQuảng cáo

Bà Nguyệt cũng nhận thấy, thời gian qua, việc quan tâm phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất điều vẫn chưa được quan tâm một cách mạnh mẽ. Từ thực tế này, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật; có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất điều tốt hơn.

Sản phẩm điều rang muối của Công ty TNHH Hồng Đức phục vụ xuất khẩu

Cư Jút cũng là địa phương có diện tích điều lớn trong tỉnh, với hơn 2.300 ha. Điều được trồng nhiều ở xã Trúc Sơn, Nam Dong, Đắk D’rông, Đắk Wil. Nhờ cây điều, nhiều hộ dân trên địa bàn, nhất là hộ nghèo, khó khăn, duy trì được nguồn thu nhập.

Thế nhưng, những năm gần đây, người trồng điều của huyện lại không mấy vui vẻ, vì cây điều ngày càng già cỗi, chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, dẫn đến giảm năng suất. Hầu hết các hộ dân chưa thể chuyển đổi, cải tạo diện tích điều này.

Công ty TNHH MTV Nông sản Hà Vân (Cư Jút) là doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến hạt điều tại địa phương. Theo bà Trịnh Thị Ngọc Vân, Giám đốc Công ty, sản lượng điều trên địa bàn huyện vẫn bảo đảm cho nhà máy sản xuất, nhưng chất lượng hạt điều ngày càng kém đi.

Những năm gần đây, hạt điều bị sâu, lép càng nhiều, rất khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này chứng tỏ hiệu quả sản xuất điều trên địa bàn đang giảm sút. Do đó, cần sớm có sự đầu tư, cải thiện cho các vườn điều của bà con.

Địa phương cần đưa các giống điều có chất lượng cao hơn vào trồng đại trà, thay thế những vườn điều già cỗi, kém chất lượng. "Việc này sẽ từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất điều và góp phần tạo vị thế cho cây điều của Đắk Nông”, bà Vân chia sẻ.

Từ năm 2020 đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã triển khai 30 mô hình (với 30 ha) trồng và chăm sóc vườn điều tại các xã Hưng Bình, Đắk Ru (Đắk R'lấp). Các giống điều mới được trồng gồm: PN 1, AB 0508, AB 29. Diện tích điều mới này đang phát triển tốt, tỏ ra khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương, có khả năng kháng bệnh tốt...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước nâng cao hiệu quả cho cây điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO