Tài nguyên nước suy giảm trầm trọng từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng

Đức Diệu| 21/12/2015 14:33

Tình trạng nông dân ồ ạt mở rộng diện tích một số cây trồng vượt xa diện tích quy hoạch, thiếu đầu tư phát triển chiều sâu và một số nguyên nhân khác đã và đang đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ không bền vững do thiếu nguồn nước tưới.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ nông dân ở huyện Chư Jút thuê máy khoan giếng để cung cấp nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Văn Tâm

Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 302.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thì đến đầu năm 2015, kết quả kiểm kê đất đai của Sở Tài nguyên- Môi trường cho thấy diện tích này đã tăng lên rất nhiều. Cụ thể, diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh hiện có khoảng 360.000 ha, tăng 58.000 ha so với năm 2010, trong đó nhiều nhất là diện tích hồ tiêu.

Được biết, toàn tỉnh hiện nay có gần 25.000 ha hồ tiêu, 124.000 ha cà phê. Cây mắc ca tuy mới có mặt ở Đắk Nông mấy năm gần đây với vai trò là cây trồng thử nghiệm nhưng mức độ tăng diện tích khá nhanh. Điều đáng nói đây là những loại cây cần nhu cầu nước tưới lớn, tập trung nhiều vào mùa khô nên việc mở rộng diện tích vượt tầm quy hoạch đã đặt ngành Nông nghiệp vào nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất.

Theo mục tiêu của tỉnh đã được kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa II thông qua thì năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu đảm bảo nước tưới cho 71% diện tích cây trồng nằm trong vùng quy hoạch. Vấn đề đặt ra ở đây là còn khoảng 29% cây trồng trong vùng quy hoạch không đảm bảo được nước tưới phải ngưng sản xuất hay chuyển đổi cây trồng phù hợp. Chưa kể đến, một diện tích cây trồng lớn đang nằm ngoài quy hoạch thì nguồn nước tưới ở đâu?

Câu trả lời là những diện tích này, người dân tự khai thác các nguồn nước như đào ao, hồ tích nguồn nước, khoan giếng tìm nguồn nước ngầm để phục vụ tưới. Từ mở rộng diện tích dẫn đến vỡ quy hoạch cây trồng kéo theo hoạt động khai thác nguồn nước ngầm, nước mặt một cách tùy tiện, ồ ạt, thiếu định hướng đã dẫn đến nguy cơ thiếu tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nguồn nước.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được mở rộng đồng nghĩa với việc diện tích rừng, đất rừng bị thu hẹp. Từ đây, áp lực kép đối với nguồn nước đã và đang diễn ra vì nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn nước cho nông nghiệp ngày càng tăng trong khi nguồn nước mặt, nước ngầm thì giảm sút do độ che phủ của rừng giảm.

ADQuảng cáo

Theo báo cáo của ngành chức năng thì tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân khách quan do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, do điều kiện khí hậu, thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu và tác động của con người như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm...

Trong khi đó, nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ đất nước và gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng.

Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Ở khu vực Tây Nguyên, trong những năm gần đây, việc khai thác nguồn nước trên các sông lớn đã vượt mức bền vững theo quy định với gần 35%.

Để đảm bảo an ninh nguồn nước thì việc phát triển nông nghiệp bền vững là một trong những hành động chủ lực nhưng xem ra khả năng và tiến độ tiếp cận, thực hiện của nhà nước, người dân còn khá chậm so với yêu cầu thực tế. Bởi vì, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tiết kiệm nguồn nước, tăng hiệu suất sử dụng đất, hạn chế mở rộng diện tích… vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Kết quả sản lượng cây trồng trên địa bàn tỉnh những năm qua cho thấy, ngoài một số cây như lúa, ngô thì các cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê vẫn chưa có chuyển biến nhiều về sản lượng bình quân trên một diện tích đất; tăng trưởng của các loại cây này vẫn chủ yếu do mở rộng diện tích, tăng giá…

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch trong nông nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế, chậm so với yêu cầu thực tế nên hệ thống các công trình thủy lợi đầu tư không kịp so với nhu cầu dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước một cách tùy tiện, thiếu quản lý nhà nước đã và đang diễn ra phổ biến. Từ đây cho thấy, cuộc chiến nguồn nước sẽ càng diễn biến phức tạp nếu chúng ta vẫn cứ theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên nước suy giảm trầm trọng từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO