Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững (Kỳ 1): Tài nguyên nước đang suy kiệt

Văn Tâm| 09/08/2016 09:35

Đắk Nông cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác được xem là nơi khởi phát, tích tụ và phân phối nguồn nước của nhiều con sông cho cả vùng phía Đông và phía Tây của dãy Trường Sơn, đồng thời mật độ hồ chứa các loại ở nơi đây cũng cao nhất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, khu vực này phải đối mặt với khô hạn khốc liệt, gây thiệt hại lớn cho các địa phương.

ADQuảng cáo

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, những năm qua, nền kinh tế Đắk Nông đã có bước chuyển đổi mạnh. Trong đó, nhu cầu nước cho phát triển của các ngành kinh tế có xu hướng tăng cao. Thế nhưng, nguồn tài nguyên nước mặt và trong lòng đất ngày một suy giảm đã và đang là nỗi lo thường trực của các địa phương.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có vị trí địa chính trị, địa kinh tế và giao thông rất quan trọng. Tây Nguyên nằm trên nền địa hình ở độ cao từ 250 – 2.500 m, là đầu nguồn của 4 hệ thống sông lớn là sông Sê San, sông Ba, sông Sêrêpốk, sông Đồng Nai và một phần của các lưu vực nhỏ khác của sông Thu Bồn, Trà Khúc…

Theo báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp – PTNT) thì tổng lượng dòng chảy năm của các tỉnh Tây Nguyên khoảng 49 tỷ m3, trong đó, tỉnh Kon Tum là 11,1 tỷ m3, Gia Lai: 11,9 tỷ m3, Lâm Đồng: 10 tỷ m3, Đắk Lắk và Đắk Nông: 16 tỷ m3.

Năm 2013, do Thủy điện Buôn Tua Sarh không xả nước buộc người dân xã Quảng Phú (Krông Nô) phải dùng bao tải đất đắp đập giữa lòng sông để bơm nước tưới cho cây trồng

Với trữ lượng nước khá dồi dào nhưng trong những năm qua, do những biến động theo chiều hướng bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ đã làm bộc lộ những khó khăn, thách thức về tài nguyên nước tại khu vực. Thậm chí, nhiều năm liền, nhiều nơi tình trạng khan hiếm, thiếu nước xuất hiện làm tổn thất nặng nề cho các ngành kinh tế, xã hội của các địa phương.

Tại tỉnh Đắk Nông, theo ngành chuyên môn thì do việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm không theo quy hoạch làm cho nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm, nhất là vào các tháng mùa khô hằng năm. Những năm qua, rừng trên địa bàn bị tàn phá nặng nề, cộng với những yếu tố bất lợi của thời tiết như lượng mưa hằng năm có xu hướng giảm, mùa khô kéo dài… khiến tài nguyên nước ngầm suy giảm.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu có nhu cầu nước tưới trong mùa khô ngày càng lớn dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan, không kiểm soát được,  mực nước ngầm đã giảm bình quân 3-5m, có nơi giảm 6-8m.

Qua điều tra, khảo sát của Đoàn địa chất 704, một số vùng như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…, mực nước ngầm tiềm năng không còn nhiều như 10 năm về trước. Cụ thể, năm 2004 có thể khai thác tối đa 0,4 - 0,6 triệu m³/ngày thì nay chỉ còn chưa đến 300.000 m³/ngày và nhiều nơi còn ở dưới mức 250.000 m³/ngày.

Ông Nguyễn Anh Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Chư Jút cho biết: “Hiện nay, các hộ dân ồ ạt thuê các cơ sở khoan giếng tư nhân về khoan giếng lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoạt động khoan giếng theo nông hộ nên khó kiểm soát. Cách đây vài năm chỉ cần khoan 40 – 50 m là có nước, nhưng bây giờ khoan đến cả 100 m mới có nước, thậm chí có giếng khoan không có nước”. Do người dân khai thác lượng nước ngầm tưới cho cây cà phê ngày càng lớn nên nguy cơ chảy tầng, tụt mạch nước ngầm, sụt lún đất, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái là rất dễ xảy ra.

Mặc dù là vùng trũng thấp nhưng xã Quảng Hòa (Đắk Glong) cũng có hàng trăm ha cà phê bị thiệt hại do thiếu nước tưới. (Ảnh chụp năm 2015)

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đợt hạn hán 2016 đã làm 50.000 ha cây trồng trên địa bàn Tây Nguyên bị hư hại, gần 30.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Theo thông tin từ Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) thì ngoài các nguyên nhân trên, những năm qua, việc phát triển thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh của các sông Sê San và Sêrêpốk đã tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, nguồn lợi thủy tự nhiên, sinh kế người dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Việc quy hoạch thiếu thống nhất trong phát triển thủy điện là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mạch tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút.

Điều đáng nói, những yếu tố trên đã tác động xấu đến nguồn nước ngầm tại khu vực này và đang bị khai thác quá mức dẫn đến hệ thống mạch nước ngầm lâm vào tình trạng kiệt quệ. Do đó, tình trạng hạn hán đã gia tăng khiến hệ thống sông, suối, hồ chứa... cạn kiệt nước, mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chưa kể tưới cho cây trồng...

Ông  Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Phòng chống lụt bão tỉnh cho hay: “Toàn tỉnh hiện có 13.144 giếng khơi, giếng khoan do dân tự làm để tưới cà phê. Nhưng mùa khô vừa rồi, lượng nước ngầm suy giảm sâu, khiến đa số các giếng khơi đã cạn kiệt. Các giếng khoan cũng thiếu hụt nguồn nước làm ảnh hưởng đến 4.536 ha cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững (Kỳ 1): Tài nguyên nước đang suy kiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO