Phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống

Bình Minh| 27/12/2016 10:08

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, nghị quyết đã nêu rõ vai trò quan trọng của báo chí trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”.

Nghị quyết cũng nêu rõ: “Tăng cường công tác dân vận của Đảng và của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên”.

Thực tế trong thời gian qua, báo chí trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Các cơ quan báo chí đã tập trung nêu những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên đã được báo chí điều tra, phản ánh giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý kịp thời được dư luận đồng tình.

Các mức độ vi phạm về suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống... của cán bộ, đảng viên cũng được phản ánh dưới nhiều góc độ khác nhau giúp các cấp, các ngành nắm bắt, giáo dục, uốn nắn kịp thời. Báo chí cũng đã chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội, việc giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước là kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương khích lệ và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời phát hiện những nơi làm chưa tốt, làm sai để đấu tranh. Thực tế, trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng những năm gần đây, phần lớn những vụ việc lớn đều do báo chí phát hiện, phanh phui và sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc.

Cùng với phản biện của báo chí, đời sống báo chí còn có sự phản biện xã hội qua báo chí. Đây là hai vấn đề có những đặc điểm khác nhau. Điểm khác biệt lớn nhất là khi nói phản biện xã hội qua báo chí thường là nói đến hay nghiêng về chức năng phản ánh của các chuyên gia, nhà khoa học, độc giả, nhân dân... dùng báo chí làm công cụ, phương tiện để thể hiện quan điểm, chính kiến và ý kiến của mình đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và luật pháp của xã hội, đặc biệt là trước những chính sách và sự thực thi chính sách của nhà nước.

Như vậy, chủ thể của sự phản biện ở đây không phải là các nhà báo hay cơ quan báo chí, mà là các chuyên gia, nhà khoa học, độc giả, nhân dân... thực hiện các quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận mà luật pháp của nhà nước ta đã cho phép để phản biện những vấn đề đang nảy sinh trong chính sách và việc thực thi chính sách của Nhà nước. Lúc này, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải, phản ánh những tiếng nói đồng tình, không đồng tình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý của người dân trước những vấn đề nảy sinh trong xã hội.

Thực tế cho thấy, có khá nhiều chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách phức tạp, nhạy cảm, mới mẻ, các cơ quan chức năng và nhà quản lý không tiên lượng, dự báo hay bao quát đầy đủ, kịp thời. Vì thế, những ý kiến phân tích, bình luận của cộng tác viên, của nhân dân, phản ánh đúng lúc, kịp thời, thấu lý, đạt tình đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung, không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của công dân, nhân dân lao động và các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể chính trị - xã hội của đất nước...

Có thể nói, giám sát và phản biện xã hội qua báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do, dân chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí trở thành kênh thông tin hữu ích giúp tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước trên mọi mặt đời sống xã hội ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO