Những điểm sáng thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ
Bám sát chủ trương chung, các cấp hội phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ, nâng cao chất lượng tổ chức hội.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Khi tìm hiểu về công tác tập hợp phụ nữ, chúng tôi thật sự khá ấn tượng khi ở mỗi cấp hội đều có những cách thức riêng, hết sức sáng tạo, không đóng khung theo những lối mòn.
Trong đó, Hội LHPN thị trấn Đức An, huyện Đắk Song đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho 100% cán bộ hội cơ sở. Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông trên không gian mạng, hội duy trì các nhóm facebook, zalo để cung cấp, trao đổi thông tin kịp thời đến hội viên, phụ nữ. Hội ngày càng sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý cán bộ, hội viên.
Theo bà Trịnh Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đức An, sau khi được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên, công tác quản lý cán bộ, hội viên, phụ nữ được cập nhật thường xuyên theo các mục rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi. Định kỳ 6 tháng, các cơ sở hội rà soát, cập nhật số liệu phần mềm quản lý hội viên, phụ nữ và giải quyết những vướng mắc phát sinh hoặc đề xuất cấp trên hỗ trợ kỹ thuật. Nhờ đó, 100% cơ sở hội đã nhập đủ số liệu đối chứng với báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu.
Hội tận dụng mạng xã hội như: zalo, facebook... số hóa nhiều nội dung truyền thông để thông tin tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ. Hiện tại, 100% cán bộ hội sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet và ứng dụng zalo trong liên hệ công việc. Trang facebook “Phụ nữ Đức An” đã có trên 2.300 thành viên theo dõi, tương tác với các tin, bài tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.
“Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT, phần mềm trong việc quản lý hội viên đã giúp công tác hội được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả một cách nhanh chóng và kịp thời. Các thông tin hoạt động hội và phong trào phụ nữ không chỉ được hội viên, phụ nữ biết đến mà được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra những hiệu quả tích cực. Hiện nay, riêng với Hội LHPN thị trấn Đức An có 6 chi hội trực thuộc với 1.125 hội viên, tăng hơn nhiệm kỳ trước khá nhiều”, bà Đỗ Thị Minh Hải, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Song chia sẻ.
Phụ nữ tham gia giám sát, phản biện xã hội
Nói về thực tế ở địa phương, bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư Jút cho rằng, hội đã xác định giám sát, phản biện xã hội không chỉ là nhiệm vụ quan trọng giúp thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ mà còn góp phần nâng cao vai trò, vị thế, tạo lòng tin, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt. Vì vậy, những năm qua, các cấp hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hội LHPN từ huyện xuống cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tìm hiểu, vận dụng linh hoạt, phù hợp vào thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Các cấp hội xác định nội dung ưu tiên, xin chủ trương của cấp ủy và phối hợp với mặt trận, các ban, ngành, địa phương tổ chức các cuộc giám sát, tập trung những vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ, trẻ em.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp hội trên địa bàn huyện đã trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức được 17 cuộc giám sát, với nội dung tập trung vào việc thực hiện công tác bình đẳng giới; cấp thẻ BHYT cho phụ nữ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; các chế độ, chính sách về BHXH đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã; chế độ trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, phụ nữ khuyết tật...
Các cấp hội phản biện xã hội, đóng góp 185 ý kiến tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, chương trình phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình, dự án trên địa bàn.
Chị Đặng Thị Thu Thảo, tổ dân phố 6, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút cho biết: “Thông qua giám sát, phản biện xã hội, chị em có điều kiện, môi trường phát huy quyền làm chủ để theo dõi việc thực thi các chính sách ở địa phương”.
Hội LHPN huyện Cư Jút hiện có 13.474 hội viên, trong đó, hội viên dân tộc thiểu số 5.715 chị (chiếm 42,41%), thực sự là lực lượng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư Jút
Chất lượng đội ngũ cán bộ hội là then chốt
Nắm bắt thế mạnh của địa phương, Hội LHPN TP. Gia Nghĩa lại xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp là vấn đề then chốt để thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ. Các cấp hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời tham mưu cấp ủy bổ sung về nhân sự, kiện toàn các chức danh cán bộ hội cơ sở. Đến nay, tổng số cán bộ hội chuyên trách 2 cấp là 10/12 đơn vị, đội ngũ cán bộ chi hội có 58 người.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN TP. Gia Nghĩa cho biết: Hội đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025”. Trên cơ sở thực hiện đề án, hàng năm hội phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ hội các cấp.
Cấp ủy, chính quyền cũng luôn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ hội chuyên trách tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước. Vì vậy, đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp hội bảo đảm cơ bản về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn chức danh, từng bước đáp ứng yêu cầu công việc.
“Với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp nên công tác vận động phụ nữ tham gia tổ chức hội được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp và ngày càng hiệu quả. Qua đó, đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt và trong 2 năm gần đây đã tăng được 355 hội viên, vượt chỉ tiêu giao. Hội LHPN TP. Gia Nghĩa hiện có 8 cơ sở hội, 62 chi hội và 188 tổ hội, với tổng số 12.530 hội viên, tỷ lệ thu hút hội viên ở 8 xã, phường đạt 100%”, bà Nguyễn Thị Ngọc khẳng định.