Nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Tường Mạnh thực hiện| 16/09/2016 08:54

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật (VHNT), góp phần xây dựng văn hóa, con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 15/9, có nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết xung quanh chủ đề hội thảo. Báo Đắk Nông xin trích đăng một số ý kiến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ...

ADQuảng cáo

CẦN LẮNG NGHE, CHIA SẺ, CẢM THÔNG ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ  SÁNG TÁC

Đối với tỉnh Đắk Nông, đội ngũ sáng tác âm nhạc còn rất hiếm hoi và chúng ta cũng chưa xây dựng được kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hoặc thu hút nguồn nhân lực. Mặc dù có cơ chế, chính sách thỏa đáng đi nữa thì đào tạo hoặc thu hút 10 người thì may mắn mới có được một vài người. Đây là lĩnh vực nghệ nghiệp đặc thù, chúng ta không thể cân đong, đo đếm, định lượng nó được, kể cả chỉ số IQ cũng không quyết định được, mà cái quyết định là tấm lòng với văn hóa vùng miền của người sáng tác.
Nói như thế để thấy rằng, trong công tác xây dựng đội ngũ sáng tác, các cấp quản lý VHNT hoặc các hội nghề nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, sự lắng nghe, chia sẻ, cảm thông, ứng xử linh loạt... chính là một phần quan trọng để thu hút, xây dựng và phát triển đội ngũ sáng tácVHNT nói chung và lĩnh vực âm nhạc nói riêng.

NSƯT Võ Cường
(Trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh )

TÍNH CHUYÊN NGHIỆP LÀ MỘT YÊU CẦU  ĐỐI VỚI BẤT CỨ VĂN NGHỆ SĨ CHÂN CHÍNH NÀO

Có một thực tế là đa số hội viên chúng ta không phải là người sáng tác chuyên nghiệp mà phải lo hoàn thành việc của cán bộ, công chức hoặc đơn giản là lao động kiếm sống, sáng tác chỉ là công việc tay trái. Trong khi đó, VHNT đòi hỏi văn nghệ sĩ phải “sống toàn thân, sống toàn trí, sống toàn hồn” cho công việc sáng tác như một tín đồ cuồng tín thì may ra mới có tác phẩm xuất sắc. Tính chuyên nghiệp là một yêu cầu đối với bất cứ nghệ sĩ chân chính nào. Tôi quan niệm, tính chuyên nghiệp không phải là sống được bằng nghề mà ở chỗ có thái độ chuyên nghiệp với từng tác phẩm của mình, sáng tạo đến giọt mồ hôi cuối cùng vì sự hoàn thiện của tác phẩm. Theo quan sát của chúng tôi thì nhiều văn nghệ sĩ ở địa phương chưa có được cái tinh thần đó.

Tiến sĩ Phạm Quốc Ca
(Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng)

VIỆC MỜI THẦY CHẲNG CẦN ĐÂU XA, CỨ NHẠC SĨ ĐẮK NÔNG, ĐẮK LẮK CŨNG LÀM ĐƯỢC

Việc tổ chức các trại sáng tác âm nhạc là vô cùng cần thiết vì động viên được nhiều lực lượng mạnh. Nhưng rất cần cẩn trọng trong việc giới thiệu chất liệu âm nhạc nguyên bản, nguyên gốc, tạo được xúc cảm cho  tác giả ngoài tỉnh thì mới thành công. Bên cạnh đó cũng cần đào tạo đội ngũ sáng tác trẻ, nhất là cố gắng chọn lựa lực lượng người dân tộc thiểu số; chọn cả từ chuyên nghiệp lẫn nghệ thuật quần chúng, biết sơ sơ đã, rồi sẽ có lúc thành tác giả. Việc mời thầy chẳng cần đâu xa, cứ nhạc sĩ Đắk Nông, Đắk Lắk cũng làm được việc này cho giảm kinh phí. Lâu nay chưa làm là vì ta không tin anh em, hay vì chưa chú trọng đến việc chia sẻ, tạo nguồn.
Không ai có thể đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn, độc đáo, kể cả cuộc sống đổi thay mạnh mẽ, tình yêu đằm thắm đối với con người và một vùng đất, thông qua nghệ thuật một cách rất hay, rất đẹp và đi sâu vào tâm hồn như những người nghệ sĩ đâu.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam
(Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên)

ADQuảng cáo

GIỚI TRẺ ÍT BIẾT HÁT DÂN CA, CHƠI NHẠC CỤ DÂN TỘC, ĐÂU  PHẢI CHỈ LỖI CỦA HỌ

Giới trẻ hôm nay rất ít người biết hát dân ca, biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc là điều có thật. Tuy nhiên, không phải thanh thiếu niên không yêu thích âm nhạc dân tộc và chưa được nghe những lời giáo huấn về vai trò của âm nhạc dân tộc trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Chung quy là do, từ lý luận đến thực tiễn còn có một khoảng cách khá xa, nếu không muốn nói là mâu thuẫn. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Cái mệnh đề ấy hầu như ai cũng hiểu, thậm chí hiểu rất sâu sắc, nhưng để thực thi sự hiểu biết ấy thì không phải là điều đơn giản. Và như thế, giới trẻ không thuộc nổi một câu hát dân ca, không biết chơi các loai nhạc cụ dân tộc đâu phải chỉ lỗi của họ mà phần nhiều là do người lớn và các cơ quan chức năng.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan
(Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai)

NGƯỜI NGHỆ SĨ PHẢI KHÔNG NGỪNG TÌM TÒI LỐI ĐI MỚI TRONG QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC

Trong sáng tạo VHNT, bản thân mỗi cá nhân đều không được phép giẫm lên vết chân của chính mình, không được phép núp dưới cái bóng của người khác. Mỗi tác phẩm phải là một đơn vị nghệ thuật riêng biệt. Do đó, người nghệ sĩ phải không ngừng tìm tòi lối đi mới trong quá trình sáng tác. Việc bồi dưỡng tác giả trẻ không phải là sự “cầm tay chỉ việc” hoặc truyền thụ kiến thức mà là việc trao truyền kinh nghiệm sáng tác của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau; là việc khuyến khích các tác giả trẻ tự tin và đam mê với hoạt động sáng tạo VHNT.

Nhà văn Lê Khôi Nguyên
(Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk)

CẦN CÓ SỰ VÀO CUỘC MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH

Khi điều kiện và môi trường diễn xướng dân ca mỗi ngày càng thiếu vắng, nếu không tích cực gìn giữ và phát huy, rất có khả năng không bao lâu nữa, dân ca M’nông sẽ trở thành xa lạ với lớp trẻ. Thế nhưng, việc duy trì đã khó, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy lại khó hơn. Vì vậy, để công tác này mang lại hiệu quả, cần có sự quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích và sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các cấp, các ngành.

Nhạc sĩ Mạnh Trí
(Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Giảng viên Trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO