Mai này ai hát sử thi? (kỳ cuối)

Đức Hùng| 14/03/2016 14:40

Kỳ cuối: Tìm hướng để bảo tồn, phát huy giá trị Ót N’drong

ADQuảng cáo

Câu hỏi đặt ra không dễ trả lời cho ngành văn hóa là làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị Ót N’drong?

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì qua khảo sát năm 2013 của ngành Văn hóa tỉnh và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trong các vùng người dân tộc M’nông sinh sống lâu đời, đều tồn tại Ót N’drong và có 12 người còn có thể hát kể tốt sử thi. Người cao tuổi nhất là nghệ nhân Điểu Kơl sinh năm 1921, người trẻ nhất là Thị Mai sinh năm 1974. Các nghệ nhân đang sinh sống tại các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức.

Học sinh Trường Dân tộc nội trú Đắk Mil tập đánh chiêng

Tháng 11/2013, Sở VHTT&DL phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức điều tra, đánh giá, lập hồ sơ đề nghị công nhận Ót N’drong của người M’nông là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tháng 12/2014, Ót N’drong được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trong những năm qua, ngành văn hóa đã thực hiện việc sưu tầm sử thi, biên soạn từ điển Việt – M’nông, tổ chức hội thi, hội diễn hát kể sử thi cũng như tổ chức khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong các hoạt động văn hóa.

Trong số 21 nghệ nhân của tỉnh vừa được công nhận nghệ nhân ưu tú thì có các nghệ nhân Ót N’drong. Các nghệ nhân được công nhận sẽ có chế độ chính sách hỗ trợ hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn được chăm lo đời sống vật chất, thuộc diện hộ nghèo thì được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa.

ADQuảng cáo

Các nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hóa, đi lưu diễn đều được hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định. Các hoạt động du lịch cũng tổ chức các buổi giao lưu, hát kể sử thi để bảo tồn, lưu giữ và phát triển du lịch văn hóa. Tỉnh cũng khuyến khích các nghệ nhân trẻ tham gia các hoạt động văn hóa...

Thời gian qua, trong các ngày hội văn hóa tại tỉnh cũng như các địa phương, khi tổ chức lễ hội đều có hát sử thi M’nông. Đây là môi trường góp phần trau dồi, khôi phục hát kể sử thi. Sử thi thực chất nằm trong tiềm thức của đồng bào dân tộc.

Trước đây, khi điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, đồng bào có nhiều thời gian quây quần bên bếp lửa, kể cho con cháu nghe Ót N’drong với những câu chuyện về phong tục, tập quán, câu chuyện có tính giáo dục. Hiện nay, nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, từng bon làng có sự khởi sắc, tập quán canh tác cũng có phần thay đổi như đồng bào bây giờ thay cây lúa bằng cà phê, tiêu.

Chính vì tập quán canh tác thay đổi, các phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất, sinh hoạt vào bon làng, cuộc sống kinh tế có nhiều phát triển nên tác động đến môi trường sinh hoạt là điều dễ hiểu. Một thực tế, hiện nay, đồng bào từ 40 tuổi trở lên thì từng được nghe sử thi và có thể hiểu phần nào sử thi. Nhưng ở lứa tuổi trẻ hơn thì do có nhiều phương tiện giải trí hơn nên ít được dịp để nghe sử thi.

Hiện nay, phần lớn người biết hát sử thi đã lớn tuổi, già yếu, không còn nhớ hết các trường đoạn; có người thì biết nhiều nhưng lại hay đi làm rẫy, sống xa bon làng, nên các em thiếu nhi ít được nghe sử thi. Bên cạnh đó, lễ hội của các địa phương ngày càng ít dần và ít nhiều đã thay đổi, nên việc để nghệ nhân có cơ hội, điều kiện hát sử thi cũng ít đi. Vì vậy, cơ hội để nghe, để học tập, tiếp nối của thế hệ sau cũng ít đi.

Người già không có môi trường để diễn xướng thì sẽ quên, trẻ không được nghe sẽ không biết đến sử thi. Nói chung, công việc bảo tồn không phải của riêng cán bộ văn hóa, mà là của toàn xã hội, làm sao tuyên truyền, tạo điều kiện để đồng bào tự thân bảo vệ “kho báu” truyền thống của dân tộc M’nông là vấn đề quan trọng, cốt lõi hiện nay.

Cũng theo ông Quang, trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ phối hợp với ngành Giáo dục để đưa sử thi vào dạy trong các trường dân tộc nội trú. Các em học sinh người dân tộc M’nông sẽ được học hát và chia sẻ sử thi để bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, Sở VHTT-DL đang xây dựng Đề án bảo tồn Ót N’drong của người M’nông giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, đề án sẽ nêu các giải pháp cụ thể, mời các chuyên gia về đánh giá, tìm hướng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ót N’drong.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai này ai hát sử thi? (kỳ cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO