Hiệu quả từ các mô hình đa cây, đa con ở Đắk Song

Hồng Thoan| 20/03/2014 09:32

Gia đình ông Dương Trí Huệ ở tổ 3, thị trấn Đức An đã thực hiện đa cây mang lại hiệu quả khá cao. Theo đó, đối với 3 ha đất phù hợp với cây dài ngày thì ông thực hiện trồng xen sầu riêng, bơ vào cà phê. 1 ha đất còn lại, ông trồng xen canh, luân canh các loại cây ngắn ngày như khoai lang, bắp, bí đỏ.

ADQuảng cáo

Theo ông Huệ thì Đắk Song là vùng đất nhiều gió so với các địa phương khác trong tỉnh. Do đó, muốn cà phê phát triển tốt, ông đã chọn sầu riêng, bơ vào trồng xen. Hai loại cây này không chỉ có tác dụng che bóng, tạo sinh thái ổn định cho vườn cây mà hàng năm còn mang lại nguồn thu nhập khá cao. Đối với cây ngắn ngày, trước đây, mỗi năm 3 mùa, ông cũng chỉ trồng một loại cây nhưng nay ông đã chuyển sang cách làm khác. Bởi nhiều vụ thu hoạch, ông luôn bị tư thương ép giá, bán thì không lãi nhiều, mà không bán thì hư hỏng, chậm sản xuất vụ sau. Tuy nhiên, khi chuyển sang đa cây  thì tình hình cải thiện hẳn, thậm chí ông còn bán được giá cao do sản xuất được nông sản trái vụ.

Ông Huệ cho biết thêm: “Đa cây có tác dụng lớn đối với đất đai và giúp phòng, chống sâu bệnh hiệu quả hơn. Cây trồng không tập trung nên sâu bệnh phát sinh nếu phát hiện và phòng trừ kịp thời thì hạn chế được thấp nhất khả năng lây lan ra diện rộng”. Hàng năm, gia đình ông luôn có mức thu nhập 400 triệu đồng/năm từ mô hình đa cây.

Mô hình kinh tế đa cây, đa con của nông dân Nam Bình (Đắk Song).

ADQuảng cáo

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn 11, xã Nam Bình nhiều năm nay đã phát triển kinh tế gia đình từ việc đa cây, đa con. Với hơn 1 ha đất ở chân cao, ông trồng tiêu và cà phê, ở dưới do gần suối nên đào ao thả cá. Cùng với đó, ông làm hệ thống chuồng nuôi gà trên mặt hồ, chất thải của gà thì nuôi cá.

Theo ông Mùi thì đa cây, đa con có những cái khó đó là đòi hỏi nông dân phải siêng năng cần cù, bởi quanh năm suốt tháng đều có việc để làm, hết cây sang con. Nhưng cái lợi đạt được là không hề nhỏ, đó là bà con có thể đảm bảo mức sống, thu nhập cho gia đình nhờ có nguồn thu thường xuyên hơn, không theo mùa vụ, mức đầu tư cũng rải ra chứ không tập trung nên vốn không lớn. Hiện với 1 ha cà phê, tiêu, hàng năm, gia đình ông thu về khoảng 3,5 tấn cà phê, 0,5 tấn tiêu. Với 3 ao cá luân phiên, gối nhau nuôi các loại cá chép, điêu hồng, rô phi, mỗi năm cũng bán được từ 2-3 lứa với mức thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn duy trì thường xuyên trong chuồng hàng trăm con gà, hàng chục con lợn thịt. Mỗi năm, gia đình luôn có mức lãi từ 100-150 triệu đồng.

Ông Mùi cho biết thêm: “Mô hình này cũng có thể tranh thủ được nguồn lao động của mọi thành viên trong gia đình, đảm bảo được việc làm và thu nhập thường xuyên hơn”. Tuy nhiên, cũng theo ông Mùi, để đảm bảo năng suất các loại cây trồng, vật nuôi thì ông cũng luôn chú ý đến việc nắm bắt và ứng dụng các tiến bộ của khoa học trong cách trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản, vật nuôi được ổn định.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song thì đa cây, đa con là một phương thức sản xuất mà địa phương đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân phát triển. Toàn huyện hiện có hàng ngàn nông dân đang duy trì với mức thu nhập từ 100-500 triệu đồng mỗi năm. Thời gian qua, ngành cũng đã có những bước hỗ trợ cần thiết cho bà con, nhất là đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thông qua việc cấp phát cây giống, mở các lớp tập huấn, phổ biến các quy trình, kỹ thuật về chăm sóc đối với từng loại cây, con cụ thể. Bên cạnh đó, ngành chú trọng vào việc giúp bà con có thể tăng cường tri thức, trình độ khoa học kỹ thuật gắn với khả năng hạch toán giá trị kinh tế. Các quy trình về bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, canh tác những giống mới cũng được ngành Nông nghiệp triển khai nhằm giúp nông dân có thể giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên một diện tích canh tác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ các mô hình đa cây, đa con ở Đắk Song
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO