Gia Lai hướng tới kinh tế xanh

Bài và ảnh: ĐINH SỸ TẠO| 13/06/2024 04:39

Tỉnh Gia Lai có diện tích đất tự nhiên hơn 15.000 km2, trong đó khoảng 1,4 triệu ha là đất nông nghiệp. Tận dụng lợi thế quỹ đất canh tác nông nghiệp lớn, màu mỡ, khí hậu ôn hòa, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó phát triển cây công nghiệp chủ lực được xác định là một nhiệm vụ quan trọng để phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến sinh thái, khác biệt, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa.

Chế biến mủ cao su tại Công ty Cao su Mang Yang (Gia Lai).
Chế biến mủ cao su tại Công ty Cao su Mang Yang (Gia Lai).

Phát triển bền vững cây công nghiệp chủ lực

Kế hoạch phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 được tỉnh Gia Lai xác định là tập trung nâng cao năng suất, đi sâu vào chế biến năm loại sản phẩm cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của người dân Gia Lai là cà-phê, hồ tiêu, cao su, điều và chè. Tỉnh đặt ra yêu cầu để phát triển cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn là không gây mất rừng, suy thoái rừng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai: Toàn tỉnh hiện có hơn 100.000 ha cao su, với sản lượng 93.500 tấn mủ khô/năm; khoảng 80.000 ha cà-phê, với sản lượng gần 200.000 tấn cà-phê nhân/năm; 14.500 ha tiêu, sản lượng 43.600 tấn/năm; 17.000 ha điều, sản lượng 14.000 tấn/năm và khoảng hơn 1.100 ha chè. Theo Đề án phát triển cây công nghiệp của tỉnh đến năm 2030, tổng diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt từ 195-200.000 ha. Tỉnh Gia Lai đề nghị người dân không mở rộng thêm diện tích năm loại cây công nghiệp này vì diện tích hiện có đã vượt so với chỉ tiêu đề ra; cần đi sâu vào chuyên canh, tái canh, chuyển đổi diện tích một số vườn cây già cỗi, bị sâu bệnh, năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Đề án, tỉnh Gia Lai sẽ giảm diện tích cao su xuống còn khoảng 56-60.000 ha; duy trì và phát triển ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 8.500-10.000 ha; cây điều khoảng 30.000 ha; phát triển ổn định diện tích cà-phê khoảng 100.000 ha (sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 15,03%).

Tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển vùng trồng cà-phê theo hướng cảnh quan; những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà-phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ...; rà soát diện tích cà-phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp, nhất là ở những vùng khó khăn về nước tưới chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh tái canh các vườn cà-phê già cỗi; sử dụng 100% giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh.

Tỉnh cũng thực hiện trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng trồng cà-phê tái canh có điều kiện; tiếp tục thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến năm 2030, diện tích cà-phê vối đặc sản của tỉnh Gia Lai đạt khoảng 2.340 ha, sản lượng cà-phê đặc sản đạt khoảng 1.700 tấn.

Hướng tới mục tiêu kinh tế xanh

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi 37.714 ha cây trồng kém hiệu quả (cao su 13.657 ha, mía 8.425 ha, hồ tiêu 4.751 ha, cà-phê 6.299 ha, lúa 4.582 ha) sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn quả 18.180 ha, rau các loại 7.334 ha, đậu các loại, ngô sinh khối 5.970 ha, khoai lang Nhật 3.405 ha, hoa cảnh 171 ha, dâu tằm 189,1 ha, cây dược liệu 982 ha, đất cho dự án chăn nuôi 1.483 ha). Tỉnh Gia Lai đã hình thành được 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: Bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà-phê, rau hoa.

Hiện có ba doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, ISO Rainforest Alliance) đạt 218.232 ha. Hiện nay, toàn tỉnh có 28.130,6 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 132,2% kế hoạch; trong đó diện tích người dân ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hơn 21.310 ha; diện tích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 6.690,5 ha; diện tích cây trồng cạn được Nhà nước đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao là 129,9 ha.

Đến nay, tỉnh Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.500-1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ…

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Qua thực tế tại nhiều địa phương, nông dân và lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều cho rằng: Với diện tích cây công nghiệp dài ngày đã được định hình như cao su, cà-phê, điều hay hồ tiêu tại một số huyện thì việc tái cơ cấu những vùng này là rất khó, bởi đây là vùng đất phù hợp với những loại cây đã được xác định, được các doanh nghiệp và hộ gia đình chọn lựa khi trồng, hơn nữa có thay đổi cây trồng trên những vùng đất này cũng không thể bởi còn phụ thuộc vào nguồn nước, khí hậu, độ cao…

Chính vì thế muốn tái cơ cấu lĩnh vực này thì chỉ có cách làm sao để có thể nâng cao giá trị của cây trồng đó lên cao hơn nữa. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với quy hoạch thực tế của từng địa phương. Muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tổ chức hình thức sản xuất tập thể, nhất là phải gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương, quy hoạch về cơ cấu cây trồng chưa rõ ràng, vai trò định hướng của chính quyền còn mờ nhạt, thu nhập của người dân còn thấp thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm, chạy theo thị trường một cách thiếu định hướng, chưa tạo được chuỗi sản xuất giá trị theo ngành hàng có lợi thế và dễ bị thiệt hại do biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay sự bấp bênh của thị trường.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai xác định còn 10 bất cập, hạn chế cần khắc phục trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó xác định: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún vẫn chiếm đa số, năng suất lao động thấp mà giá thành nông sản lại cao, thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành nông nghiệp và giữa ngành nông nghiệp với các ngành kinh tế khác như công nghiệp và dịch vụ, còn tạo ra quá nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị.

Sản xuất vẫn dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, lấy sản lượng, năng suất là chính, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa và bảo vệ môi trường. Số lượng các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập cho ngành còn ít. Vì vậy, nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định, mà thực tế “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” vẫn còn tồn tại...

Đây là những bài toán tỉnh Gia Lai cần giải quyết để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, phân phối theo chuỗi các sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra thị trường; hướng đến mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt hơn 60%; hình thành trên 10 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt khoảng 195-200.000 ha; sản lượng cà-phê nhân đạt 300-310.000 tấn, mủ cao su thô 100-105.000 tấn, chè búp tươi 5.500-6.000 tấn, hạt điều 35-36.000 tấn, hồ tiêu 31-32.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt hơn 550 triệu USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/gia-lai-huong-toi-kinh-te-xanh-post814022.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai hướng tới kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO