Quang cảnh kỳ họp. |
Tại kỳ chuyên đề lần này, sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình Ủy ban nhân dân tỉnh trình và các vấn đề đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã biểu quyết thống nhất thông qua 5 nghị quyết quan trọng.
Cụ thể, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với H’Yâo Knul, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, lý do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luân chuyển và chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Krông Ana, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Kính, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kỳ họp. |
Đặc biệt, tại kỳ họp chuyên đề lần này, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là mỗi thôn, buôn, tổ dân phố thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Các thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số đến 2.000 người được bố trí 3 thành viên, gồm: 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 1 Tổ viên; trường hợp thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội thì bố trí tối đa 5 thành viên, gồm: 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và tối đa 3 tổ viên.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Kính, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh được bầu vào thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021-2026. |
Đối với các thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số hơn 2.000 người được bố trí 4 thành viên, gồm: 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 2 tổ viên; trường hợp thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội thì bố trí tối đa 6 thành viên, gồm: 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và tối đa 4 tổ viên.
Nghị quyết cũng quy định chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm: Mức hỗ trợ hằng tháng, Tổ trưởng được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng; Tổ phó được hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/tháng; tổ viên được hỗ trợ: 1.200.000 đồng/người/tháng...
Nghị quyết cũng quy định về mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, mức bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ, trong các ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng; mức trợ cấp cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội… Nguồn kinh phí thực hiện được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Kỳ họp cũng đã thông qua Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 20/4/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc bố trí ngân sách tỉnh tham gia dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, phần kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh.
Theo Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Giao thông vận tải quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 659/QĐ-BGTVT ngày 10/4/2020; phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2020, Quyết định số 2214/QĐ-BGTVT ngày 27/11/2020 với tổng mức đầu tư hơn 1.509 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương.
Trong quá trình thực hiện do phát sinh chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thêm khoảng 332 tỷ đồng nên Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Đắk Lắk cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh để bổ sung cho phần phát sinh thêm của Dự án; đồng thời, ngày 21/3/2023, Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 2716/BGTVT-KHĐT đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết về bố trí ngân sách địa phương để chi trả phần kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh với giá trị dự kiến là 332 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2021-2025.
Ngày 9/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có Tờ trình số 37/TTr-UBND về việc cho ý kiến về nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột và đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ Tám và ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 20/4/2023 thống nhất bố trí phần kinh phí 332 tỷ đồng cho Dự án theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Ngày 4/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì, họp với các Bộ có liên quan để bàn về việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột và đã thống nhất kết luận: “Căn cứ quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, việc sử dụng ngân sách địa phương để bố trí cho khoản chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng thêm của Dự án không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ quyết định... Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ đã được phân bổ để đề xuất điều chỉnh, cân đối bổ sung vốn cho Dự án...”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện rà soát và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 1365/QĐ-BGTVT ngày 27/10/2023 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Do đó, hiện Dự án không còn nhu cầu sử dụng phần vốn ngân sách tỉnh 332 tỷ đồng như đã dự kiến. Số vốn 332 tỷ đồng nêu trên và số vốn từ việc điều chỉnh giảm một số nhiệm vụ, dự án chưa triển khai; không có khả năng triển khai trong giai đoạn 2021-2025; dư so với số vốn dự kiến ban đầu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương và đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, bổ sung số vốn này vào nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 3/5/2024. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 20/4/2023 của HĐND tỉnh về việc bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, phần kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh.
Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ tiền ăn thêm cho cán bộ, chiến sĩ Đội K51 trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở nước ngoài. Theo đó, mức hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ Đội K51 trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ngoài nước là 65.000 đồng/người/ngày ngoài mức hỗ trợ tiền ăn theo quy định của Trung ương. Kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp. |
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nghị quyết đặt tên đường và điều chỉnh giới hạn một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (đợt 5)…
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, để thực hiện đồng bộ, thống nhất cùng thời điểm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các nội dung theo quy định tại Điều 30 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đối với các nghị quyết còn lại, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao sớm tổ chức triển khai đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực và báo cáo kết quả thực hiện để Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát.