Đuối nước trẻ em

Lan Hương| 26/05/2014 10:00

Hàng năm cứ bước vào dịp hè là bắt đầu xảy ra nhiều vụ việc đau lòng về trẻ em đuối nước do tắm sông, suối, ao hồ. Năm 2013 tỉnh ta đã có hơn chục trẻ em đuối nước.

ADQuảng cáo

Năm 2014, mới bước vào đầu hè đã xảy ra vụ đuối nước ở Đắk Ngo (Tuy Đức) khiến 2 học sinh tiểu học tử vong (2 em rủ nhau ra hồ tưới cà phê tắm nhưng lại không biết bơi).

Ảnh: Y Krăk

Con số có lẽ khiến nhiều người phải giật mình đó là năm 2013, cả nước có hơn 1.700 em đuối nước. Hiện nay, nước ta vẫn được coi là nước có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Đa số trẻ em chết đuối tập trung ở vùng nông thôn hoặc các khu vực ngoại thành.

Những con số đau lòng trong những ngày mùa hè sẽ nóng dần, trở thành nỗi ám ảnh với bao người. Gia đình mất con cháu, nhà trường mất những học trò ngoan, xã hội mất những mầm non tương lai của đất nước… Nỗi đau ấy, ai cũng thấu hiểu, ai cũng sẵn lòng đồng cảm, sẻ chia. Vậy mà, thực trạng đáng buồn đó đã có từ lâu và có lẽ vẫn không thể dừng lại; nỗi đau đuối nước chưa một ngày nguôi ngoai.

ADQuảng cáo

Mùa hè nóng bức đang đến rất gần, đây cũng là thời điểm tai nạn đuối nước gia tăng. Khi học sinh nghỉ hè, rất cần đưa các em đến những điểm vui chơi. Thế nhưng, thực tế ở khu vực nông thôn, ngoài chơi một số trò chơi dân gian, khi trời nóng, trẻ chỉ còn biết vùng vẫy, đùa vui dưới ao hồ, sông suối, kênh rạch, mà bản thân chúng cũng không hề ý thức được hiểm nguy đang rình rập. Để rồi, cứ mỗi vụ đuối nước thương tâm xảy ra, chúng ta lại tự hỏi, trách nhiệm của cha mẹ các em ở đâu? Nhà trường, gia đình và các đoàn thể xã hội đã làm được gì?...

Để phòng tránh những vụ đuối nước đau lòng, trong thời gian qua, một số trường học đã huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư hồ bơi, tổ chức cho học sinh tập bơi theo khóa biểu của nhà trường. Trong dịp hè, một số địa phương đã tổ chức tốt những mô hình câu lạc bộ sinh hoạt, điểm vui chơi thiết thực cho trẻ ngay từ đầu hè.

Một số nơi đã phát động cam kết xây dựng “ngôi nhà an toàn” giúp trẻ có cơ hội được vui chơi, tránh xa các nguy cơ tai nạn. Nhưng đấy cũng chỉ là những “mô hình điểm”, chưa được nhân rộng. Chính vì thế, ở rất nhiều địa phương, trẻ em vẫn thường xuyên hồn nhiên chơi đùa những trò rất nguy hiểm với tính mạng của mình.

Giải pháp trước mắt trong dịp hè này là các tổ chức, đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên cần phát huy tốt vai trò của mình trong nhiệm vụ quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Cần tổ chức có hiệu quả các câu lạc bộ, hoạt động sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng, đặc biệt là mở các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng bơi lội giúp các em có thể tự ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

Về lâu dài, việc trang bị kỹ năng bơi lội nói riêng và kỹ năng sống nói chung cho trẻ cần có sự quan tâm thỏa đáng của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, điểm mấu chốt là cần có sự quan tâm, vào cuộc của ngành giáo dục và các địa phương để đưa môn bơi vào chương trình dạy học bắt buộc đại trà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đuối nước trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO