Có thể nhiều bạn cũng như tôi, mỗi sớm thức dậy, việc đầu tiên là cầm điện thoại, lướt qua Facebook, mở tin nhắn Zalo… để xem có thông tin gì mới, sau đó mới tính việc khác. Có sáng rảnh rỗi, chiếc điện thoại còn “níu” ta lại để khám phá thế giới, ghé thăm thần tượng ca nhạc hay nhà hùng biện nào đó của riêng mình; thậm chí cả điều hành, sắp xếp luôn công việc trong ngày, lúc đó mới đánh răng, rửa mặt…
Ngày này qua ngày khác, thói quen đó đã trở thành một việc hiển nhiên.
Bỗng một hôm “trở gió”, nhà mạng trục trặc, khi ngủ dậy, mở điện thoại, trang nào cũng “quay đơ, xoay vòng”. Chắc rằng, lúc đó bạn sẽ rơi vào tâm trạng có chút bực bội, hụt hẫng.
Không có Internet, chúng ta rời khỏi giường, tập thể dục, tưới cây, dạo quanh sân nhà hay đại loại làm một việc gì đó. Lúc này, nhiều người cảm thấy ý nghĩa, và nghĩ rằng, lâu giờ mình đang lệ thuộc quá nhiều vào không gian mạng mà bỏ sót nhiều thứ hiện hữu xung quanh?.
Đến giờ cà phê buổi sáng trước khi đi làm, chắc chắn, câu chuyện với đồng nghiệp sẽ rôm rả hơn khi không có Internet vì không còn cảnh chung bàn nhưng mỗi người một thế giới riêng với chiếc điện thoại của mình.
Mọi việc có vẻ tốt hơn nếu không có mạng Internet?. Thế nhưng lúc lên cơ quan làm việc, khi bật máy tính trong trạng thái ngoại tuyến, lúc đó mới vỡ lẽ, không có Internet, mình không thể giải quyết được công việc vì hiện nay, mọi việc đều đã thực hiện trên các nền tảng qua không gian mạng.
Nếu là những đầu việc thông thường, không gấp gáp, một ngày không Internet, chí ít cũng chỉ ảnh hưởng về mặt tiến độ, kế hoạch. Nhưng đối với những công việc kinh doanh qua mạng chẳng hạn, thì sẽ có tác động tức thì đến lợi nhuận, thu nhập. Hàng loạt doanh nghiệp, công ty, ngân hàng hiện nay đều phụ thuộc vào Internet... Tất cả sẽ đồng loạt rối loạn nếu ngày nào đó không có Internet. Sẽ không có bất cứ giao dịch ngân hàng quốc tế được thực hiện, các giao dịch phải thực hiện bằng tay thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông, chuyển phát nhanh.
Internet được coi là biển thông tin khổng lồ. Bởi lẽ đó, nếu không có Internet, bạn sẽ không thể truy cập hay tìm hiểu thông tin trên mạng. Thay vì ngồi nhà click, bạn sẽ phải đi ra thư viện, hiệu sách tìm toàn bộ những cuốn sách có liên quan để truy cho ra thông tin cần tìm kiếm.
Không những vậy, 65% người đọc tin tức online như hiện nay sẽ phải chờ cả ngày để đọc báo, cập nhật thông tin thời sự, chính trị, giải trí trên báo giấy thay vì "update" chúng nhanh nhạy theo từng phút với chiếc máy tính, điện thoại có nối mạng.
Chỉ đơn cử như công việc báo chí xuất bản, nếu một ngày không Internet, việc đầu tiên là các thông tin trong nước, thế giới không thể cập nhật kịp thời. Kế đến là kế hoạch xuất bản tin bài bị ngưng trệ, thậm chí vỡ kế hoạch, nếu không phải quay lại quy trình làm việc ở thời điểm 20 năm về trước.
Nói như vậy để thấy, Interner là một cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới. Có Internet, con người được trải nghiệm nhiều nền tảng công nghệ phục vụ cho công việc, giải trí, liên lạc, chăm sóc sức khỏe, mở rộng, nâng cao kiến thức. Có Internet, giới hạn về không gian gần như bị phá vỡ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc sống chúng ta hiện nay đang quá lệ thuộc vào không gian mạng. Internet đang chi phối chúng ta cả về công việc, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, kể cả giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Như vậy, ở đây đặt ra câu hỏi, Internet là công cụ hay “thể chế mềm” đối với cuộc sống con người.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, trong kinh tế, tài chính, các sự cố do Internet tạo ra ít hơn nhiều so với những gì mà nó mang lại cho cuộc sống. Chưa kể, đối với các giao dịch truyền thống trước khi có Internet, nó vẫn tiềm ẩn các rủi ro.
Về vấn đề xã hội, một số người cho rằng Internet đã phá vỡ thuần phong, mỹ tục; dẫn dắt con người ngày càng phụ thuộc vào cuộc sống ảo. Thế nhưng, khi mà công nghệ phát triển, xã hội chuyển dần về dạng mặt phẳng trong tiếp cận thông tin, dữ liệu. Trong ngồn ngộn thông tin, dữ liệu đó, có thông tin xấu độc, cũng có hàng tá thông tin, kiến thức, dữ liệu tích cực, có ích trong việc nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết của con người. Vấn đề là ở chính mỗi chúng ta, sử dụng Internet vì mục đích gì, công việc nào và khi nào thì cần đến nó.
Một ngày không Internet, cho dù đó là một ngày nghỉ cuối tuần, tôi thấy cuộc sống như đang thiếu đi một điều gì đó khó diễn tả. Nó vừa rảnh rang hơn, nhưng cũng buồn tẻ hơn. Nó như thiếu đi một tách cà phê đối với những người có thói quen uống cà phê buổi sáng.
Một ngày không Internet, cũng không sao. Nhưng nếu cuộc sống ngày nay không còn Internet, chắc rằng, chúng ta sẽ quay lại thời điểm mấy chục năm về trước. Lúc đó, liệu bạn có chấp nhận nó, hay chờ xem Internet và Cuộc cách mạng 4.0 sẽ tiếp tục đem đến cho chúng ta những trải nghiệm mới nào thú vị hơn trong tương lai.
Khái niệm công nghệ 4.0 khởi nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0). Từ cuộc cách mạng này, nhiều phát minh công nghệ mới trong các lĩnh vực như: vật lý, kỹ thuật số, sinh học… ra đời. Một số công nghệ tiêu biểu cho công nghệ 4.0 bao gồm: IoT ( Internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), robot tự động, công nghệ in 3D, điện toán đám mây (Clound),… Công nghệ 4.0 chủ yếu tập trung về kết nối, tự động hóa, máy móc và dữ liệu. |