Nghị quyết và cuộc sống

Đắk Nông hình thành nền tảng cho chuyển đổi số

Lê Việt Dũng 28/11/2024 14:30

Dù còn nhiều thách thức nhưng với sự đồng hành của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Đắk Nông đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số tại khu vực Tây Nguyên.

cover ky 1 new-PC

Dù còn nhiều thách thức nhưng với sự đồng hành của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Đắk Nông đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số tại khu vực Tây Nguyên.

tit1-ky1.jpg

Năm 2018, khi khởi nghiệp với các sản phẩm từ hạt dinh dưỡng như mắc ca, điều, hạnh nhân, cà phê, tiêu…, chị Trần Ngọc Dung, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Sagri Bazan (TP. Gia Nghĩa) lo lắng nhất là việc quảng bá, mở rộng thị trường. Là doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh lẻ, với nguồn kinh phí hạn hẹp, chị từng nghĩ quảng cáo trên truyền thông là điều xa vời.

Tuy nhiên, bước ngoặt đến khi chị tham gia lớp tập huấn về chuyển đổi số. Chỉ với khoản đầu tư chục triệu đồng cho thiết bị livestream và kỹ năng khai thác các nền tảng thương mại điện tử, sản phẩm của Sagri Bazan nhanh chóng vươn xa. Đơn hàng không chỉ đến từ thị trường trong nước mà còn quốc tế, giúp công ty đạt 80% doanh số thông qua giao dịch trực tuyến.

h7.jpg
Chị Trần Ngọc Dung, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Sagri Bazan cho biết, khoảng 80% doanh số của công ty đến từ việc mua bán trực tuyến.

Lối mở mà chị Ngọc Dung tìm được cũng là hướng tiếp cận mà nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tìm đến và thành công, thông qua sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển kinh tế số của Đắk Nông.

Hiện, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ số như ký số từ xa; dịch vụ số thiết yếu dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã; dịch vụ tổng thể cho hộ kinh doanh cá thể với những ưu đãi lớn.

Cùng với đó, hoạt động thương mại điện tử gia tăng, dẫn đến kích thích thanh toán không dùng tiền mặt. 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nộp thuế điện tử; hơn 98% tổng số thu ngân sách Nhà nước được hạch toán bằng phương thức điện tử, các khoản chi ngân sách Nhà nước qua ngân hàng đạt 100%/tổng số chi ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ước tính đến giữa năm 2024, tỷ trọng kinh tế số chiếm 10% GRDP của tỉnh.

ghep1.jpg
tit2-ky1.jpg

Ông L.Q.V, ở huyện Đắk Mil có hai người con đã ổn định cuộc sống ở nước ngoài từ lâu và nhiều lần mời ông bà sang thăm. Tuy nhiên, ông V vẫn chưa đi được, một phần vì công việc, phần khác do chưa có hộ chiếu. Nghĩ đến việc phải lên tận Công an tỉnh, chờ đợi và đi lại nhiều lần khiến ông nản.

Ông kể câu chuyện này với trưởng thôn và được trưởng thôn đưa đến Bưu điện văn hóa xã. Với sự hỗ trợ của cô nhân viên bưu điện, ông chỉ cần bổ sung căn cước công dân là đã hoàn thành thủ tục đăng ký. Sau 15 ngày, hộ chiếu đã được giao tận tay ông ngay tại nhà.

dh1.jpg

Việc ngồi ở nhà thực hiện một số thủ tục hành chính, như: cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; khai sinh, khai tử; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông… thời gian gần đây đã không còn quá xa lạ. Bởi hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã kết nối, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử; 93,6% văn bản được thực hiện, phát hành qua mạng (3,4% còn lại là văn bản có độ mật).

Toàn bộ hoạt động của các cơ quan, đơn vị từng bước được giám sát, quản lý kết quả hoạt động theo thời gian thực thông qua các hệ thống giao nhiệm vụ, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện.

h4.jpg
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông bấm nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Đắk Nông. Ảnh tư liệu/Báo Đắk Nông

Năm 2022, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, với 11 phân hệ (kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, phản ánh kiến nghị, dịch vụ công, đầu tư công, camera giám sát, doanh nghiệp, du lịch, môi trường, đất đai) đã được đưa vào vận hành. Thông qua việc kết nối, tổng hợp, phân tích và xử lý các dữ liệu số giúp lãnh đạo tỉnh giám sát, nắm tình hình 24/7 của các ngành, lĩnh vực để có cơ sở đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát thực tế.

dh2.jpg

Đến năm 2024, TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil đã xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp huyện. Việc tạo dựng và kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu không chỉ phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành mà còn làm tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội; tăng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp cơ quan Nhà nước.

h6.jpg
Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh với 11 phân hệ (kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, phản ánh kiến nghị, dịch vụ công, đầu tư công, camera giám sát, doanh nghiệp, du lịch, môi trường, đất đai).
info-ky1.jpg

Việc thu thập dữ liệu, triển khai giám sát, thống kê, báo cáo từng bước được thực hiện trực tuyến, kết nối hệ thống thông tin của cơ quan quản lý với hệ thống thông tin của đối tượng quản lý để thu thập tự động dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Điển hình là cơ sở dữ liệu ngành (GIS) ngành Thông tin và Truyền thông, với cơ sở dữ liệu được xây dựng, công chức, lãnh đạo của đơn vị này có thể biết được hoạt động của ngành theo thời gian thực ngay trên điện thoại thông minh (ví dụ như: số liệu, tình trạng hoạt động của các trạm phát sóng di động - BTS, hệ thống đài truyền thanh cơ sở…).

box.png

4 năm qua, Đắk Nông luôn nằm trong nhóm các địa phương có tiến độ triển khai thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia sớm, kết quả hoàn thành khả quan so với cả nước và khu vực. Đắk Nông là một trong số rất ít địa phương sớm xác định, đưa nhiệm vụ chuyển đổi số vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tỉnh hoàn thành việc cấp CCCD trước lộ trình quy định hơn hai tháng. Đắk Nông là 1 trong 11 tỉnh, thành phố sớm xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin nguồn.

Cùng với việc rà soát, xây dựng cơ chế để bảo đảm vận hành các kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan chính quyền trên môi trường mạng (cổng thông tin điện tử, tổng đài, mạng xã hội), Đắk Nông đã phát triển đưa vào sử dụng ứng dụng Đắk Nông - C từ tháng 11/2023.

Ứng dụng Đắk Nông - C cho phép mọi cá nhân, tổ chức có thể truy cập các thông tin, dịch vụ và tiện ích của chính quyền số một cách nhanh chóng và dễ dàng.

h2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông bấm nút khai trương ứng dụng Đắk Nông - C, tháng 11/2023. Ảnh tư liệu/Báo Đắk Nông

Một số địa phương cấp huyện (Cư Jút, Krông Nô) đã chủ động xây dựng kênh giao tiếp số của địa phương trên zalo. Việc phát triển các kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, mang lại trải nghiệm thuận tiện, nhất quán và xuyên suốt cho người dân, doanh nghiệp khi giao tiếp với chính quyền qua các hình thức khác nhau (ứng dụng di động, cổng thông tin điện tử, tổng đài, mạng xã hội là “điểm chạm” để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nhiều thông tin, dịch vụ số do chính quyền cung cấp, đồng thời giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp).

ghep2.jpg
tit3-ky1.jpg

Tại chợ Gia Nghĩa, từ sạp bán rau cho đến khu bán thịt cá, thực phẩm tươi sống, các quầy bán hàng khô, tạp hóa, đâu đâu cũng có bảng mã QR được in, ép vuông vắn đặt ngay tại quầy.

h8.jpg
Các quầy thực phẩm có bảng mã QR để khách hàng thực hiện chuyển khoản.

Không chỉ có 1 mã, nhiều sạp hàng có 2 đến 3 mã QR với nhiều số tài khoản của các ngân hàng khác nhau để khách thoải mái lựa chọn giao dịch phù hợp khi thực hiện chuyển khoản.

Nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức thực hiện quét CCCD cho người dân đến khám chữa bệnh. Ảnh tư liệu
Nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức thực hiện quét CCCD cho người dân đến khám chữa bệnh. Ảnh tư liệu/Báo Đắk Nông

Chị Nguyễn Thị Tình, một chủ sạp rau cho biết, tiểu thương tại chợ Gia Nghĩa bắt đầu làm quen với hình thức thanh toán không tiền mặt từ đầu năm 2022.

Chị Tình tâm sự, ban đầu, chúng tôi khá bỡ ngỡ, rất ngại thao tác trên điện thoại thông minh, nhưng sau khi sử dụng thành thạo thì thấy vô cùng tiện lợi, thoải mái, bây giờ thanh toán không tiền mặt là công cụ không thể thiếu trong công việc kinh doanh hàng ngày. Từ ngày có mã QR đặt tại quầy, khách mua bán xong đều chuyển khoản thanh toán, điện thoại mình cứ “ting ting” là biết tiền về. Không riêng khách đi chợ, việc nhập hàng ra vào hàng ngày đều thực hiện chuyển tiền qua app di động, chuyển khoản hết nên không còn lo lắng khư khư ôm giữ tiền mặt như trước đây nữa, rất an toàn và tiện lợi.

box2.jpg

Số tài khoản cá nhân ở các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hiện có 567.890 tài khoản; 17.285 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng mã QR-code; 85/85 cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện tra cứu, tiếp nhận khám chữa bệnh bằng thông tin thẻ BHYT trên CCCD; 233/233 cơ sở giáo dục, trường học thanh toán không dùng tiền mặt; hơn 23.000 dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân (chiếm khoảng 2,3% dân số trưởng thành); 100% công dân đủ điều kiện đã được cấp CCCD, xác định mã định danh điện tử.

Những con số trên là minh chứng để khẳng định Đắk Nông đã hình thành được môi trường xã hội số, công dân số cơ bản, nền tảng cơ bản để thực hiện chuyển đổi số.

Nội dung, ảnh: Mạnh Thắng - Hồng Hoa
Trình bày: Phong Vũ

end.jpg
Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông hình thành nền tảng cho chuyển đổi số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO