Đắk Nông hành động quyết liệt chuyển đổi số
Đắk Nông khẳng định quyết tâm bằng những hành động mạnh mẽ, đạt những bước tiến dài trong việc xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số.
Đắk Nông khẳng định quyết tâm bằng những hành động mạnh mẽ, đạt những bước tiến dài trong việc xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số.
Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia ban hành đầu tháng 6/2020. Ở thời điểm đó, nội hàm “chuyển đổi số” là vấn đề hoàn toàn mới, đâu đó có nhận thức đó chỉ là việc “ứng dụng công nghệ thông tin” ở mức độ cao hơn.
Tuy nhiên, Đắk Nông đã xác định được quan điểm định hướng xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giai đoạn 2020 – 2025 trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII: “Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển kinh tế; quản lý xã hội; xây dựng chính quyền điện tử; phát triển y tế - giáo dục; nâng cao năng suất lao động... nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, tháng 11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tháng 3/2022, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Quyết định số 570/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong nghị quyết bằng 96 nhiệm vụ với yêu cầu cụ thể về kết quả đạt được, thời gian hoàn thành, phân vai chủ trì cho từng chủ thể.
Ban chỉ đạo chuyển đổi số được thành lập từ cấp tỉnh đến cơ sở. Chủ tịch UBND các cấp là trưởng ban; thường xuyên rà soát, đánh giá, kịp thời xử lý những vướng mắc. Giai đoạn 2022 - 2024, UBND tỉnh đã ban hành hơn 60 văn bản tạo lập thể chế, chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn về chuyển đổi số. Hàng năm, định kỳ tổ chức Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông 1/11 để định hướng, biểu dương, khen thưởng, lan tỏa kịp thời các nhân tố thành công.
Thành công của chuyển đổi số bắt đầu từ tư duy và tầm nhìn, đặc biệt là từ người đứng đầu. Công nghệ, dù thông minh đến đâu, chỉ là công cụ hỗ trợ. Nếu thiếu tư duy đổi mới, hiệu quả sẽ không thể đạt được.
Nhận thấy nguy cơ từ sự hạn chế trong nhận thức, Đắk Nông đã tập trung truyền thông để mọi người, từ lãnh đạo đến người dân, tự mình trả lời câu hỏi "Tại sao phải chuyển đổi số?" và từ đó tìm cách "Làm gì, làm như thế nào?". Điều này giúp hình thành công dân số, xã hội số một cách tự thân và bền vững.
Những câu chuyện, con số đã đề cập chính là minh chứng cho kết quả của hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Với cách làm phong phú, nội dung sát đối tượng, từ báo chí, cổng thông tin chính quyền đến mạng xã hội, tổ chuyển đổi số cộng đồng hay các nền tảng trực tuyến, Đắk Nông đã lan tỏa thông điệp, phổ biến khái niệm, chia sẻ bài học và nhân rộng mô hình thành công…
Đặc biệt, Đắk Nông đã triển khai tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng số cơ bản và thiết yếu trên môi trường mạng, như: sử dụng dịch vụ công, mua sắm, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ trên không gian mạng, thông qua sự hỗ trợ của hơn 4.000 thành viên thuộc 784 tổ công nghệ số cộng đồng.
Với quan điểm và yêu cầu “Việc 5 năm làm trong 1 năm”, trong bối cảnh ngân sách địa phương rất hạn chế, Đắk Nông đã lựa chọn được cách làm phù hợp để triển khai chiến lược chuyển đổi số. Đắk Nông ưu tiên nguồn lực, lựa chọn lĩnh vực, vấn đề đầu tư để kích thích, tạo đà cho các lĩnh vực khác phát triển.
Để phát triển hạ tầng số - mạch máu, nền tảng của công cuộc chuyển đổi số, các nguồn lực bên ngoài được khai thác có chủ đích. Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Nông đã chủ động làm việc, đề xuất cấp thẩm quyền tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn, mở rộng, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động; xử lý tình trạng sim rác.
Đắk Nông vận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển hệ thống thông tin cơ sở. Đến nay, toàn bộ 71 xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động 4G đạt 99% khu vực dân cư; công nghệ 5G đã được triển khai ở một số địa bàn đô thị.
Đắk Nông hiện đang dẫn đầu về mức độ phủ sóng internet tại khu vực nông thôn, tỷ lệ cơ sở giáo dục và y tế được trang bị kết nối internet ở khu vực Tây Nguyên; là 1 trong 11 địa phương cấp tỉnh đã xây dựng được hệ thống thông tin nguồn, cung cấp thông tin chủ động từ tỉnh đến cơ sở. Việc bảo đảm hạ tầng số là yếu tố nền tảng quan trọng để kích thích, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.
Đối với trụ cột chính quyền số, Đắk Nông tập trung nguồn lực để nâng cấp nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan Nhà nước trên môi trường số và hệ thống dịch vụ công trực tuyến; định hướng thực hiện việc giám sát 24/7, ra quyết định quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu thực, thời gian thực.
Việc vận hành hệ thống quản lý văn bản và điều hành trực tuyến và hệ thống dịch vụ công trực tuyến được điều chuyển về Sở Thông tin và Truyền thông. Ưu tiên thiết kế lại giao diện, trải nghiệm của người dùng với các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, nhiều người dùng; đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cho phép người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ, thanh toán phí, nhận kết quả qua mạng internet, không cần đến trực tiếp cơ quan công quyền. Lựa chọn này đã tạo ra sự thay đổi toàn diện hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; thói quen thực hiện dịch vụ công của người dân; tính hiệu quả, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đây cũng là nhân tố góp phần thay đổi thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tỉnh Đắk Nông tăng 17 bậc, từ hạng 38/63 (năm 2022) lên hạng 21/63.
Với những bước đi sớm, xác định đúng trọng tâm, cách làm phù hợp với nguồn lực và sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện, Đắk Nông đã có những bước tiến dài trong việc xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số.
Minh chứng rõ nét, ngay trong năm 2021, thứ hạng chuyển đổi số quốc gia (DTI) của Đắk Nông đã vượt 13 bậc so với năm 2020 (từ vị trí 54 ở năm 2020 lên vị trí 41 ở năm 2021).
Tuy nhiên, chuyển đổi số là nhiệm vụ hoàn toàn mới, quá trình thực hiện đã đặt ra những vấn đề mới, những điểm nghẽn cần khơi thông để “Chuyển đổi số là động lực tạo ra cơ hội, giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời kỳ mới”.
Nội dung: Mạnh Thắng - Hồng Hoa
Trình bày: Phong Vũ