Chính sách đãi ngộ - Cách để giữ chân nhân lực cho y tế công lập
Nghị quyết số 08 không chỉ giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài tại địa phương mà còn là động lực khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công tác cũng như khám, chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân.
Yên tâm để gắn bó với nghề
Từ năm 2011 đến nay, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Diễm công tác tại khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp. Quá trình công tác, bác sĩ Diễm luôn nỗ lực học tập, trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Bác sĩ Diễm cho biết: “Công việc của chúng tôi là chữa bệnh cho Nhân dân, nên chúng tôi luôn làm bằng lương tâm, trách nhiệm của mình. Mỗi công việc có một đặc thù, có những vất vả riêng nhưng đã là nghề mình chọn thì chúng tôi đều cố gắng làm tốt nhất trong khả năng. Bao năm qua, chúng tôi không yêu cầu sẽ được đãi ngộ hay bất kỳ ưu ái nào. Bởi chúng tôi hiểu, so với những ngành nghề đặc thù khác, nghề chúng tôi vẫn chưa phải là vất vả nhất. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, mỗi người cần có trách nhiệm chia sẻ”.
Ngày 24/7/2024, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Nghị quyết số 08) và có hiệu lực thi hành từ ngày 3/8/2024. Nghị quyết số 08 quy định cụ thể về một số chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Diễm là một trong những người thuộc diện hưởng chính sách đãi ngộ này.
“Đây là lần đầu tiên sau 13 năm công tác, tôi được nhận chế độ đãi ngộ. Việc chính sách được ban hành thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với cán bộ, nhân viên y tế và ngành Y tế nói chung. Số tiền này phần nào giúp cán bộ, nhân viên y tế cải thiện đời sống, yên tâm công tác và gắn bó với công việc. Đặc biệt, khi đã nhận được ưu đãi này thì đòi hỏi mỗi chúng tôi phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”, bác sĩ Diễm cho biết.
Bác sĩ Diễm là 1 trong 94 trường hợp đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp được hưởng chính sách đãi ngộ theo Nghị quyết số 08. Theo ông Đào Kim Nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện, ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, đơn vị đã triển khai phổ biến kịp thời, rộng rãi đến cán bộ, nhân viên toàn ngành. Trung tâm cũng đã họp cán bộ, công nhân viên chức để triển khai xem xét chính sách đãi ngộ theo đúng quy trình, quy định, không để bỏ sót đối tượng. Hầu hết cán bộ, nhân viên ngành Y tế của huyện đều rất phấn khởi, vui mừng trước sự quan tâm của các cấp, ngành. Hơn nữa, trong điều kiện khó khăn chung như hiện nay, sự quan tâm này là nguồn động lực rất lớn để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế gắn bó lâu dài với đơn vị, địa phương.
Quan tâm, tạo điều kiện làm tốt nhiệm vụ
Cũng như Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, cán bộ, công nhân viên chức đang công tác trong ngành Y trên địa bàn tỉnh cũng rất vui mừng, phấn khởi khi chính sách đãi ngộ được áp dụng.
Theo đó, Nghị quyết số 08 quy định, đối tượng áp dụng chính sách đãi ngộ gồm bác sĩ có trình độ đại học, sau đại học đang làm công tác khám chữa bệnh, dự phòng ở các khoa chuyên môn, trạm y tế và bộ phận kế hoạch - nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Viên chức có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y đang làm công tác khám, chữa bệnh, dự phòng ở các khoa chuyên môn, trạm y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh.
Các đối tượng này ngoài lương và các chế độ khác theo quy định hiện hành của Nhà nước thì được hưởng chính sách đãi ngộ hàng tháng với mức như từ 900.000 đồng/người/tháng đến 1.100.000 đồng/người/tháng đối với bác sĩ có trình độ đại học; từ 1.000.000 đồng/người/tháng đến 1.200.000 đồng/người/tháng đối với bác sĩ có trình độ chuyên khoa I và tương đương; từ 1.100.000 đồng/người/tháng đến 1.300.000 đồng/người/tháng đối với bác sĩ có trình độ chuyên khoa II và tương đương; từ 300.000 đồng/người/tháng đến 500.000 đồng/người/tháng đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y có trình độ đại học; từ 400.000 đồng/người/tháng đến 600.000 đồng/người/tháng đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y có trình độ sau đại học (chuyên khoa I và tương đương).
So với Nghị quyết Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015- 2020 (Nghị quyết 09 năm 2014), đối tượng nhận đãi ngộ được quy định cụ thể, trong đó “mở rộng” đối tượng thụ hưởng là viên chức có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y tại các cơ sở y tế công lập.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông cho biết, ngành Y tế là ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người. Điều này đòi hỏi nhân viên y tế nói chung phải liên tục đào tạo, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. “Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y cũng là nhóm đối tượng trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và cũng chịu nhiều áp lực trong công việc. Nghị quyết số 08 đưa nhóm đối tượng này vào diện đãi ngộ, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với nhân viên y tế, giúp họ nâng cao thu nhập. Đồng thời, đây cũng là sự hỗ trợ, động viên để họ tự tin đi học tập, nâng cao trình độ”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Hơn nữa, việc ban hành chính sách đãi ngộ sẽ góp phần giữ chân bác sĩ, nhân viên y tế, tránh tình trạng rời khỏi khu vực công ra làm việc ở tư nhân. Do đó, đối với tỉnh Đắk Nông, dù điều kiện khó khăn nhưng vẫn dành kinh phí hỗ trợ để nâng cao thu nhập mỗi tháng cho các đối tượng này.