Ðạo đức công vụ của cán bộ, công chức

Đoàn Văn Kỳ| 28/06/2017 11:08

Sinh thời, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước.

Từ năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời cùng với đó là những giá trị đạo đức công vụ mới - đạo đức công vụ phục vụ nhân dân được chú trọng xây dựng, hình thành và phát triển. Những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mới đã góp phần điều chỉnh hành vi của công chức trong thi hành công vụ và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xây dựng một nền công vụ mới phù hợp với bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ngay từ khi đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ công chức của nước Việt Nam mới. Ngày 20/5/1950, Người ký Sắc lệnh 76/SL ban hành Quy chế công chức. Trong quy chế này, vấn đề đạo đức công vụ đã được thể hiện. Chẳng hạn, Điều 2, Quy chế nêu: Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của đội ngũ cán bộ công chức trong nền hành chính quốc gia, nhà nước ta ban hành Pháp lệnh cán bộ công chức và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 9/3/1998 (sửa đổi năm 2003); luật Cán bộ, công chức năm 2008; luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm năm 1998; luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan (ban hành theo Nghị định 71/CP của Chính phủ năm 1998)… Tại  Đắk Nông, tỉnh đã có Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 7/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chấn chỉnh lề lối làm việc và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc làm việc; Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh về việc quy định giờ giấc làm việc hành chính trên địa bàn tỉnh….

Thực tiễn cho thấy, đại bộ phận công chức dù ở cương vị nào, làm việc gì cũng có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu sự tác động phức tạp trong điều kiện kinh tế, xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức đã góp phần đóng vai trò quyết định cho những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Nhìn chung công chức trên địa bàn tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoạt động có mục đích, có tinh thần trách nhiệm cao, có ý chí phấn đấu mạnh mẽ thực hiện những mục tiêu, chương trình đã định; trung thực, không cơ hội, không vụ lợi, dám đấu tranh phê bình, có khả năng đoàn kết, quy tụ mọi người và có trách nhiệm trong cuộc sống gia đình, với cộng đồng.

Bên cạnh những ưu điểm, cán bộ công chức vẫn còn tồn tại những khuyết điểm. Biểu hiện chủ yếu của tình trạng đó là suy thoái về đạo đức, lối sống; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân; tệ nói nhiều làm ít, nói nhưng không làm, làm không đến nơi, đến chốn; tệ quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật còn tồn tại ở các cấp, các ngành; tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân, gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, làm thất thoát tài sản, tiền của của Nhà nước, của nhân dân, vv… gây bức xúc trong nhân dân.

Những hạn chế đó xuất phát từ những nguyên nhân: Sự tác động, ảnh hưởng mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đối với đạo đức công chức; cơ chế bảo đảm và khuyến khích các giá trị đạo đức công chức chưa đồng bộ; chủ trương, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều sơ hở; mở cửa hội nhập, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội dẫn tới sự tác động của nhiều luồng tư tưởng tác động đến đạo đức của đội ngũ công chức; những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc chưa được chú trọng bảo tồn và phát huy đúng mức; Việc quản lý và giáo dục đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của công chức chưa được chú trọng đúng mức…

Để xây dựng và phát huy đạo đức và trách nhiệm công chức thì phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, đề bạt và bố trí cán bộ; tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, giữ gìn lối sống giản dị, trong sáng, tận tụy phục vụ nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách thực chất; thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ; các hoạt động của công chức trong bộ máy Nhà nước phải được công khai minh bạch; tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội và vai trò to lớn của quần chúng nhân dân; chú ý và kịp thời xử lý các dư luận xã hội đối với cán bộ, công chức khi có đầy đủ cơ sở pháp lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với cán bộ công chức, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật khi thực thi công vụ. Tạo môi trường xã hội lành mạnh, điều kiện làm việc tốt nhất và chế độ đãi ngộ công chức thỏa đáng để thu hút trọng dụng người có tài, có đức; có những biện pháp khen thưởng kịp thời đối với gương “người tốt, việc tốt”, xây dựng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong cơ quan, đơn vị. Tổ chức tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII.

Ðạo đức có nội hàm rộng, là hệ thống các qui tắc, chuẩn mực biểu hiện sự tự giác trong quan hệ con người với con người, con người với cộng đồng xã hội, với tự nhiên và với cả bản thân mình. Mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi cơ sở đều có quy định về đạo đức nghề nghiệp. Ðạo đức công chức là một dạng của đạo đức nghề nghiệp gồm những quan điểm, nguyên tắc và chuẩn mực đánh giá, điều chỉnh tư tưởng, hành vi và quan hệ đạo đức công chức. Trong xã hội có bao nhiêu nghề thì có bấy nhiêu thứ đạo đức nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðạo đức công vụ của cán bộ, công chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO