45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới

Tường Mạnh| 13/10/2014 11:02

Trước khi về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng.

Trong Di chúc, Người đã nói lên niềm tin tất thắng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; tổng kết sâu sắc những bài học đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người cũng căn dặn sau khi kháng chiến thắng lợi, chúng ta ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước, nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trước thất bại của chiến tranh đặc biệt, năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Chúng ào ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam, tăng cường chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên miền Bắc, hòng khuất phục quân và dân ta.

Trước hành động leo thang xâm lược hết sức tàn bạo của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giữ vững lòng tin tưởng tuyệt đối với Người và Trung ương Đảng, nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Niềm tin tất thắng của Người đã trở thành hiện thực bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, Bắc-Nam sum họp một nhà và cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói, phần lớn cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi Người qua đời, đất nước vẫn chưa có hòa bình, thống nhất, vì vậy, những vấn đề chủ nghĩa xã hội, Người mới chỉ kịp vạch ra những nét cơ bản. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, nhưng đó là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài giữa cái xấu và tốt, cũ và mới, lạc hậu và tiến bộ.

Trong Di chúc của Người có đoạn: Việc xây dựng lại các thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh, việc khôi phục, mở rộng các ngành kinh tế, phát triển y tế, giáo dục, củng cố quốc phòng là rất to lớn, nặng nề và phức tạp. Đồng thời Người cũng khẳng định: Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân. Xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là xây dựng tiềm lực phát triển dân tộc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trung thành với tư tưởng của Người, bước vào thời kỳ xây dựng, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã vận dụng một cách sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa đất nước ta đi lên vững chắc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng đã nêu lên những nguyên tắc cơ bản đó là: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả, bằng những quan niệm đúng về chủ nghĩa xã hội, với những hình thức bước đi và biện pháp thích hợp. Nguyên tắc này, không chỉ đáp ứng kịp thời đòi hỏi của tình hình trong nước và quốc tế lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Chính nhờ kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa nên qua gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã có bước phát triển rõ rệt, đạt nhiều thành tựu to lớn. Cụ thể, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền để để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới.

Đại hội cũng đã nhất trí thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO