UBTVQH cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)

Nguồn SGGP| 12/08/2014 14:59

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 12/8.

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội cho biết, hiện còn 5 nhóm vấn đề có ý kiến khác nhau: về thời điểm chuyển quyền sở hữu; quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; chính sách nhà ở công vụ; chính sách nhà ở xã hội; thời hạn sử dụng nhà chung cư, sở hữu diện tích chung nhà chung cư.

Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Thường trực UBPL tán thành việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Quy định về điều kiện được mua nhà ở như dự thảo Luật (chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại; chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ…) được nhìn nhận là khá chặt chẽ, sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước, đặc biệt là không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.

Ông Phan Trung Lý nói: “Thường trực UBPL đề nghị tiếp thu và bổ sung quy định chặt chẽ về phương thức thanh toán để phòng, chống việc rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”.

Liên quan đến nhà ở công vụ, cơ quan thẩm tra cho rằng trong điều kiện hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi. Do đó, đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành và bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ như trong dự thảo Luật.

Về sở hữu diện tích chung trong nhà chung cư, ông Phan Trung Lý cho biết, Thường trực UBPL đề nghị tiếp thu theo hướng khẳng định rõ nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung để thực hiện thống nhất trên toàn bộ các nhà chung cư và hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong thời gian tới. Thường trực UBPL cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật về xây dựng thì mỗi nhà chung cư có niên hạn sử dụng khác nhau, căn cứ vào cấp công trình của nhà chung cư đó (ví dụ: nhà chung cư cấp 3 có niên hạn sử dụng từ 20 – 30 năm, nhà chung cư cấp 2 có niên hạn sử dụng từ 50-100 năm…).

Vẫn theo Thường trực UBPL, không phải mọi trường hợp nhà chung cư khi hết niên hạn sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nêu trên là sẽ hết thời hạn được phép sử dụng mà sau niên hạn này thì cơ quan chức năng sẽ phải tổ chức kiểm định lại chất lượng nhà chung cư đó để quyết định thời hạn được sử dụng tiếp. Tùy thuộc vào chất lượng của từng loại nhà chung cư mà việc quyết định thời hạn được sử dụng tiếp sẽ dài, ngắn khác nhau. Ngoài ra, cũng có trường hợp thời hạn sử dụng nhà chung cư ngắn hơn niên hạn sử dụng của nhà chung cư đó theo quy định của pháp luật xây dựng, bởi vì do tác động của thiên tai (như bão, lũ hoặc động đất…) làm cho nhà chung cư này bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ trước khi hết niên hạn. Vì vậy, Thường trực UBPL cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể  thời hạn sử dụng nhà chung cư mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này.

Ghi nhận nhiều điểm bổ sung, chỉnh lý của dự thảo Luật, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, cần rạch ròi phần diện tích sở hữu chung và riêng đối với nhà chung cư. Theo đó, diện tích đã phân bổ vào giá bán căn hộ là sở hữu chung của cộng đồng dân cư. “Phần diện tích chủ đầu tư giữ lại để kinh doanh, bao gồm cả diện tích để xe thì phải trừ ra, không được tính vào tiền bán. Nếu không thì sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong cộng đồng người dân ở chung cư. Bên cạnh đó, cũng phải hết sức chú trọng việc đảm bảo diện tích sử dụng chung cho sinh hoạt cộng đồng: chỗ chơi cho trẻ em, chỗ nghỉ ngơi luyện tập cho người già...”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại quan tâm đến quy định về chương trình phát triển nhà ở quy định trong dự thảo Luật. Ông yêu cầu: “Đúng là cần có kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở để không xây dựng nhà ở một cách tùy tiện, nhưng chúng ta hiện đã có quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn rồi, Luật Xây dựng cũng đã có tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng nhà ở rồi; không nên coi chương trình phát triển nhà ở là một căn cứ pháp lý để cấp phép xây dựng, đẻ ra thêm thủ tục hành chính nữa”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự án luật này sẽ được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị đại biểu QH chuyên trách trước khi hoàn thiện, trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO