PV:Thưa đồng chí, tỉnh Đắk Nông tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và Khánh thành Tượng đài N’Trang Lơng, đây được xem là công trình của ý Đảng, lòng dân. Đồng chí có thể nói rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình?
Đồng chí Lê Trọng Yên: N’Trang Lơng là người con ưu tú, tiêu biểu của dân tộc M’nông, là biểu tượng, niềm tự hào cho phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược ở Tây Nguyên. Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đã góp phần khẳng định, tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tinh thần đó tiếp tục được phát huy qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với ý nghĩa đó, việc xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông đối với người con ưu tú đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, cũng như tôn vinh giá trị cao đẹp của lòng yêu nước.
Công trình là dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, một thành tựu trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh Đắk Nông trong chặng đường xây dựng và phát triển; là điểm nhấn về kiến trúc, điêu khắc của thành phố trẻ Gia Nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ khách du lịch gần xa đến tham quan.
Đồ họa: Nhóm P.V |
PV:Thưa đồng chí, Tuy Đức là quê hương của Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, vậy tại sao tỉnh không chọn Tuy Đức là nơi đặt xây dựng tượng đài mà lại chọn TP. Gia Nghĩa?
Đồng chí Lê Trọng Yên: Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng với chiến thắng Bu Nơr - Bu Mê ra vang dội vào tháng 7/1914 đã làm cho phong trào phát triển, giải phóng một vùng cao nguyên rộng lớn khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp trong nhiều năm. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô rộng lớn. Lúc đầu là vùng cao nguyên M’nông (vùng đất Đắk Nông ngày nay) sau đó, cuộc khởi nghĩa đã lan rộng ra cả vùng cao nguyên Đắk Lắk, tác động mạnh mẽ đến nhiều phong trào đấu tranh khác của Nhân dân Tây Nguyên, thu hút cả các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia.
Với những chiến công của thủ lĩnh N’Trang Lơng, Bộ VHTT&DL đã xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, đồng thời đầu tư kinh phí tôn tạo, phục dựng di tích, nhà tưởng niệm tại huyện Tuy Đức - quê hương của ông.
Tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông chọn TP. Gia Nghĩa là nơi xây dựng tượng đài, thứ nhất, Gia Nghĩa là một trong những địa danh của cuộc khởi nghĩa các dân tộc Tây Nguyên chống thực dân Pháp. Thứ hai, qua khảo sát tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh và các nhà nghiên cứu nên tỉnh Đắk Nông thống nhất chọn vị trí đặt Tượng đài tại TP. Gia Nghĩa. Mặt khác, Gia Nghĩa là trung tâm hành chính của tỉnh, nên việc xây dựng tượng đài còn nhằm gắn với các hoạt động quảng bá di sản văn hóa đến du khách khi đến tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và là địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 – 1936) và Tượng đài N’Trang Lơng góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, khơi dậy khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Nông giàu đẹp |
PV: Công trình Tượng đài N’Trang Lơng được xây dựng một phần từ xã hội hóa, trong đó có sự đóng góp của cán bộ, công chức, Nhân dân toàn tỉnh Đắk Nông, đồng chí có thể chia sẻ thêm về việc làm ý nghĩa này?
Đồng chí Lê Trọng Yên: Như tôi đã nói ở trên, N’Trang Lơng là người con ưu tú của dân tộc M’nông, đã đứng lên tập hợp các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết, khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược làm nên những chiến thắng vang dội. Vì vậy, để ghi nhớ công ơn và phát huy truyền thống yêu nước, tỉnh Đắk Nông đã thống nhất chủ trương xây dựng Tượng đài với tinh thần chung tay góp sức của toàn xã hội. Đến nay, bằng nguồn ngân sách và kêu gọi xã hội hóa, Tượng đài đã cơ bản hoàn thành và sẽ chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 20/12. Việc xây dựng Tượng đài là minh chứng rõ nét cho ý Đảng hợp lòng dân, là việc làm ý nghĩa thể hiện sự tri ân công lao to lớn của vị anh hùng và nghĩa quân trong cuộc đấu tranh chống thực dân pháp. Hơn nữa, công trình còn góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
PV:Tỉnh Đắk Nông có giải pháp gì để Tượng đài N’Trang Lơng trở thành công trình lịch sử - văn hóa, giáo dục truyền thống, là địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong tỉnh?
Đồng chí Lê Trọng Yên: Công trình Tượng đài N’Trang Lơng đã được Tỉnh ủy Đắk Nông thống nhất xây dựng và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau khi công trình hoàn thành, UBND tỉnh sẽ giao về cho chính quyền địa phương quản lý, lên phương án tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống; là điểm đến du lịch của TP. Gia Nghĩa và tỉnh Đắk Nông... Đây cũng sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần cho Nhân dân, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ con cháu mai sau tiếp nối truyền thống cha anh, dựng xây quê hương Đắk Nông ngày một giàu đẹp.
PV:Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!