Thực hiện Chỉ thị 17: Cần linh hoạt trong kiểm tra công vụ

Hoàng Bảo| 27/03/2019 09:25

Ngay sau khi UBND tỉnh Đắk Nông ban hành về việc chấn chỉnh lề lối làm việc và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, các đơn vị, địa phương trong tỉnh không chỉ quán triệt, tuyên truyền nội dung Chỉ thị đến từng cá nhân mà còn tổ chức nhiều đợt kiểm tra công vụ để nắm bắt thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì việc kiểm tra công vụ vẫn còn những hạn chế nhất định.

Không chỉ ở cấp tỉnh, các huyện, thị xã cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra công vụ để nắm bắt tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức tại các đơn vị xã, phường, thị trấn. Qua đó, việc kiểm tra bằng hình thức đột xuất, không báo trước đã góp phần chấn chỉnh, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc riêng, đi muộn về sớm, uống cà phê, la cà quán xá, uống rượu, bia trong giờ hành chính cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc và ý thức phục vụ người dân… Đặc biệt, trước đây, vào chiều thứ 6, một số xã còn tình trạng cán bộ, công chức không lên cơ quan làm việc hay nghỉ về sớm thì nay đã được chấn chỉnh đáng kể.

Từ khi Chỉ thị 17 triển khai thực hiện, cán bộ, công chức, viên chức xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đã khắc phục được tình trạng đi muộn về sớm, nâng cao tinh thần phục vụ dân

Mặc dù đã đạt được những hiệu quả rõ rệt, nhưng việc kiểm tra công vụ tại các xã vẫn còn hạn chế, thiếu tính linh hoạt. Theo phản ánh của nhiều cán bộ làm công tác hội, đoàn thể ở cấp xã thì Chỉ thị 17 ban hành rất kịp thời và góp phần nâng cao ý thức, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Thế nhưng, đối với cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể cấp xã và kiêm nhiệm thêm các chức vụ ở cấp thôn thì việc thực hiện Chỉ thị 17, mà cụ thể là kiểm tra công vụ còn thiếu tính linh hoạt. Bởi những người làm công tác hội kiêm công tác thôn, bon cũng như “làm dâu trăm họ”, việc nhiều, nhưng lại không tên, chỉ cần người dân, hội viên ở khu dân cư có vấn đề gì là lập tức xuống ngay chứ không thể sắp xếp lịch trước. Tại nhiều khu dân cư, khi cơ sở báo trong thôn có vợ chồng mâu thuẫn, bất hòa hay sự việc gì xảy ra, ngay lập tức, cán bộ hội chỉ kịp báo cáo cho thủ trưởng rồi xuống ngay để tham gia hòa giải, xử lý.

Những việc như vậy đều diễn ra không báo trước, nên khi đoàn kiểm tra công vụ xuống thấy không có lịch phân công công tác mà vắng mặt thì lại cho rằng cán bộ vắng mặt trong giờ làm việc. Điều này đã vô tình làm ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của người làm công tác hội. Trong khi đó, hoạt động công tác hội, đoàn thể chủ yếu dựa vào sự nhiệt tình, trách nhiệm là chính, cán bộ nào phong trào đó, cán bộ không sâu sát cơ sở, không xông xáo thì không thể tổ chức được phong trào.

Ngay tại các buổi làm việc với tổ chức hội, đoàn thể, nhiều cán bộ lãnh đạo đều yêu cầu những người làm công tác hội, đoàn thể cần trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, khắc phục tình trạng ngồi bàn giấy để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên. Chưa kể, đã làm công tác hội thì cho dù ngày hay đêm, thứ bảy hay chủ nhật chỉ cần có việc họ đều phải xắn tay vào làm…

Có thể nói, Chỉ thị 17 ra đời đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức. Việc kiểm tra công vụ là cần thiết, đúng đắn, thể hiện rõ quan điểm của UBND tỉnh trong việc chấn chỉnh việc thực thi công vụ. Thế nhưng, công tác kiểm tra cần có sự linh hoạt, nhất là với những người làm công tác hội, đoàn thể để tạo sự hứng thú đối với công việc. Trong quá trình kiểm tra hay đánh giá cán bộ hội cần có sự kiểm chứng thực tế để làm sao xử lý nghiêm đối với những người lấy lý do đi cơ sở để trốn tránh công việc và ngược lại để bảo đảm tính công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chỉ thị 17: Cần linh hoạt trong kiểm tra công vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO