Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)

Nguồn TTXVN/VGP| 28/11/2013 13:42

Sáng 28/11, với 97,59% số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

* Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi).

Buổi làm việc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp sáng 28/11 đã đi vào lịch sử lập hiến với việc thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi và bền vững cho quá trình hội nhập và phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Các đại biểu ấn nút thông qua Hiến pháp. Ảnh: vov.vn

Như vậy, sau gần 11 tháng (2/1/2013) tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và triển khai tiếp nhận ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; các chuyên gia, nhà khoa học, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được hoàn thiện, tổng hợp tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của toàn dân tộc.

Báo cáo trước các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được Quốc hội thông qua lần này là bản Dự thảo được chuẩn bị công phu, tâm huyết, khoa học; là kết quả quá trình làm việc nghiêm túc, cần mẫn và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, của các tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã thể hiện được tinh thần đổi mới; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã làm việc hết sức mình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc vào bản Dự thảo lần này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng, tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội đã đồng tình cao với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi thông qua lần này. Dự thảo đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, của đại đa số các đại biểu Quốc hội. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần làm chủ của nhân dân. Những ý kiến còn khác so với Dự thảo đều sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước.

Dự thảo Hiến pháp được thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Dự thảo có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập của đất nước, việc sửa đổi bổ sung bản Hiến pháp năm 1992 - được xây dựng trong thời kỳ đầu đổi mới đất nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.

* Cũng trong sáng nay, với 98,59% số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi).

Theo Nghị quyết, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua. Hiến pháp này có hiệu lực từ ngày từ 1/1/2014.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất.

Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi).

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi).

Các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi), kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.

Những công việc đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.

Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2015)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO