Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế

Nguồn SGGP| 27/11/2013 09:23

Chiều 26/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội đưa ra quy định BHYT là bắt buộc, đồng thời đưa ra cơ chế BHYT theo hộ gia đình. Ngoài ra, thêm nhiều loại bệnh tật được BHYT chi trả như thanh toán cho người gây tai nạn giao thông (Luật hiện hành không chi trả..).. Thêm nữa, thủ tục khám chữa bệnh BHYT sẽ thuận lợi hơn cả về khám trái tuyến, vượt tuyến, cấp cứu. Quyền lợi đăng ký khám chữa bệnh BHYT của người dân cũng sẽ thuận lợi hơn.

Dự luật của Chính phủ trình Quốc hội cũng bỏ quy định cùng chi trả 5% với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công từ 20% xuống 5%. Đối với vấn đề thanh toán khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến thì theo dự luật, sẽ chi trả cho trường hợp khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, còn với người đi khám ngoại trú thì quỹ BHYT chỉ chi trả một số bệnh, mức chi cụ thể giao cho Chính phủ quy định…

Thảo luận về luật này, nội dung gây tranh luận nhiều nhất là quy định bắt buộc mọi đối tượng phải mua BHYT. Tuy đánh giá BHYT chưa thu hút người dân, song đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, nên quy định bắt buộc mua BHYT. “Bắt buộc là đúng. Tất nhiên, phải có giải pháp tạo sự đồng thuận và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT” – ông Mã Điền Cư nói.

Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lên tiếng: Quy định bắt buộc là không phù hợp, không khả thi. Dự luật không quy định rõ trách nhiệm người tham gia BHYT, không có chế tài cụ thể, vậy nếu người dân cố tình không mua thì làm gì? Tôi kiến nghị giữ nguyên như hiện hành để phù hợp điều kiện sống của người dân và đảm bảo tính khả thi.

Kể ra 4 nguyên nhân khiến quy định “bắt buộc” không khả thi, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nói: Không thể buộc mọi người dân người dân có thu nhập trung bình, có sức khỏe tốt phải mua BHYT. Cơ sở y tế chất lượng khám chữa bệnh kém như thế, lại quá tải, người ta không thích vào thì sao?

Đây cũng là ý kiến thẩm tra về luật này trước đó của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Theo đó, Ủy ban này cho rằng, không nên dùng từ bắt buộc. Bởi đối với Việt Nam, bây giờ mà yêu cầu BHYT bắt buộc cũng không có chế tài gì để xử lý, nên sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và tính khả thi của BHYT bắt buộc. Ủy ban này hướng đến quan điểm: quan trọng là chúng ta vận động người dân chưa tham gia BHYT sẽ tham gia. Bởi thế, quan điểm của ủy ban là Chính phủ nên đi theo hướng có cơ chế khuyến khích và vận động để người dân tham gia BHYT. Như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hơn.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra lãng phí

Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi, trong đó đáng chú ý là quy định trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra lãng phí. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các giải pháp để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, còn phải chịu trách nhiệm về việc ban hành các văn bản cá biệt không phù hợp thực tiễn hoặc trái pháp luật gây lãng phí. Họ cũng phải trực tiếp chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO