Ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên (kỳ 1): Vinh danh thủ lĩnh N'Trang Lơng
Năm 2022, đánh dấu kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-2022). Theo đánh giá của các nhà sử học, cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng có một vị thế, ý nghĩa rất to lớn trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của các dân tộc Tây Nguyên trước năm 1945.
Phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh N’Trang Lơng là một sự kiện lịch sử, chứng minh truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của Nhân dân ta.
Vào năm 1964, trong khi Nhân dân miền Nam cùng với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang sát cánh bên nhau chống lại ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã diễn ra sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Bu Nơr - Bu Mêra (tháng 7/1914) - trận đánh quan trọng nhất của Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng.
Đúng vào ngày 1/12/1964, ngay tại Nhà hát lớn của Thủ đô Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm chiến thắng của nghĩa quân N’Trang Lơng, với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cùng các nhà nghiên cứu sử học, văn hóa, dân tộc, đặc biệt là sự có mặt của 3 đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Viện trưởng Viện Sử học, Giáo sư - Viện sĩ Trần Huy Liệu đọc bài diễn văn quan trọng dài 31 trang đánh máy với tiêu đề: “50 năm Ngày chiến thắng lớn của phong trào N’Trang Lơng kháng Pháp”, nêu bật ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo.
Ngay phần mở đầu, bài diễn văn đã nhấn mạnh: Theo quyết định của Đảng và Chính phủ, hôm nay, chúng ta kỷ niệm một cách trọng thể 50 năm Ngày chiến thắng lớn của phong trào N’Trang Lơng kháng Pháp - một phong trào tiêu biểu cho ý chí quật cường, kiên quyết chiến đấu chống quân thù xâm lược của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - một phong trào góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống bất khuất và lịch sử vẻ vang của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh anh hùng suốt một thế kỷ chống đế quốc xâm lược.
Phong trào kháng Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo kéo dài từ 1912 đến 1935, trong ngót một phần tư thế kỷ là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh chung của toàn thể dân tộc Việt Nam thời kỳ lịch sử cận đại chống đế quốc Pháp xâm lược nhằm giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Do đó, muốn đánh giá đúng đắn phong trào đó, không thể không đặt nó vào bối cảnh lịch sử chung của nước ta hồi đầu thế kỷ 20.
Một mặt khác, trong việc kỷ niệm phong trào kháng Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo, chúng ta không thể chỉ đơn thuần ôn lại chuyện lịch sử đã qua, mà còn phải nêu bật ý nghĩa hiện thực nóng hổi và truyền thống của phong trào đó hiện đang cổ vũ mạnh mẽ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sát cánh với toàn thể đồng bào miền Nam chiến đấu anh dũng và gian khổ, đánh bại từng bước đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng.
Diễn văn cho rằng, sự ảnh hưởng tích cực của cuộc khởi nghĩa đối với việc kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của các dân tộc Tây Nguyên chống thực dân Pháp trước kia và trong công cuộc chống Mỹ hiện tại.
Diễn văn khẳng định: "Tấm gương của thủ lĩnh N’Trang Lơng đã nêu cao và tiếp nối mạnh mẽ hơn trong thời đại mới. Nếu 50 năm trước, trong đồng bào Tây Nguyên có một N’Trang Lơng ngã xuống thì ngày nay đã có hàng nghìn, hàng vạn N’Trang Lơng khác đang đứng dậy chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để bảo vệ quê hương, đất nước".
Noi gương bất khuất, anh hùng của N’Trang Lơng, đồng bào Tây Nguyên, đồng bào miền Nam đang chiến đấu và chiến thắng. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang thất bại và sẽ thất bại hoàn toàn. Miền Nam yêu quý của chúng ta nhất định được giải phóng. Tổ quốc ta nhất định phải thống nhất. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử.
Bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm này hiện nay vẫn đang được lưu giữ tại Thư viện Viện Sử học Việt Nam với những bút tích sửa chữa chi tiết bằng mực đỏ của cố Viện trưởng Trần Huy Liệu.
Xung quanh sự kiện này, ngày 2/12/1964, Báo Nhân Dân cũng đã tường thuật lễ kỷ niệm với tiêu đề “Kỷ niệm cuộc kháng chiến của N’Trang Lơng và nghĩa quân Tây Nguyên chống xâm lược Pháp”. Sau đó, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 69 năm 1964 đã công bố bài viết “Phong trào N’Trang Lơng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thấu.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, bài viết được xem là tác phẩm đầu tiên nghiên cứu về Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng một cách có hệ thống, cung cấp cho bạn đọc, giới học giả nhiều tư liệu quý về một phong trào chống Pháp của các dân tộc Tây Nguyên ở đầu thế kỷ XX, kéo dài gần ¼ thế kỷ mà hầu như chưa được khai thác.
Thực tế cho thấy, đã bao năm trôi qua, bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thấu vẫn còn nguyên giá trị khoa học cả về nội dung và tư liệu. Qua đó, góp phần trong việc tìm hiểu quá trình hoạt động cũng như phát triển của phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo.
Cho đến nay đã trải qua 110 năm kể từ khi cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo nổ ra, nhưng thời gian không hề làm giảm ý nghĩa thực tiễn của cuộc đấu tranh đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống của phong trào N’Trang Lơng đã được đồng bào M’nông cũng như đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên phát huy mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ sau năm 1975, ngọn lửa chiến đấu của truyền thống N’Trang Lơng vẫn không ngừng rực cháy trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bất khuất, kiên cường.