Địa bàn “bất khả xâm phạm”
Trong cuốn sách "Lịch sử căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1959-1975)", khi nhắc đến lịch sử hình thành căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã nhấn mạnh: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thủ lĩnh N’Trang Lơng - vị anh hùng dân tộc M’nông đã lấy Nâm Nung làm địa bàn chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta lấy địa bàn Nâm Nung làm chỗ dựa cho lực lượng cách mạng, nơi đóng quân của các cơ quan, ban ngành. Từ thực tế đó cho thấy, Nâm Nung thực sự là địa bàn chiến lược, căn cứ địa vững chắc trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Từ khi đứng lên đánh Pháp, N’Trang Lơng đã tập hợp được nhiều thủ lĩnh, đầu làng của đồng bào các dân tộc như B’Heng Reng, R’Đing, R’Ong Leng, N’Xinh… Họ là những thủ lĩnh yêu nước, những cánh tay đắc lực của N’Trang Lơng. Ban đầu, N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh tiến hành xây dựng căn cứ địa kháng chiến tại thung lũng rừng già Bu Siết giáp ranh với Bu N’Drung ở thượng nguồn suối Buk Xô thuộc núi Nâm Nung. Đây là cơ quan đầu não của nghĩa quân.
Phần lớn nghĩa quân là người M’nông Biệt và M’nông Nông do N’Trang Lơng trực tiếp chỉ huy. Nghĩa quân xây dựng lán trại, kho lương, nhà chứa vũ khí, đào hầm, cắm chông, gài bẫy xung quanh căn cứ. Bên cạnh căn cứ là những nương rẫy trồng lúa, bắp để thực hiện nhiệm vụ tự túc lương thực cho nghĩa quân chiến đấu.
Một góc của căn cứ Nâm Nung ngày nay |
Tháng 10/1931, thực dân Pháp tập trung lực lượng tìm, diệt bằng được phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo, quân Pháp từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo nhiều hướng như một gọng kìm khép kín tấn công lực lượng nghĩa quân. Trước tình thế bất lợi, để bảo toàn lực lượng, N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh quyết định rút quân lên dãy Nâm Nung lập căn cứ kháng chiến.
Tại đây, nghĩa quân xây dựng căn cứ, đào hầm chông, giếng chông, làm bẫy đá, bẫy chông…tạo thành một địa bàn mang tính “bất khả xâm phạm”. Ngoài ra, nghĩa quân còn tổ chức trồng trọt, tự túc về lương thực, thực phẩm, đồng thời làm điểm tụ quân, xuất quân trong những trận đánh vào những năm cuối của cuộc khởi nghĩa. N’Trang Lơng và các thủ lĩnh nghĩa quân kêu gọi đồng bào bản địa cùng tham gia kháng chiến, bỏ làng vào rừng, không hợp tác với giặc Pháp.
Bước vào mùa khô 1934 - 1935, khắp cao nguyên, đồng bào M’nông, Êđê và S’tiêng lại nổi lên rào làng, dấp rừng chống Pháp. Cuộc đối đầu giữa nghĩa quân N’Trang Lơng và giặc Pháp ngày càng quyết liệt. Giặc Pháp truy lùng nghĩa quân ráo riết, buộc nghĩa quân phải không ngừng di chuyển, nhưng khi giáp mặt với quân thù họ lại chiến đấu rất anh dũng.
Từ đầu tháng 5/1935, giặc Pháp tung quân ra sức truy lùng nghĩa quân N’Trang Lơng, bất chấp các cơn mưa đầu mùa xối xả, núi cao, rừng sâu. Trong hoàn cảnh đó, N’Trang Lơng tạm lánh về quê cũ, ở trong một vùng rừng gần Bu Par, chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù. Tuy nhiên, do bị tên phản bội Bơ Mpông Phê chỉ điểm và đưa giặc đến bao vây. Tại đây, trận chiến bất ngờ và không cân sức đã diễn ra, N’Trang Lơng bị quân Pháp bắn bị thương nặng, sau đó mất vào ngày 23/5/1935.
N’Trang Lơng hy sinh, nghĩa quân của ông vẫn tiếp tục chiến đấu chống Pháp. Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đi vào thoái trào và đánh dấu kết thúc vào năm 1936 nhưng ảnh hưởng của phong trào đã không ngừng vươn cao, vươn xa. Người trước ngã người sau tiếp bước, cuộc chiến đấu của người dân Tây Nguyên lúc sôi nổi, mãnh liệt, lúc tạm thời âm ỉ chờ thời cơ để rồi lại bùng lên với khí thế mãnh liệt hơn, nhất là khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Với những giá trị to lớn, căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia |
Căn cứ địa vững chắc
Trong những năm 1959 - 1975, Nâm Nung là vùng núi hiểm trở, nơi đặt chính quyền cách mạng để lãnh đạo quân dân Tây Nguyên kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khốc liệt, khó khăn gian khổ, thiếu thốn đủ đường, đói cơm lạt muối, nhưng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng căn cứ vẫn kiên cường bám trụ, đấu tranh anh dũng. Đồng bào một lòng tin theo Đảng, cách mạng, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho cách mạng; kiên cường, bất khuất, không chịu đầu hàng địch, không theo địch.
Địch liên tục mở các đợt càn quét vào vùng căn cứ Nâm Nung, đánh vào các vùng nương rẫy, rải chất độc tàn phá hoa màu, ngăn chặn việc sản xuất, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Nhưng các cơ quan tỉnh, huyện, các tuyến hành lang và người dân vùng căn cứ vẫn bám trụ đánh địch, bảo đảm an toàn, đường hành lang vẫn thông suốt.
Phát huy truyền thống đấu tranh của nghĩa quân N’Trang Lơng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Nâm Nung là căn cứ địa vững chắc, nơi xây dựng thực lực từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều, đập tan các cuộc hành quân càn quét của địch.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang đã tổ chức nhiều đợt tiến công đánh địch, với nhiều hình thức, quy mô, làm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam.
Giờ đây, căn cứ kháng chiến Nâm Nung với những năm tháng hào hùng, dấu tích không còn nguyên vẹn nhưng với ý nghĩa giá trị lịch sử to lớn, căn cứ kháng chiến Nâm Nung được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.