Kinh tế Đắk Nông giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra

Đỗ Công| 21/06/2020 15:30

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, quy mô công nghiệp có bước phát triển, bộ mặt nông thôn dần được đổi mới... Tuy nhiên, với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa tạo được bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế là những lực cản đối với sự phát triển của tỉnh.

ADQuảng cáo

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (giá so sánh 2010) ước đạt 8,02% (kế hoạch đề ra trên 9%). Cụ thể: Nông nghiệp 5,79%, công nghiệp-xây dựng 13,79%, dịch vụ-du lịch 8,29% và thuế đạt 8,62%.

Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của Đắk Nông xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng từ 41,28 triệu đồng năm 2015, lên 48,84 triệu đồng vào năm 2020).

Đời sống kinh tế phát triển đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị ở Đắk Nông. Ảnh: Một góc thành phố Gia Nghĩa

Điểm sáng công nghiệp

Đánh giá của UBND tỉnh, ngành công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, từng bước trở thành ngành kinh tế động lực cho phát triển và chuyển dịch kinh tế của Đắk Nông. Đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng mạnh; trong đó, điện thương phẩm tăng gần 2 lần; đá xẻ tăng 3,41 lần; thùng, bể chứa và các vật liệu bằng nhôm tăng 4 lần; ván ép từ gỗ tăng 3,24 lần...

Đáng chú ý, Đắk Nông bước đầu hình thành vùng công nghiệp trọng điểm luyện alumin, nhôm của quốc gia. Từ cuối năm 2016, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động với công suất 650 ngàn tấn alumin/năm. Doanh thu năm 2017 của Nhà máy đạt gần 4.000 tỷ đồng và đến năm 2018 đạt hơn 6.300 tỷ đồng. Nhà máy đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.100 lao động.

Cũng trong sản xuất công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đã thu hút dự án chế biến hồ tiêu, công suất 950 tấn/năm. Nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê bột được hình thành với sản lượng cà phê bột, giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 7.000 tấn, tăng 75% so với giai đoạn 2011-2015. Trong chế biến lâm sản, sản xuất ván dán công nghệ cao đạt công suất 60.000m3/năm; sản phẩm bàn, giường tủ bằng gỗ đạt 784.000 sản phẩm.

Các sản phẩm công nghiệp của tỉnh đã có sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước như xuất khẩu ván ép, sản phẩm gỗ…

Sản xuất alumin đã đóng góp rất lớn trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở Đắk Nông. Ảnh: Một góc Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Nông nghiệp tăng đáng kể

Được xem là ngành sản xuất đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh, theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, quy mô và sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể. Đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 303.000 ha với tổng sản lượng lương thực đạt 414.000 tấn. So với đầu giai đoạn (năm 2016) diện tích gieo trồng toàn tỉnh tăng 42.000 ha, sản lượng tăng 93.000 tấn.

ADQuảng cáo

Xét về sản phẩm chủ lực của tỉnh, từ diện tích đến sản lượng đều tăng cao. Tính đến năm 2020, diện tích cà phê toàn tỉnh ước đạt hơn 131.000 ha, tổng sản lượng 306.700 tấn. So với năm 2016, diện tích cà phê tăng 7.600 ha và sản lượng tăng 56.000 tấn. Diện tích hồ tiêu đến năm 2020 đạt hơn 32.000 ha, sản lượng 63.200 tấn. So với năm 2016, diện tích cây trồng này tăng 4.700 ha, sản lượng tăng 29.000 tấn...

Đánh giá về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, báo cáo của UBND tỉnh nhấn mạnh, năng suất các cây trồng tăng nhờ vào việc cải thiện chất lượng giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Cùng với sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp cơ bản bảo đảm yêu cầu sản xuất; các ngành dịch vụ nông nghiệp phát triển rộng khắp với tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/năm và đóng góp 2,3% giá trị toàn ngành. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt, góp phần để người dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh tăng trưởng ổn định, tạo nên thị trường hàng hóa sôi động với quy mô tương đối. Các lĩnh vực như: Đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước tăng khá trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh về cơ bản đạt kế hoạch đề ra...

Được đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi đã góp phần nâng cao diện tích gieo trồng ở huyện Cư Jút

Còn nhiều hạn chế, thách thức

Mặc dù được xác định là lĩnh vực ưu tiên đầu tư, tuy nhiên phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị của tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Tính riêng về đầu tư hạ tầng đô thị ở thành phố Gia Nghĩa, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 28% (kế hoạch đề ra là 30%). Tương tự, tổng vốn đầu tư toàn xã hội (giai đoạn 2016-2020) đạt 72.300 tỷ (kế hoạch đề ra 74.200 tỷ đồng, chỉ tăng 11% so với giai đoạn 2011-2015)...

10/16 nhóm chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch

Nghị quyết số 22, ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đề ra 18 nhóm chỉ tiêu (16 nhóm chỉ tiêu đánh giá, 2 nhóm chỉ tiêu theo dõi). Qua 5 năm thực hiện có 7/16 nhóm chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Thu ngân sách, trồng mới rừng tập trung, lao động việc làm, giảm nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa; 3/16 nhóm chỉ tiêu đạt kế hoạch: hạ tầng điện, nước, môi trường; 6/16 nhóm chỉ tiêu không đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, môi trường rừng, đô thị hóa.

Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ ra, khoảng cách về kinh tế của Đắk Nông so với các tỉnh trong khu vực còn lớn. Tỉnh chưa tạo được đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát huy lợi thế so sánh từng ngành.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào tăng sản lượng, hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất thấp. Máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có 10% hiện đại, 40% trung bình và 50% là lạc hậu và rất lạc hậu. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%. Việc đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chi phí khoảng 0,2%-0,3% doanh thu.

Trong sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng chủ yếu là do mở rộng diện tích canh tác, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường. Ngoài ra, công tác quản lý quy hoạch cây trồng chưa hiệu quả, xây dựng nông thôn mới còn chậm, phá rừng diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực tài nguyên, đất đai, khoáng sản vào phát triển chưa đạt như kỳ vọng. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu chặt chẽ, dữ liệu thiếu đồng bộ; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp còn xảy ra nghiêm trọng...

Những khó khăn, thách thức trong giai đoạn 2016-2020 đang đòi hỏi Đắk Nông phải nỗ lực hơn nữa trong những năm tiếp theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Đắk Nông giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO