Khắc phục cho được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Bình Minh| 05/08/2016 09:23

Đây là một trong những nội dung trong kết luận của UBND tỉnh tại hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 được ban hành mới đây.

Qua thực tế cho thấy, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng có lẽ rõ nhất đó là việc giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và người dân.

Tại hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với doanh nghiệp mới đây, lãnh đạo các doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng các sở, ban, ngành chậm trễ trong việc giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp ngày càng nhiều. Trong khi đó, nhiều nội dung trả lời của các đơn vị còn chưa thể hiện được hết tinh thần trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Một số kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành Trung ương chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn. Cá biệt, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp kéo dài và đến nay vẫn chưa có văn bản phản hồi của một số sở, ban, ngành.

Lĩnh vực thực hiện cải cách thủ tục hành chính cũng còn nhiều tồn tại, bất cập. Theo kết quả xếp loại chỉ số cải cách hành chính năm 2015 đối với các sở, ban, ngành, cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn và các huyện, thị xã được UBND tỉnh công bố vào ngày 26/7/2016 mới đây cũng cho thấy, nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện thủ tục cải cách hành chính trên địa bàn.

Chỉ tính riêng về chỉ số cải cách thủ tục hành chính, toàn tỉnh có tới 15/22 sở, ban, ngành, cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn có điểm số đánh giá ở mức độ trung bình và thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân ở các đơn vị này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.  

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4, khóa XI vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Diễn cũng yêu cầu lãnh đạo các ngành, huyện, thị xã xem xét, rà soát đối với những cán bộ, công chức cửa quyền hách dịch, gây khó khăn, chây lỳ, năng lực yếu, không có sự chuyển biến trong thực thi công vụ thì kiên quyết thay thế, loại bỏ khỏi bộ máy. Các ngành, địa phương phải khắc phục cho được tình trạng đùn đẩy, làm chưa hết trách nhiệm, gây cản trở  việc thực thi công vụ để xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Tỉnh cùng với các ngành, các cấp tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ. Đối với vấn đề quản lý bảo vệ rừng và đất rừng thì kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, các đối tượng vi phạm theo tinh thần “xử lý từ trong ra ngoài, trên xuống dưới”. Về giải quyết khiếu nại tố cáo, các ngành, các cấp phải làm hết trách nhiệm của mình, tránh đùn đẩy đưa lên tỉnh. Bí thư, chủ tịch huyện phải công bố “đường dây nóng” để dân biết, trao đổi các vấn đề khiếu nại tố cáo. UBND tỉnh, các ngành, địa phương rà soát các vụ việc còn tồn đọng để xử lý, hạn chế tình trạng người dân kéo lên tỉnh.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã bầu và phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, phát biểu trước các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý vẫn còn tình trạng cán bộ trì trệ, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân. Một chính phủ không hướng về nhân dân thì người dân không ủng hộ. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu sắp tới các bộ trưởng phải chủ động, quán xuyến công việc, đổi mới phương pháp làm việc, đề cao trách nhiệm cá nhân, tuyệt đối không cá nhân chủ nghĩa, không nhũng nhiễu tiêu cực, vì nhiệm vụ chung và lợi ích của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục cho được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO