Giải pháp nào để xây dựng Đảng ở vùng đặc thù?
Dù đạt nhiều kết quả, nhưng việc phát triển đảng viên, xây dựng Đảng ở vùng có đạo, dân tộc Mông nói riêng, đảng viên, tổ chức cơ sở (TCCS) đảng nói chung vẫn là "bài toán" khó.
Nhiều khó khăn, thách thức
Đến tháng 6/2024, Đảng bộ xã Đức Minh, huyện Đắk Mil vẫn còn 3 thôn “trắng” đảng viên là người tại chỗ. Trong 2 thôn đã “xóa” thành công thì chỉ có 1 thôn là phát triển được đảng viên là người tại chỗ.
Theo đồng chí Doãn Hồng Sỹ, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Sơn, xã Đức Minh, thôn có 212 hộ thì 100% đều là người có đạo. Việc phát triển đảng viên luôn được quan tâm, chú trọng. Những năm trước, cấp ủy, chi bộ tuyên truyền, vận động, quan tâm, bồi dưỡng và kết nạp được 1 đảng viên. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, với nhiều lý do khác nhau, đồng chí ấy đã xin ra khỏi Đảng. Hiện nay, Chi bộ có 4 đảng viên thì có 3 đảng viên tăng cường và 1 đảng viên là người tại chỗ mới chuyển về tham gia sinh hoạt.
Không riêng Chi bộ thôn Xuân Sơn, hiện nay, việc phát triển đảng viên là người tại chỗ ở 3 thôn của xã Đức Minh không hề dễ dàng. Một phần là do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tổ chức đảng chưa sâu sát, kiên trì. Việc quy hoạch cán bộ chưa gắn với phát triển đảng viên, phân công đảng viên chưa hợp lý... Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều đi học, làm ăn xa dẫn đến khó để tạo nguồn.
Tại huyện Đắk Glong cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển đảng viên là người Mông. Nguyên nhân là một số chi ủy, bí thư chi bộ chưa phát huy hết vai trò trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là người Mông chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguồn phát triển đảng viên là người Mông còn hạn chế về chất lượng như trình độ học vấn, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình...
Một số TCCS đảng ở vùng đông người Mông sinh sống chưa thật sự quan tâm sâu sát đến tạo nguồn, phát triển đảng viên. Việc phát hiện, tuyên truyền, giáo dục giúp đỡ quần chúng người Mông đứng vào hàng ngũ của Đảng chưa kịp thời, thường xuyên. Công tác sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bon ảnh hưởng đến việc phát triển đảng viên.
Tính đến đầu năm 2024, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông có 27.725 đảng viên, trong đó, DTTS 4.432 đảng viên (người Mông 117 đảng viên), 960 đảng viên có đạo (công giáo 589 đảng viên).
Không riêng đảng viên có đạo hay đảng viên người Mông, công tác phát triển đảng viên nói chung của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phần lớn đoàn viên, thanh niên trẻ có trình độ đi làm ăn xa, dẫn đến khó theo dõi, giúp đỡ. Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đa số đều vào học ở các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên tốt nghiệp ít người trở về địa phương làm việc. Tại khu dân cư, người tích cực tham gia hoạt động các đoàn thể hầu hết lớn tuổi và không đạt yêu cầu. Một số người đủ điều kiện thì chưa mặn mà với việc vào Đảng...
Đồng bộ các giải pháp để "gỡ khó"
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Đức Minh, từ thực tế kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế, Đảng bộ xã tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng Đảng trong vùng đặc thù thêm vững mạnh.
Địa phương tiếp tục chú trọng tạo nguồn cho Đảng, nhất trong đoàn viên, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, thanh niên học xong 12 không đi học đại học, cao đẳng.
Khi quần chúng đứng vào hàng ngũ của Đảng, địa phương quan tâm cử đi đào tạo, đưa vào cán bộ nguồn. Cấp ủy các cấp tăng cường tuyên truyền Quy định 06-QĐ/TW ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo...
Địa phương phối hợp với tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân để người dân hiểu đứng vào hàng ngũ của Đảng thì không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt tôn giáo. "Công tác tuyên truyền, vận động là chính nhưng không thể một sớm một chiều mà phải “mưa dầm thấm lâu”, đồng chí Đoàn cho hay.
Để “xóa” thôn “trắng” đảng viên tại chỗ ở xã Đức Minh, theo đồng chí Trần Văn Nam, TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, địa phương tập trung xây dựng chi bộ tại các thôn chưa có đảng viên tại chỗ thật sự trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên phải tiền phong, gương mẫu. "Tập thể chi bộ phải đoàn kết, vững mạnh, đảng viên gương mẫu mới có thể trở thành địa chỉ tin cậy cho quần chúng Nhân dân” đồng chí Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động làm việc với các chức sắc, tôn giáo để nắm bắt tâm tư, trên tinh thần thấu hiểu, cởi mở, chân thành; phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đề cao những giá trị tốt đẹp của đồng bào Công giáo đối với xã hội.
Công tác vận động phải thường xuyên, liên tục, kiên trì thuyết phục kết hợp lắng nghe những nhu cầu chính đáng của quần chúng. Địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trong phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng...
Đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong vùng đồng bào Mông ở huyện Đắk Glong, huyện Đắk Glong tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong việc xây dựng TCCS đảng, phát triển đội ngũ đảng viên và cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS). Huyện thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Cán bộ, cấp ủy viên phụ trách địa bàn cần thường xuyên bám sát cơ sở, tích cực tham dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc để nắm tình hình và chỉ đạo kịp thời.
Việc tạo nguồn, tuyên truyền, giáo dục quần chúng là người Mông phấn đấu, rèn luyện để đứng vào hàng ngũ của Đảng tiếp tục được huyện chú trọng. Huyện thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài được chú trọng.
“Quy hoạch phải bảo đảm tính “mở” và “động”, bảo đảm sự hài hòa, tính kế thừa, phát triển và có sự giao thoa giữa các lớp cán bộ, nhất là cán bộ nữ, trẻ và DTTS, trong đó có cán bộ là người Mông”, đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho hay.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp và hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về Đảng. Công tác tham mưu chỉ đạo, rà soát, lựa chọn quần chúng ưu tú tham gia các lớp nhận thức về Đảng, phân công giúp đỡ tiếp tục được chú trọng.
Từng chi bộ có kế hoạch giải pháp giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên, quản lý đảng viên ở cấp mình. Các cấp, ngành quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa nghèo bền vững đối với các thôn, bon, bản đông người DTTS sinh sống. Từ đó, giữ chân, tạo động lực cho thanh niên DTTS phấn đấu vào Đảng, tham gia vào các hoạt động tại cơ sở, chung sức xây dựng địa phương phát triển.