Chính trị

Đồng chí Nguyễn Văn Linh và "Những việc cần làm ngay"

Báo Nhân Dân 24/04/2023 10:48

Ngay từ những bước đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm thấy những “căn bệnh” tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc Đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn” nên kịp thời đề xuất Những việc cần làm ngay.

bg-zone-01.jpg

Những bài báo với bút danh N.V.L trong mục này trên Báo Nhân Dân đã khơi dậy và dẫn dắt phong trào đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, lãng phí trên cả nước, trong đó báo chí là lực lượng tham gia rất tích cực. Cuộc đấu tranh này thể hiện quyết tâm của Đảng chấn chỉnh lề lối công tác, đẩy lùi tiêu cực, không cho phép bất cứ cá nhân nào, tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”.

nguyen_van_linh_nhin_thang_vao_su_that.png

Sự nghiệp Đổi mới được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI (12/1986) để đưa nền kinh tế - xã hội thoát khỏi khủng hoảng. Đất nước đang trong tình trạng khó khăn trầm trọng tưởng như không có đường ra – cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp đã kìm hãm lực lượng sản xuất xã hội trong một thời gian dài, lạm phát ở mức ba chữ số; đời sống nhân dân đặc biệt là công nhân viên chức và người lao động khó khăn thiếu thốn; nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất đều thiếu, phân phối lưu thông ách tắc, rối ren; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; các hiện tượng tiêu cực diễn ra ở nhiều ngành nhiều địa phương, có nơi nghiêm trọng...

nguyen_van_linh_dai_hoi_vi(1).png

Tình hình quốc tế đang có nhiều diễn biến bất lợi. Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối Đổi mới, nêu rõ tinh thần “cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” để xác định đúng mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng trong chặng đường trước mắt, “lấy dân làm gốc” để đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm xoay chuyển tình thế, tháo gỡ khó khăn, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng để tiến lên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu là Tổng Bí thư của Đảng, gánh vác trách nhiệm quan trọng trong bối cảnh khó khăn đó.

nguyen_van_linh_doc_bao_nhan_dan(1).png

Qua gần một năm tiến hành đường lối Đổi mới từ Đại hội Đảng VI, thực tiễn đã cho thấy việc thực hiện các quyết sách Đổi mới bị cản trở bởi rất nhiều những hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Sự trì trệ trong xã hội vẫn nặng nề có nguyên nhân từ cơ chế quan liêu, bao cấp gây ra. Những cán bộ thoái hoá biến chất, những kẻ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả... đã triệt để lợi dụng đồng thời làm trầm trọng thêm sự trì trệ đó. Đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực không phải là một công việc mới mẻ.

Tuy chúng ta đã làm công tác này từ nhiều năm, trên nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức... nhưng những hiện tượng tiêu cực không giảm mà còn tăng, đặc biệt là ở bộ phận cán bộ, đảng viên, những người có chức có quyền, ngày càng làm rối loạn đời sống kinh tế-chính trị-xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Việc thực hiện Đổi mới phải gắn liền với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tháo gỡ những ách tắc vướng mắc từ cơ chế phải đi đôi với việc kiên quyết loại trừ những kẻ đã từng lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước.

bg-zone-02(1).jpg
zone-1-img(3).png

Theo lời kể của nhà báo Hữu Thọ, hôm đó đang trực Ban Biên tập Báo Nhân Dân: Chiều chủ nhật 24/5/1987, đồng chí thường trực cơ quan Báo Nhân Dân chuyển đến Ban Biên tập một phong bì thư của “một đồng chí đứng tuổi” đưa đến và nhờ chuyển ngay cho Ban Biên tập. Trong phong bì có một bài viết và một lá thư ngắn, tất cả đều được viết tay (Lá thư đó hiện lưu tại Phòng truyền thống Báo Nhân Dân). Sau này Ban Biên tập mới biết “đồng chí đứng tuổi” đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tự tay đưa bài viết đến toà soạn.

Sáng hôm sau, ngày 25/5/1987, Báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm Những việc cần làm ngay. Tác giả ký tên N.V.L. Bài viết không dài, chưa tới 400 chữ, song đã đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng khi đó là việc tốc độ tăng giá không những không giảm mà còn tăng. Bài báo chỉ rõ “nhiều nguyên nhân bất chính”của hiện tượng này và yêu cầu:

“Trật tự của giá cả cần phải được tôn trọng. Các bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan có thẩm quyền cần tích cực lãnh đạo tốt việc này. Các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình,.v.v.) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 như đã nói trên.
Gây một luồng dư luận lên án bọn phá hoại và đừng loan truyền tin bậy của chúng. Quần chúng phải có phong trào lên án ngay cả một số cán bộ, cơ quan làm bậy.” (N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 25/5/1987).

“Những việc cần làm ngay” (bài 1)

Ngay lập tức bài báo đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Liên tiếp những ngày sau và một thời gian dài sau đó, cái tên N.V.L dần dần trở nên quen thuộc. Những việc cần làm ngay trở thành một chuyên mục trên Báo Nhân Dân được bạn đọc ưa thích, chờ đón.

Chủ đề lớn nhất, “nóng” nhất được Những việc cần làm ngay đề cập đến là chống tiêu cực. Trong những bài viết của mình, tác giả N.V.L phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu v.v của một số cán bộ có chức có quyền; phê phán việc ngăn sông cấm chợ, phê phán cơ chế bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông.

Trong những năm đầu tiên của quá trình Đổi mới, chống tiêu cực đã trở thành nhiệm vụ quan trọng để “dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng, nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng bước lên hạnh phúc, như Di chúc Bác Hồ đã dặn”(N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 10/71987); làm “cho xã hội ta đã tốt đẹp, phải tốt đẹp hơn, dân mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân” (N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 10/7/1987). Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh ngày đêm trăn trở với những vấn đề còn đang nhức nhối trong dư luận xã hội.

Qua Những việc cần làm ngay, tác giả N.V.L phê phán các hành vi xấu đang dễ gặp trong xã hội của một số cán bộ có chức có quyền: quan liêu, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng. Những việc tiêu cực đó trong xã hội người dân biết thì khá nhiều, khá lâu, nhưng người dám nói, dám đấu tranh thì ít. Viết Những việc cần làm ngay, tác giả N.V.L thế hiện quyết tâm của Đảng và mong muốn quần chúng cùng với Đảng đấu tranh đẩy lùi tiêu cực. Đồng chí cũng nhấn mạnh đây là dịp để phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng để từ đó các cấp Đảng và chính quyền đem các vụ việc đó ra xử lý về mặt Nhà nước, về mặt hành chính cũng như về mặt Đảng.

bg-zone-03(1).jpg
zone-2-img.png

Với tinh thần “lấy dân làm gốc, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, đi thẳng vào những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, lời kêu gọi chống tiêu cực của tác giả N.V.L đã mau chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng. Hằng ngày toà soạn Báo Nhân Dân nhận được nhiều thư của bạn đọc hưởng ứng Những việc cần làm ngay. Hàng chục tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đã có chỉ thị tích cực “Hưởng ứng Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực được tác giả N.V.L khởi xướng từ Báo Nhân Dân đã mau chóng trở thành một phong trào rộng lớn trong xã hội và được phản ánh trên báo chí khắp cả nước. Nhiều báo ở trung ương và địa phương như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Tuần tin tức, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Thanh niên, Tuổi trẻ...v.v, các đài phát thanh và truyền hình v.v đã tích cực hưởng ứng Những việc cần làm ngay. Trên các mặt báo thời kỳ này thường xuyên xuất hiện mục “Hưởng ứng Những việc cần làm ngay” đấu tranh chống bảo thủ, trì trệ, quan liêu, vô trách nhiệm… và biểu dương, bồi dưỡng những cái mới, những điều tốt đang nảy nở.

Những việc cần làm ngay của đồng chí Nguyễn Văn Linh nhanh chóng lan toả trong dư luận, được đông đảo nhân dân đồng tình. Sau này, đồng chí kể lại: “Ngay sau Đại hội VI tôi chủ trương khởi ra một số vụ, việc tiêu cực, viết “Những việc cần làm ngay”. Báo chí hưởng ứng đã có tác dụng tốt, tạo khí thế trong nhân dân để đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân. Phải tiếp tục phanh phui các vụ, việc và xử lý thật nghiêm” (Xem bài ghi nhanh của phóng viên Báo Nhân Dân về cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các cán bộ lão thành cách mạng - Báo Nhân Dân, ngày 6/2/1990). Đây cũng là câu trả lời xác đáng nhất cho một số ý kiến đã từng góp ý cho tác giả N.V.L sau một số bài Những việc cần làm ngay đầu tiên rằng: Những bài viết đó sẽ không được hưởng ứng; đó là những việc nhỏ không đáng làm so với những việc khác; phê bình và tự phê bình công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của cán bộ lãnh đạo... (!).

Ngày 10/7/1987, tác giả N.V.L viết về sự hưởng ứng của dư luận rộng rãi khắp cả nước với Những việc cần làm ngay:

“-Nhiều bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc nói về ngành mình, xử lý nghiêm túc và cho đăng công khai trên báo, với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng công luận cao.

- Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, cả cấp uỷ cùng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan, có khi có cả ô dù lớn che chở. Cấp uỷ, uỷ ban và các đoàn thể đã xử lý nghiêm cả về mặt đảng và đem truy tố trước pháp luật.

- Báo, đài đã nhiệt tình góp thêm những tiếng nói lành mạnh, nhắc nhở mọi người: cần đưa nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy.”

(N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 10/7/1987).

“Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần. Các báo từ Bắc chí Nam đã đưa ra nhiều vụ việc sai phạm rất lớn do quần chúng phát hiện. Nhưng sau đó phần nhiều là một sự “im lặng đáng sợ”. Mong rằng từ nay phải “đổi mới”, chấm dứt tình trạng này”

(N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 26/5/1987).

Những việc cần làm ngay và phong trào hưởng ứng Những việc cần làm ngay rộng rãi trong nhân dân được các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh kịp thời sau đó chính là những nhát búa mạnh mẽ đập vào “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo nên bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội. Đây là nhân tố môi trường xã hội quan trọng để công khai hóa, dân chủ hoá đời sống xã hội, để chống tiêu cực thắng lợi, để Đổi mới thành công, đưa đất nước thoát dần khỏi khủng hoảng và từng bước làm chuyển biến tình hình.

bg-zone-04(1).jpg

Sau này khi được hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích: Đó là “Nói và làm”. Trong câu trả lời đó đã hàm chứa nội dung đồng chí muốn nhắn gửi: Lời nói phải đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, “đánh trống bỏ dùi” hoặc nói một đằng, làm một nẻo.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu điều quan trọng nhất trong phong cách làm việc là: Nói và làm phải đi đôi với nhau, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Trong công cuộc chống tiêu cực cũng đòi hỏi những kết quả cụ thể chứ không phải là chỉ nêu ra những quyết tâm. Những quyết tâm không được thực hiện sẽ chỉ là những lời nói suông trống rỗng. Đồng chí đòi hỏi phải tạo được một phong cách mới tiến bộ khi tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân, của báo, của đài, không chỉ trên mặt trận chống tiêu cực mà trên tất cả mọi lĩnh vực khác của các hoạt động kinh tế - xã hội. Tiếp thu khuyết điểm phải gắn liền với sửa chữa kịp thời. Đây cũng là đòi hỏi của công luận với các cấp, các ngành có những vụ việc, có những cán bộ sai phạm.

Những việc cần làm ngay đề cập đến nhiều lĩnh vực xã hội. Ở lĩnh vực nào tác giả N.V.L cũng có những phát hiện mới và nêu cách giải quyết cụ thể. Các vụ việc tác giả N.V.L nêu lên đều được đồng chí yêu cầu đích danh những cơ quan chủ quản, những cơ quan có trách nhiệm, những cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết triệt để và trả lời công khai trước công luận trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong mục Những việc cần làm ngay trên Báo Nhân Dân ngày 26/5/1987, đồng chí nêu vụ kho lạnh Bến Bính (Hải Phòng) làm hỏng 360 tấn tỏi khô, gây thiệt hại hại 20 triệu đồng của Nhà nước và “Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phải điều tra và nghiêm trị những người gây ra thiệt hại này. Sau đó phải đưa tin lên báo và các cơ quan ngôn luận khác để sau này mọi cán bộ phải làm việc có trách nhiệm, đừng để xảy ra các tai hại tương tự”.

Ngày 30/5/1987, cũng trong mục Những việc cần làm ngay, đồng chí rất vui mừng vì “Vụ làm hỏng tỏi ở Kho lạnh Bến Bính đã có câu trả lời nhanh. Xin hoan nghênh việc kiểm tra kịp thời của các cơ quan có trách nhiệm”. Tác giả N.V.L còn nhấn mạnh rằng: “Trên đây chỉ là những vụ nhỏ trong rất nhiều tiêu cực đã xảy ra trong nhiều năm qua. Nhân dân cùng các cơ quan thông tin cần tiếp tục phát hiện, theo dõi để giúp đỡ pháp luật và các cơ quan có trách nhiệm điều tra xử lý nhanh chóng, chính xác, triệt để mọi vụ, việc”.

Đồng chí mong muốn mặt trận chống tiêu cực có sự tham gia hưởng ứng của các phương tiện thông tin đại chúng cũng như của đông đảo quần chúng bởi vì “Một N.V.L. hay vài N.V.L. không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước”

(N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 25/6/1987).

bg-zone-05.jpg
nguyen_van_linh_1.png

Hằng ngày, tác giả N.V.L thường đọc nhiều loại báo. Đồng chí đã nắm bắt kịp thời những thông tin, dư luận còn nóng hổi tính thời sự trên những trang báo và cũng qua những trang báo, người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó đối thoại trực tiếp và cởi mở với độc giả.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh coi báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Các nhà báo phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng gay go ác liệt này.

Nhân kỷ niệm lần thứ 62 ngày báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6/1925-21/6/1987, trong Những việc cần làm ngay đăng Báo Nhân Dân ngày 24/6/1987, đồng chí đã viết với các báo và các nhà báo về những vấn đề đang đặt ra với báo chí trong công cuộc Đổi mới. Đồng chí khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của báo chí với sự nghiệp cách mạng hôm qua và hôm nay.

Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, “Tờ báo, theo tôi, không phải chỉ là “diễn đàn của Đảng và Chính phủ và của một số cán bộ viết báo” (N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 24/6/1987).

nguyen_van_linh_2.png

Báo chí phải hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình vừa là con đường hữu hiệu đưa những chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân, vừa phải là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân, là nơi nhân dân bày tỏ ý kiến của mình với Đảng, với Nhà nước.

Văn phong báo chí nên sinh động, tránh khô khan và nên nhớ lời Bác Hồ dặn dò những người cầm bút - viết cho người ta dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Để làm được như vậy, trước hết và trên hết - theo tác giả N.V.L, các nhà báo phải có “tấm lòng”. “Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án.” (N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 24/6/1987).

Đồng chí hy vọng với truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng sẽ được các thế hệ những người làm báo Việt Nam kế tục một cách xuất sắc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Những dòng chân tình đó của tác giả N.V.L đã có tác dụng động viên báo giới tích cực hơn nữa trong cuộc đấu tranh giữ gìn kỷ cương phép nước, làm lành mạnh hoá những quan hệ xã hội đang bị những biểu hiện tiêu cực làm vẩn đục.

nguyen_van_linh_3.png

Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Văn Linh hết sức tận dụng huy động sức mạnh của báo chí. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà báo, đến thăm một số tờ báo và tạp chí: như Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản v.v.

Đồng chí nhắc nhở các nhà báo khi viết phải hết sức trung thực. Khi viết, khi nói phải có trách nhiệm, đúng mức độ, không gặp đâu nói đó, nói tràn lan. Nêu vụ việc tiêu cực phải rõ địa chỉ, tránh thổi phồng, tránh nói chung chung, không được “vơ đũa cả nắm”, không được mơ hồ lẫn lộn. Cũng không nên nghĩ trong cuộc sống hiện nay chỉ toàn những việc tiêu cực.

Các nhà báo không nên quên một sự thật khác là trong cuộc sống luôn nảy nở và ngày càng xuất hiện nhiều hơn những người tốt, việc tốt, những mô hình hay ở khắp nơi và trên các lĩnh vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Những thành tựu mà chúng ta đạt được trong những năm Đổi mới không thể tách rời việc ra đời, khẳng định và nhân lên trong cuộc sống những nhân tố mới. Theo đồng chí, vấn đề này báo chí đã bắt đầu làm, nhưng chưa sâu và chưa có hệ thống. Đời thường vẫn rất đáng yêu! Hơn nữa, về mặt phương pháp công tác, “chống” để "xây” và “xây” để “chống”, “vì chưng hay ghét cũng là hay thương” (chữ của đồng chí Nguyễn Văn Linh).

Không chỉ được dư luận nhân dân trong nước quan tâm, Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L đã có tiếng vang và nhận được sự quan tâm của bạn bè thế giới. Ngày 21/1/1988, trong Hội nghị bàn tròn các nhà báo châu Á-Thái Bình Dương, phóng viên Suzuky của báo Akahata (Nhật Bản) đã phỏng vấn: “Chúng tôi rất quan tâm đến Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L. Đảng cộng sản chúng tôi đã dịch sang tiếng Nhật và giới thiệu mấy bài của tác giả với nhân dân Nhật Bản. Nhân dân Việt Nam có phản ứng như thế nào về những bài của N.V.L ?”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh trả lời: “Tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới tình hình xã hội. Tuy đã là một nước xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng ở Việt Nam những tệ nạn xã hội vẫn còn không phải ít. Chúng tôi không dấu diếm điều đó mà nói thực với các bạn. Có những thanh niên của chúng tôi trước kia cầm súng đánh giặc là những anh hùng nhưng sau này hư hỏng đi... Trong bộ máy nhà nước cũng có một số người làm ăn không chính đáng, ăn cắp của công... Cho nên Đảng chúng tôi chủ trương phải làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước và làm lành mạnh tình hình xã hội...”

“Những bài viết của N.V.L có thể tạm gọi là bài báo cũng được, nhưng thực ra đây không phải là bài báo, chỉ là một ít câu nói trên báo gợi ý cho người ta. Và có rất nhiều báo trong nước đã hưởng ứng viết bài hoặc cổ động nhân dân, và chính trong nhân dân cũng nêu ra nhiều vụ việc. Từ đó, các cấp Đảng và chính quyền của chúng tôi đem các vụ việc đó ra xử lý về mặt Nhà nước, về mặt hành chính cũng như về mặt Đảng”. (Nguyễn Văn Linh: Trả lời các nhà báo nước ngoài, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 31, 32, 33)

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực do đồng chí Nguyễn Văn Linh phát động chỉ ngay sau thời điểm Đảng xác định con đường Đổi mới để tiến lên. Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L là “cú hích” tạo đà cho chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội theo hướng dân chủ hóa, khuyến khích báo chí tham gia ngày càng tích cực và mạnh mẽ trên mặt trận chống tiêu cực. Cuộc đấu tranh này được thực hiện với tinh thần công khai dân chủ, huy động được sức mạnh của công luận rộng rãi nên đã có những hiệu ứng xã hội to lớn, tạo được phong trào sôi nổi trong đông đảo Nhân dân.

nguyen_van_linh_4.png
Theo nhandan.vn
https://special.nhandan.vn/TBT-Nguyen-Van-Linh-va-Nhung-dieu-can-lam-ngay/index.html
Copy Link
https://special.nhandan.vn/TBT-Nguyen-Van-Linh-va-Nhung-dieu-can-lam-ngay/index.html

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đồng chí Nguyễn Văn Linh và "Những việc cần làm ngay"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO