Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kèm đáp án kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kèm đáp án là tài liệu cho giáo viên và học sinh tổ chức ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trong 4 ngày cuối tháng 6
Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024.
Cụ thể, ngày 26/6: làm thủ tục dự thi;
Ngày 27,28/6/2024: tổ chức coi thi;
Ngày 29/6/2024: dự phòng.
Thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến vào 8 giờ 00 ngày 17/7/2024.
Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024.
Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Cụ thể, về cấu trúc, định dạng và mức độ phân hóa, đề thi cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về nội dung, đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006; có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác.
Về dạng thức câu hỏi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. 14 môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.
Chi tiết đề thi tham khảo môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024
Đáp án kèm lời giải gợi ý đề thi tham khảo môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024
Phân tích đề thi
Câu 1. Thể thơ của đoạn trích: Thể thơ tự do.
Câu 2. Biện pháp tu từ được thể hiện trong những dòng thơ: Điệp ngữ (chưa từng)
Câu 3. Nội dung của những dòng thơ:
Đoạn thơ đã tái hiện hành trình của những đám mây cuối trời: gắn chặt với cuộc đời con người từ thực tế nhiều vất vả lo toan đến bao mộng mơ nhẹ nhàng.
Từ đó, đoạn thơ cũng thể hiện quan điểm khá sâu sắc của tác giả về nhân sinh: cần đón nhận mọi việc một cách nhẹ nhàng, cần xem tận cùng khó khăn hay đỉnh cao của mơ ước đều là qui luật của đời sống, như mây tán rồi lại tụ, có lúc bay thấp có lúc bay cao.
Câu 4. Rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân:
Hãy học theo những đám mây cuối trời: cứ sống thật thong thả nhẹ nhàng, không kể vị trí, không màng thân phận, vượt lên những buồn vui.
Khi sống một cuộc đời ung dung tự tại, thuận theo qui luật tự nhiên, chúng ta sẽ có được sự tự do tuyệt đối, không gì có thể ràng trói kìm hãm được, giống như những đám mây kia không bao giờ bị bó buộc bởi chân trời hay vòm trời nào.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
Thái độ sống tích cực trước thử thách rất quan trọng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải hiểu rõ về ý nghĩa của nó. Đầu tiên, thái độ này giúp mỗi người luôn có được tinh thần lạc quan và tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng khi đối diện với khó khăn. Sống tích cực chắn chắn không phải là đích đến của thành công mà nó chính là con đường dẫn chúng ta đến thành công. Tiếp đến, thái độ sống tích cực giúp chúng ta tập trung vào những mặt tốt đẹp của mọi việc, thúc đẩy ta tích cực hành động để đạt được mục tiêu của mình. Thành công của một người phần lớn tùy thuộc vào thái độ sống của họ, do vậy mà Walter Scott đã nói: "Để thành công, thái độ cũng quan trọng ngang bằng khả năng." Quan trọng nhất, sống tích cực góp phần tạo nên bản lĩnh, khiến mỗi cá nhân luôn có niềm tin vào khả năng xoay chuyển tình thế của mình khi đương đầu cùng thử thách. Không phải vô tình mà nữ văn sĩ Helen Keller đã từng nói rằng: "Vượt lên phía trước là công việc đòi hỏi lòng tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị bản thân." Quả thật, hiểu được ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách đã cho chúng ta cơ hội thay đổi bản thân, có được động lực để đối diện với cuộc sống vốn nhiều áp lực. (252 chữ)
Câu 2.
GS. Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét: "Nếu biết cất lên tiếng người, hẳn sông Hương sẽ nói rằng nó đã thực sự yên tâm khi chọn trang viết của nhà văn để hóa thân. Có lẽ chính nhà văn cũng nhận thấy, cũng hiểu niềm tin cậy đó, nên từng câu văn của ông bay bổng, diễm ảo lạ thường." Ý kiến trên quả là một đánh giá tinh tường về Ai đã đặt tên cho dòng sông?- một tác phẩm xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường- nhà văn chuyên về bút kí với văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa. Ra đời tại Huế vào đầu năm 1981, trích trong tập sách cùng tên, tác phẩm đã ghi những dấu ấn sâu sắc trong văn học nước nhà. Đặc biệt, đoạn trích "Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, …ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở."đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện giá trị đặc sắc của tác phẩm cũng như làm rõ tình cảm của nhà văn đối với sông Hương.
Nương theo thủy trình của sông Hương, bài kí đã thể hiện những phát hiện, khám phá sâu sắc và độc đáo về con sông này. Hơn thế, sau những trang văn, ta cảm nhận được cảm xúc của tác giả đối với dòng sông quê hương, với xứ Huế thân thương. Chảy trôi giữa thành phố Huế với lưu tốc rất riêng cũng như những bước chuyển bất ngờ thú vị trước khi từ biệt Huế đổ ra biển, vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích đã trở thành minh chứng cho cách viết đặc sắc của tác giả.
Đầu tiên, đoạn trích trong đề đã làm nổi bật lưu tốc đặc trưng của sông Hương khi chảy trôi giữa thành phố Huế. Nhịp chảy rất riêng này đã nhiều lần đi vào thơ ca:
"Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay"
(Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)
"Một năm bốn mùa mười hai tháng
Sông chưa trai tráng được bao giờ"
(Viết tặng sông Hương, Tố Hữu)
"Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu"
(Tạm biệt Huế, Thu Bồn)
Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhịp chảy này như trở thành một khoảng ngưng đọng của thời gian, một sự dùng dằng của không gian xứ Huế. Hơn thế trong khoảng lặng chùng chình ấy của tạo hóa, ông ngỡ sông Hương phút chốc trở thành một người tài nữ đánh đàn. Ông hình dung dường như Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này để viết ra những câu Kiều tuyệt bút. Tác giả đã dẫn ra câu chuyện của một nghệ nhân già "chơi đàn hết nửa thể kỉ" đã nhận ra trong những vần thơ Kiểu: "Trong như tiếng hạc bay qua – Đục như tiếng suối mới sa nửa vời" có âm hưởng của giai điệu bài Tứ đại cảnh. Có chăng, sông Hương đã đánh thức cảm hứng của Nguyễn Du và tấu lên những bản đàn đi suốt đời Kiều. Sông Hương trong tưởng tượng, sáng tạo của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chuyển từ vẻ đẹp của tình yêu sang vẻ đẹp của âm nhạc. Từ đó, nhà văn đã cho rằng: "toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này". Đã mấy ai hiểu rằng, phải nghe ca Huế trên sông Hương vào lúc đêm khuya mới cảm nhận được hết linh hồn của nó. Có lẽ vào những đêm khuya, trong không khí tĩnh lặng có thể nghe được cả tiếng động rất nhẹ của nhịp chèo và những giọt nước rơi, những nghệ nhân xưa, nhìn mặt nước sông Hương in bóng trăng thanh, đã cảm hứng soạn ra những bản nhạc cổ điển và cả những điệu hò mái nhì, mái đẩy để gửi lòng mình với quê hương xứ sở. Ca Huế là dòng âm nhạc riêng của sông Hương. Quả thật, đoạn trích trong đề đã khiến ta ấn tượng với vẻ đẹp độc đáo của sông Hương cũng như cái nhìn tinh tế và có chiều sâu văn hóa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Bên cạnh đó, có thể thấy những bước chuyển bất ngờ thú vị trước khi từ biệt Huế đổ ra biển của sông Hương cũng chính là điểm nổi bật mà đoạn trích trong đề đã tái hiện. Trong cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương là một người tình dịu dàng và chung thủy. Điều này được tác giả diễn tả với một phát hiện thú vị: điệu chảy chậm của sông Hương chứa đầy tình ý, đó chính là tâm tư của dòng sông sắp rời khỏi kinh thành. Nếu ở thượng nguồn, dòng sông ấy ầm ào, cuộn xoáy để mong nhanh đến gặp thành phố tương lai, gặp "người tình mong đợi" của mình, thì khi sắp rời khỏi kinh thành này, sông Hương lại trôi lững lờ trong bao nỗi ưu tư, bao niềm vương vấn. Trước hết là cái ôm thật chặt đầy lưu luyến trước khi chia li: "Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ". Nhưng đã quá nặng tình với Huế, đâu dễ dứt đi một cách dễ dàng, vậy nên "như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình". Theo tác giả, "riêng với dòng Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thật bất ngờ biết bao". Trước sự tạo tác thú vị và hữu tình của tạo hoá, cuộc chia tay giữa dòng sông Hương với Huế khiến cho tác giả cũng bất ngờ. Chính Hoàng Phủ Ngọc Tường phải thốt lên: "có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây". Cũng theo tác giả, khúc quanh tựa như một "nỗi vấn vương" và dường như còn có cả "một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu". Sông Hương trở thành cô gái đa tình mà vẫn tinh tế, có chút "lẳng lơ kín đáo" nhưng rất đỗi chung tình. Chúng ta nao nức theo những bước chân "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" của Thúy Kiều khi đến với người tình lý tưởng, ta không thể quên lời tình ngọt ngào mà nàng trao cho chàng Kim khi được hỏi về nguyên cớ quay lại tìm nhau:
"Nàng rằng khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa"
Và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví von cái phút dùng dằng trước khi về với biển cả ấy của dòng Hương là phút nàng Kiều chí tình trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề. Lời thề ấy đã vọng thành những giọng hò dân gian vang khắp dòng sông hát mãi tình yêu son sắt với quê hương xứ sở. Có thể khẳng định chính khúc quanh thú vị này đã khiến cái nhìn đầy yêu thương và thấu hiểu của tác giả về con sông trong đoạn trích thêm ấn tượng.
Đoạn tả sông Hương chảy trôi giữa thành phố Huế với lưu tốc rất riêng cũng như khúc quanh độc đáo trước khi từ biệt Huế đổ ra biển đã làm nổi bật vẻ đẹp của con sông trong sự phối cảnh hài hòa, kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế. Nhà văn đã phát huy giá trị các biện pháp tu từ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai bút pháp kể và tả, cộng hưởng ngôn ngữ giàu hình ảnh với giọng văn trữ tình, đầy cảm xúc để khiến vẻ đẹp của Hương Giang in đậm trong lòng người.
Trong đoạn trích, hiểu biết tường tận về đối tượng miêu tả và tái hiện vẻ đẹp của đối tượng ấy từ cảm nhận đa chiều chính là những biểu hiện cụ thể của tình yêu chân thành tha thiết, sự gắn bó sâu sắc của nhà văn đối với sông Hương. Sự thông thuộc đối với thủy trình của con sông kết hợp cùng những am hiểu uyên bác về văn hóa Huế đã biến những trang viết thành nơi cung cấp cho người đọc một lượng thông tin rất giá trị, góp phần làm nổi rõ bản sắc của thiên nhiên cũng như con người xứ Huế. Hơn thế, trong cách thể hiện của tác giả, sông Hương được cảm nhận tinh tế với nhiều góc độ. Cách cảm nhận bằng âm nhạc, những rung cảm của thi ca và đâu đó còn có cả cách nhìn của hội họa đã làm bật lên niềm tin trong người đọc về cái tôi tài hoa hằng hữu một trái tim nồng ấm với quê hương xứ sở.
Nhà văn Aitmatov từng nói: "Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, ở chữ cuối cùng (...). Nó thâm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động". Với tất cả sự trân quí và đồng cảm chân thành, sâu sắc, chúng ta tin đoạn trích vừa tìm hiểu trên nói riêng và tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? nói chung sẽ là một điệu hồn sống mãi, đã và đang bay đi tìm kiếm thêm nhiều điệu hồn đồng điệu.