Đắk Nông sở hữu hệ thống sông suối lớn chảy qua thuận lợi phát triển du lịch. Ảnh: Ngô Minh Phương |
Những lợi thế “mang tính đặc thù"
Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng hơn 54.470km2, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên của cả nước. Vùng đất này có đường biên giới dài hơn 600 km giáp Lào và Campuchia. Nơi đây có diện tích rừng lớn, được xem như là “mái nhà Đông Dương” có chức năng phòng hộ và là địa bàn chiến lược phòng thủ rất quan trọng.
Nói đến Tây Nguyên người ta nói đến một “ốc đảo ôn đới” với đất đỏ bazan màu mỡ, là “cái nôi” phát triển nhiều loại cây công nghiệp có tiềm năng lớn. Trên thực tế, từ sau ngày giải phóng đến nay, các loại cây công nghiệp đã phát triển nhanh chóng ở Tây Nguyên. Cà phê trở thành cây công nghiệp chủ lực ở địa bàn chiếm khoảng 90% diện tích cà phê cả nước; cao su là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ, chiếm khoảng 26%; các loại cây trồng khác cũng phát triển nhanh như hồ tiêu chiếm hơn 60%; điều chiếm 28%; sầu riêng chiếm 34%... Thời tiết Tây Nguyên thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ và năng lượng tái tạo. Trước đây, nắng, gió là khó khăn, trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội, thì nay là nguồn lợi to lớn đang được các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nhanh chóng như điện gió, điện mặt trời…
Hạ tầng giao thông dù chưa hiện đại, cả năm tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa có đường cao tốc nào nhưng đã kết nối tương đối hoàn chỉnh. Nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành như: đường Hồ Chí Minh, các cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương và Pleiku.
Đất Tây Nguyên còn hội tụ đủ cả văn hóa vật thể và phi vật thể, đậm dấu ấn thời gian và không gian. Vùng đất đậm chất sử thi này lưu giữ nền văn hóa độc đáo của người Ê Đê, Jrai, M’nông, Ba Na, Cơho, Xêđăng…. Không gian văn hóa cồng chiêng đặc sắc ở đây là một trong những biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, là nền tảng thuận lợi để Tây Nguyên có thể phát triển bằng nhiều con đường…
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh đây là vùng đất "mang tính đặc thù”. Tính đặc thù này thể hiện cả trong bản sắc văn hoá, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên, con người, vị trí địa chính trị kinh tế. Trong thời gian qua, các lợi thế đặc thù đã từng bước đưa kinh tế Tây Nguyên khởi sắc, đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, Tây Nguyên hiện nay được đánh giá là vùng nguyên liệu của các cây trồng đặc sản, đem lại các giá trị và vị trí cao trong xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu do Trung tâm Phân tích và dự báo – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy, lợi thế của Tây Nguyên đều mang tính chất tự nhiên, chưa có sự đầu tư của khoa học công nghệ, vì vậy việc khai thác các lợi thế đặc thù ở nơi đây trong thời gian qua vẫn diễn ra theo chiều rộng, chưa mang tính bền vững và chưa mang lại giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm đặc thù. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thời gian qua đang thiếu phối hợp đồng bộ và liên kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, nội vùng và ngoại vùng; đồng thời chưa tạo ra các cơ chế khuyến khích và chỉ dẫn người dân khai thác bền vững các lợi thế này, do vậy đã gây ra nhiều hệ luỵ trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Tây Nguyên…
Những hạn chế và thách thức khiến vùng đất này có nguy cơ rơi vào “bẫy lợi thế" trong phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Cho đến nay, Tây Nguyên vẫn là “điểm trũng” của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đây cũng đặt ra những thách thức đối với việc thu hút và huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này. Yêu cầu đặt ra là khai thác lợi thế đặc thù trong phát triển kinh tế phải bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng. Nó đặt ra các vấn đề về việc lựa chọn chiến lược và mô hình phát triển hợp lý trong tương lai để lợi thế đặc thù không bị khai thác tận thu, tận diệt, không bảo đảm việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời không huỷ hoại tài nguyên và di sản văn hoá, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội và an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế...
Lợi thế riêng và những “điểm nghẽn”
Ngoài những lợi thế đặc thù chung của vùng, Đắk Nông còn có những lợi thế riêng biệt. Đây là vùng đất nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ quốc lộ 14 và quốc lộ 28 thông suốt, Đắk Nông còn có khoảng 141 km đường biên giới với hai cửa khẩu thông thương sang nước bạn Campuchia. Tuy hiện nay Đắk Nông không có sân bay nhưng từ sân bay Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk và sân Bay Liên Khương của Lâm Đồng đến Đắk Nông chỉ hơn 100 km. Khi hệ thống đường cao tốc hình thành thì thời gian di chuyển 100 km đi, đến sân bay là bình thường. Nếu so với thời gian di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội hay từ sân bay Long Thành sau này về trung tâm TP. Hồ Chí Minh, có thể chênh lệch không lớn.
Đắk Nông còn được đánh giá có tài nguyên khoáng sản tiềm năng nổi trội, đặc biệt là quặng bô xít, có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Vùng đất này sở hữu hệ thống sông suối lớn chảy qua tạo nên nguồn thủy năng lớn khai thác thủy điện và phát triển du lịch. Nhiều thác nước đẹp: Cụm di tích thắng cảnh cấp quốc gia thác Đray Sáp – Gia Long, thác Trinh Nữ, thác Lưu Ly, thác Len Gun, thác Liêng Nung, thác Cô Tiên, thác Đắk G’lun, thác Đắk Búk So… Nhiều khu rừng đặc dụng với hệ động, thực vật phong phú như Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Đặc biệt, ngày 7/7/2020, UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, Đắk Nông có diện tích đất đai rộng, màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Khai thác lợi thế, sau hơn 15 năm tái lập, tỉnh Đắk Nông đã hình thành ngành công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin – nhôm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch dựa trên những lợi thế khí hậu, cảnh quan cùng với vị trí là điểm kết nối tạo đà phát triển cho những năm tới.
Thác Đray Sáp-một danh thắng đẹp để phát triển du lịch. Ảnh: Ngô Minh Phương |
Tuy nhiên, hiện tại một số “điểm nghẽn” được các nhà nghiên cứu chỉ ra trước đây vẫn chưa được khắc phục ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Trước hết, về “điểm nghẽn” quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, các cấp vẫn thiếu đồng bộ, gắn kết và còn mờ nhạt. Bài toán quy hoạch, áp dụng các mô hình sản xuất còn mang tính máy móc, rập khuôn theo khuynh hướng chung đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, sản phẩm thiếu thương hiệu và dễ bị tổn thương bởi quy luật cung - cầu của nền kinh tế thị trường. Mặt khác, khoa học và công nghệ có vai trò đòn bẩy và kết nối các nguồn lực, tuy nhiên hiện nay trình độ và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân, doanh nghiệp vẫn còn thiếu đồng bộ, hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Một số kết quả nghiên cứu chậm áp dụng vào thực tiễn, còn nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả còn thấp; cầu nối để đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất còn yếu. Các cấp, ngành của tỉnh Đắk Nông chưa thực sự quan tâm đến đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội…
Và “điểm nghẽn” trong nghiên cứu, ứng dụng và khai thác các tài nguyên văn hóa hiện đã lộ những bất cập, rất cần thêm nhưng giải pháp tiếp cận. Đắk Nông còn lúng túng trên cả hai phương diện nghiên cứu và ứng dụng. Các giá trị văn hóa và các giá trị khác chưa được xây dựng chuyển hóa thành các sản phẩm du lịch vừa mang tính đặc thù, vừa thêm tính đa dạng, phong phú. Quy hoạch du lịch còn nhiều bất cập, thu hút đầu tư còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa đồng bộ. Các sản phẩm du lịch gắn với vui chơi, giải trí nghỉ dưỡng còn ít, quy mô nhỏ, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường khu vực và toàn quốc. Hạ tầng du lịch còn yếu, dịch vụ chưa phát triển, nguồn nhân lực còn thấp…
Tuy đạt được thành công trong việc thoát khỏi diện tỉnh nghèo, đời sống Nhân dân đã được cải thiện, song trong giai đoạn 2015- 2020, tỉnh vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt; trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội... Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế yếu kém, trong đó có 3 nguyên nhân chủ quan chưa khắc phục được, đó là hiệu lực hiệu quả quản lý hành chính nhà nước; xây dựng vận dụng cơ chế chính sách; xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, then chốt là sự hạn chế về năng lực tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện của một số cấp ủy Đảng, chính quyền.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhận định nền kinh tế địa phương có dấu hiệu phát triển chậm lại, những hạn chế nội tại chưa được khắc phục, dịch Covid-19 đã, đang và tiếp tục tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, đầu tư thương mại; làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng, dịch vụ và du lịch… Trong bối cảnh đó, để Đắk Nông tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương; đồng thời phải nhận định lại thế mạnh và tìm kiếm dư địa tăng trưởng, có sự đột phá, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.