Kỳ 1: Thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều cách làm sáng tạo và nỗ lực, quyết tâm thực hiện đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là thực hiện được mục tiêu thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp là hợp phần quan trọng để hình thành chuỗi công nghiệp alumin - luyện nhôm và sau nhôm. Ảnh: Văn Biên |
Xác định các chương trình trọng điểm
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhận định, Đắk Nông vẫn còn là một tỉnh nghèo, chưa phát triển. Xác định khó khăn cũng như tiềm năng, lợi thế phát triển, Đại hội XI đề ra mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “…đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển”. Để thực hiện được mục tiêu tổng quát, Đảng bộ tỉnh xác định tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 6 chương trình, mục tiêu trọng điểm: Giữ vững ổn định chính trị - an dân; tạo sự phát triển mang tính đột phá về kinh tế; tiếp tục đầu tư và nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh chương trình phát triển nguồn nhân lực.
Đảng bộ xác định mô hình tăng trưởng của tỉnh với 3 trụ cột: Đổi mới mạnh mẽ quản lý và nâng cao trình độ, năng suất lao động; ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ; đột phá về thể chế hóa và trách nhiệm công vụ. Tỉnh luôn luôn giữ vững và tạo nền tảng là an dân, ổn định chính trị; đẩy mạnh phát triển thông tin truyền thông, giáo dục cộng đồng; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện, tạo khả năng mới khai thác nội lực, thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, tạo ra sức mạnh liên kết vùng, khu vực… Tỉnh tiếp tục kế thừa và phát triển mới “2 tập trung, 3 đột phá”…
Bước vào thực hiện các chương trình, mục tiêu, ngoài những tác động từ tình hình thế giới và trong nước, vấn đề nội tại của tỉnh đã tạo nên những khó khăn nhất định như: dân di cư ngoài kế hoạch đến tỉnh nhiều, phức tạp; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dịch bệnh Covid-19 và bạch hầu; giá cả sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giảm sâu và kéo dài; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn vốn đầu tư trung hạn từ Trung ương phân bổ thấp hơn so với dự kiến… Tuy nhiên, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Đắk Nông đã thực hiện được mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển. Quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần so với đầu nhiệm kỳ. GRDP bình quân đầu người tăng từ 38,65 triệu đồng đầu nhiệm kỳ lên 52 triệu đồng năm 2020, thoát khỏi tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp. Thu ngân sách đạt hơn 11.531 tỷ đồng tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ…
Dấu ấn từ 3 đột phá chiến lược
Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển là kết quả của việc thực hiện “3 đột phá” được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định trên ba hướng chính là chế biến sâu, tạo chuỗi giá trị của tổ hợp alumin - nhôm - sắt xốp và các sản phẩm sau nhôm; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, cũng như lĩnh vực kinh tế của tỉnh, phải kể đến sản xuất alumin. Sau 5 năm đi vào vận hành thương mại, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông đang được triển khai, xây dựng và đã hình thành định hướng chuỗi công nghiệp alumin - luyện nhôm và sau nhôm. Dự kiến, đến tháng 1/2023, dự án đưa giai đoạn 1 của nhà máy vào sản xuất, với công suất 150.000 tấn/năm và triển khai lắp đặt dây chuyền giai đoạn 2, với công suất tổng cộng 300.000 tấn/năm. Tháng 1/2025, dự án sẽ đưa dây chuyền giai đoạn 3 vào sản xuất và sản lượng nhôm từ năm 2025 đạt ổn định ở mức 450.000 tấn/năm.
Ngoài sản xuất công nghiệp, đối với lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020 cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 326.000 ha vào năm 2020, tăng 65.000 ha so với đầu giai đoạn; tổng sản lượng lương thực đạt 440.000 tấn, tăng 39.000 tấn so với đầu giai đoạn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 80/156 hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp và 250 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp từ trung bình đến khá; 365 tổ chức/doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản, 8 cơ sở chế biến nông sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 của tỉnh đạt 724 triệu USD; hình thành 23 chuỗi liên kết được cấp giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt trong nước và quốc tế với sự tham gia liên kết sản suất hoàn chỉnh theo mô hình chuỗi giá trị (sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm); 15 loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được đăng ký và cấp nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể để bảo hộ. Qua đánh giá cho thấy, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã triển khai khá đồng bộ các giải pháp từ chủ trương, định hướng, xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt, Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo thông qua các nghị quyết, chương trình, kết luận về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết…
Gia Nghĩa - thành phố trẻ nhất Việt Nam. Đây là một dấu ấn quan trọng của Đắk Nông trong giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Ngô Minh Phương |
Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, địa danh, văn hóa và con người Đắk Nông. Việc phát hiện hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô đã tạo điểm nhấn mới và là tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới.
Những kết quả đạt được đã tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển mới, đặt ra yêu cầu cao hơn thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh nhanh hơn, xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Nông hướng đến mục tiêu giàu đẹp, văn minh, nhân ái, nghĩa tình.
Giai đoạn 2016 – 2020, ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, mức tăng bình quân là 12,22%. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp năm 2020 đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016 (1.185 tỷ đồng). Cơ cấu ngành công nghiệp trong tổng GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% năm 2016 lên 12,06% vào năm 2020. Về nông nghiệp, giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồng lên 71,5 triệu đồng. Nhiệm kỳ 2015-2020, bước đầu định hướng hình thành được 5 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trên 69,5 ngàn ha cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao và 270 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |