Kinh tế

Đắk Nông khôi phục 5.000ha cây trồng sau hạn hán

Văn Tâm 15/05/2025 09:36

Mùa khô năm 2025, Đắk Nông có khoảng 5.000ha cây trồng bị hạn hán và nông dân đang tích cực phục hồi, chăm sóc để bảo đảm năng suất.

Gia đình ông Nguyễn Khắc Chinh, ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) trồng 1ha cà phê. Trong đợt nắng hạn vừa qua, thời tiết nắng nóng đã làm cho vườn cà phê bị suy yếu, nhiều cây khô cành, vàng lá.

dsc_0087(1).jpg
Bà Trần Thị Nga ở xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) tích cực chăm sóc, quản lý cỏ dại giúp vườn cà phê phục hồi sau hạn hán

Ông Chinh cho hay: “Mặc dù tôi thường xuyên thăm vườn, tích cực chăm sóc nhưng vườn cà phê vẫn bị suy yếu. Bên cạnh đó, một số loại sâu hại như sâu ăn lá, rệp sáp hại trái non cũng xuất hiện rải rác”.

Theo bà Trần Thị Nga, ở xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) thì hiện mật độ gây hại của rầy, rệp trong vườn chưa cao, nhưng thời tiết nắng nóng kết hợp mưa mùa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh.

Do vậy, bà Nga tích cực sử dụng thuốc đặc trị rầy rệp, mọt đục cành để phòng ngừa, đồng thời bổ sung thêm phân bón nhằm tăng sức đề kháng cho cây cà phê.

0cea6e1c0393bacde382(1).jpg
Việc bón phân cân đối, đúng chủng loại, giúp vườn cà phê của ông Lê Văn Cường ở xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) nhanh chóng phục hồi sau khô hạn

Gia đình ông Lê Văn Cường ở xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có hơn 1,5ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Trong những tháng khô hạn, ông Cường chú trọng chăm sóc, bổ sung các loại phân NPK mùa khô và phân bón trung, vi lượng cho vườn cây.

Ông Cường cho biết: “Sau hạn hán, tôi tiếp tục vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành khô, cành bị sâu bệnh, cải tạo đất để giúp cây cà phê và hồ tiêu sinh trưởng, phát triển trở lại”.

Theo ông Cường, việc chú trọng khâu chăm bón, nhất là thời điểm cà phê đang trong giai đoạn phục hồi sau hạn và nuôi trái là hết sức quan trọng. Bởi nếu vườn cây thiếu hụt hoặc mất cân đối dinh dưỡng, cây sẽ phát triển kém, làm giảm năng suất.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết đợt hạn hán vừa qua trên địa bàn diễn ra khá gay gắt, khiến hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng.

Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc nhằm giúp các vườn cây sinh trưởng và phát triển ổn định trở lại.

20230505_095936(1).jpg
Phun ngừa các loại sâu bệnh hại trái non cho vườn cà phê được người dân xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) chú trọng thực hiện

Để phục hồi vườn cà phê sau hạn hán, theo Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, căn cứ vào mức độ thiệt hại, nhà vườn cần áp dụng các biện pháp khôi phục phù hợp cho từng vườn cây.

Đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành cơ bản, giải pháp duy nhất là cưa đốn phục hồi. Đối với diện tích cà phê chỉ bị rụng lá, khô, vàng trái non do thiếu nước, cần tăng cường theo dõi, phòng trừ sâu bệnh như rệp vẩy xanh, rệp sáp… bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn.

Tại những vườn cà phê bị ảnh hưởng ở mức độ nhẹ và trung bình, cần tiến hành cắt tỉa cành khô càng sớm càng tốt, giúp cây tập trung nuôi các cành mang trái, hạn chế rụng trái trong những tháng tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện - Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông cho biết, bà con chỉ nên bón phân sau khi đã có một vài trận mưa lớn, đất đủ ẩm. Đối với phân lân, nên bón một lần vào đầu mùa mưa với lượng từ 500 - 800kg/ha, bằng cách rải đều trên mặt đất.

Đối với cây hồ tiêu, thời điểm này Đắk Nông đã bước vào mùa mưa, dễ bùng phát các loại sâu bệnh hại. Vì vậy, việc quản lý vườn cây là đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, vào tháng 6 thường xuất hiện các đợt nắng nóng ngắn ngày, bà con cần bổ
sung nước tưới, che nắng, tủ gốc để bảo vệ cây.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện - Chuyển giao, Trung tâm khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông

Trong những ngày đầu mùa mưa, do lượng mưa lớn và tập trung trong một số tháng, để hạn chế sự rửa trôi, bà con nên sử dụng các loại phân bón viên tổng hợp chuyên dùng cho cà phê như NPK 16-8-16-13S; NPK 16-8-18 + 7S + B2O3 + TE… với lượng khoảng 1.500 – 1.800kg/ha, chia làm 3 – 4 lần bón trong mùa mưa.

dsc_0599(1).jpg
Việc cải tạo đất, khử trùng đất bằng vôi bột đầu mùa mưa, giúp vườn cà phê của người dân xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) khống chế được nguồn nấm bệnh lây lan

“Bên cạnh đó, các nhà vườn cần bổ sung thêm phân bón lá cho cây cà phê, phun ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 15 - 20 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để cây phục hồi và hạn chế rụng quả sau thời kỳ khô hạn”, bà Thảo cho biết thêm.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đắk Nông khôi phục 5.000ha cây trồng sau hạn hán
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO