Kinh tế

Đắk Nông khát vọng và quyết tâm đạt tỉnh trung bình khá của vùng Tây Nguyên

Nguyễn Lương 10/03/2023 10:48

Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các mặt kinh tế, xã hội. Do đó, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để phát huy các tiềm năng, lợi thế đó và quyết tâm thực hiện mục tiêu trung bình khá của khu vực Tây Nguyên...

Thực trạng vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên là khu vực có vị trí kinh tế, chiến lược quan trọng của cả nước. Những năm qua, quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, góp phần vào sự phát triển của quốc gia.

Tốc độ tổng sản phẩm toàn khu vực bình quân giai đoạn 2002-2022 đạt gần 9%. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 52 triệu đồng, gấp 11 lần so với 2002.

img_9788(1).jpg
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng.

Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi du lịch liên vùng. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, thừa kế và phát huy.

Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm. Chính sách tôn giáo, dân tộc được thực hiện tốt. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân được củng cố tăng cường.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, Tây Nguyên còn những hạn chế. Tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại.

GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế, xã hội của cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp. Giảm nghèo chưa bền vững. Số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao.

Tình trạng dân di cư tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp. Đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, y tế…

Mục tiêu đến 2030 và 2045

Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Nhiều giải pháp phát triển đồng bộ về vùng đã được Đảng, Chính phủ quan tâm triển khai. Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn vùng sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ.

Hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số cơ bản hoàn thiện. Vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết cơ bản.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân, giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người toàn vùng đạt 130 triệu đồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%.

7df7d509-b04d-4c01-9f75-0d2737553d15(2).jpeg
Công nghiệp bô xít- nhôm là một trong những trụ cột để Đắk Nông đột phá giai đoạn 2020-2030

Đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Một số tỉnh nằm trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Có các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ…

Lựa chọn kịch bản của Đắk Nông

Tại Đắk Nông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

Để thực hiện mục tiêu, cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, UBND tỉnh Đắk Nông đã, đang nỗ lực nhiều giải pháp. Các chính sách phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút nhà đầu tư, giảm nghèo… đang được Đắk Nông vào cuộc quyết liệt. Trong đó, việc tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được xem là bước khởi đầu quan trọng.

Trong 3 kịch bản quy hoạch được đưa ra, Đắk Nông đã lựa chọn kịch bản 2 cho quá trình phát triển trong giai đoạn tới. Kịch bản này tương ứng với tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 9,05%.

Giai đoạn 2021-2025 là 7,88%; giai đoạn 2026-2030 là 10,21%. Đây được xem là kịch bản phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, phù hợp với tiềm năng phát triển của địa phương.

fd73803e-1a99-415f-b19a-89fffe4c59a2-1-.jpeg
Đắk Nông lựa chọn kịch bản 2, với tốc độ phát triển kinh tế 9,05% cho phát triển giai đoạn 2021-2030

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt kỳ vọng Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 sẽ nhận diện rõ hơn và đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Đặc biệt, quy hoạch đề xuất các phương án phát triển, đề xuất ngành, lĩnh vực phát triển phù hợp trên từng vùng, từng khu vực và giai đoạn phát triển. Quy hoạch đề xuất được không gian phát triển cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Khát vọng và quyết tâm vươn lên

Mục tiêu Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm Công nghiệp bô xít- nhôm và sau nhôm của quốc gia.

Tỉnh sẽ phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Đắk Nông sẽ tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện. Người dân có mức sống, thu nhập khá trong vùng Tây Nguyên.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhận định, dư địa trong phát triển của Đắk Nông rất lớn. Trong đó, phải kể đến những lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến quặng bô xít.

c5897bfb-86df-407f-b0ba-2fafa88693e0-1-1-.jpeg
Đắk Nông có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Đắk Nông kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế được nhận diện để khai thác hiệu quả tiềm năng.

Quy hoạch vẫn tập trung cho các trụ cột kinh tế chung của tỉnh đó là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch nghỉ dưỡng. Tỉnh sẽ chú trọng thêm khâu bảo đảm môi trường, năng lượng xanh, văn hoá dân tộc trong quá trình phát triển.

“Đắk Nông sẽ tập trung xây dựng hạ tầng, trước mắt là về hạ tầng giao thông và tạo được nguồn nhân lực đáp ứng trong tương lai. Tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính để các nhà đầu tư đến với Đắk Nông, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định.

Đắk Nông phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng GRDP đạt trên 10% vào năm 2025; đạt từ 15-20% vào năm 2030. GRDP bình quân đầu người đạt trên 70,58 triệu đồng vào năm 2025 và 106,39 triệu đồng vào năm 2030.

Tốc độ thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 12%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 15%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt từ 17-20%/năm.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông khát vọng và quyết tâm đạt tỉnh trung bình khá của vùng Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO