Tại thị trường trong nước, giá vàng thiết lập mốc kỷ lục mới khi vàng nhẫn đạt mức giá 94,8 - 96,1 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua - bán. Giá vàng SJC cũng ở mức kỷ lục mới 94,1 - 95,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng quốc tế phiên cuối tuần duy trì ở mức gần 3.000 USD/ounce.
Gần đây, mặc dù có nhiều yếu tố hỗ trợ như căng thẳng thương mại leo thang, USD suy yếu và các ngân hàng trung ương tích cực mua vào, nhưng giá vàng trên thị trường quốc tế chỉ dao động trong khoảng 2.800 - 2.900 USD/ounce. Do đó, mức 3.000 USD/ounce vẫn được xem là một ngưỡng tâm lý quan trọng.
Biến động đáng chú ý của giá vàng xảy ra ngay sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2/2025. Theo đó, PPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 3,7% của tháng 1 và dự báo 3,3%. Chỉ số PPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, giảm 0,1% so với tháng trước, trái ngược mức tăng 0,5% của tháng 1 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 0,3%.
Trong bối cảnh này, giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý hiện tại, tiếp nối chuỗi tăng trưởng ấn tượng từ năm 2024. Nguyên nhân là do chính sách thương mại cứng rắn của chính quyền Mỹ khiến nhà đầu tư thận trọng hơn, đẩy chỉ số S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh trong tuần này.

Ngoài ra, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, dòng vốn đổ mạnh vào quỹ ETF cùng với các dự báo lạc quan từ các tổ chức tài chính cũng góp phần thúc đẩy giá vàng. Nhiều ngân hàng và nhà đầu tư toàn cầu ngày càng tin vào triển vọng tăng giá của kim loại quý này, với các mục tiêu từng bị xem là khó đạt được. Gần đây, Tập đoàn Macquarie dự báo giá vàng có thể chạm 3.500 USD/ounce trong quý III/2025, theo Yahoo Finance.
Việc Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra tuyên bố về khả năng áp thuế nhập khẩu, dù chưa chắc thực thi, đã làm gia tăng bất ổn địa chính trị và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao. Điều này khiến lợi suất thực ở kỳ hạn ngắn giảm, tạo lực đẩy cho giá vàng ngay cả khi USD mạnh lên và khả năng Fed cắt giảm lãi suất trở nên kém chắc chắn hơn.
Các chuyên gia tại Ngân hàng BNP Paribas dự báo giá vàng có thể vượt 3.100 USD/ounce trong quý II/2025, do những rủi ro kinh tế vĩ mô gia tăng từ chính sách thuế quan của Mỹ và sự thay đổi trong quan hệ quốc tế. Tương tự, Goldman Sachs đã nâng mức dự báo giá vàng cuối năm lên 3.100 USD/ounce, cao hơn so với dự đoán trước đó là 2.890 USD/ounce.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định giá vàng có thể chịu áp lực giảm vào cuối năm, khi các yếu tố hỗ trợ thị trường dần suy yếu. Trong một chu kỳ dài, giá vàng có thể tăng trong khoảng hai năm, với biên độ 20 - 30%, nhưng mức tăng hơn 50% trong hơn một năm qua có thể khiến thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Ông Khánh cũng cảnh báo rằng thị trường vàng vẫn đang biến động mạnh và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế - chính trị toàn cầu. Việc “lướt sóng” vàng không đảm bảo lợi nhuận và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, vàng cất trữ không phải là một kênh đầu tư sinh lời, mà chủ yếu đóng vai trò như một tài sản trú ẩn an toàn.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, Fed khó có thể giảm mạnh lãi suất như kỳ vọng, khiến USD không suy yếu đáng kể. Vì vậy, dù giá vàng vẫn có thể tiếp tục tăng, nhưng biên độ sẽ không lớn như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce, nhưng khó tránh khỏi những đợt điều chỉnh.