Cải thiện môi trường đầu tư Đắk Nông vẫn chưa hết những rào cản
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Đắk Nông được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ.
Hành chính vẫn chưa thực sự thông thoáng
Mặc dù có những giải pháp tích cực, nhưng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Đắk Nông còn những rào cản. Việc thực hiện cơ chế một cửa nhiều nơi còn rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Trong tỉnh còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa một số cơ quan hành chính Nhà nước. Nhiều nơi thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các bộ phận trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Đắk Nông đã có những cải cách mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó mới chỉ dừng lại ở một số ngành, địa phương chứ chưa mang tính đồng bộ, ổn định theo một hệ thống.
“Trong quá trình triển khai công việc, doanh nghiệp vẫn vướng tại một vài bộ phận. Muốn thuận lợi, doanh nghiệp tự chạy nhiều nơi khác nhau. Trong khi, lẽ ra Đắk Nông cần phải có một đầu mối giải quyết công việc. Doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần làm việc, trao đổi với đầu mối chính là được”, ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Mê Linh khu vực Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết.
Liên quan đến rào cản trong môi trường đầu tư tại Đắk Nông, ông Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Huy Hiển, huyện Đắk R'lấp cho rằng, quan trọng nhất là chất lượng thực thi, cải thiện chất lượng thực thi. Về điều này, Đắk Nông có những cải thiện, nhưng cần nỗ lực nhiều hơn.
Ông Cường nêu ví dụ, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư được lãnh đạo tỉnh Đắk Nông chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế khi doanh nghiệp đi thực hiện thủ tục còn mất nhiều thời gian.
“Cứ liên quan đến sở này lại đẩy trách nhiệm cho sở kia. Kết quả cuối cùng nhiều doanh nghiệp vẫn phải loay hoay tự giải quyết. Doanh nghiệp mất thời gian, nhưng chưa đi đến kết quả cuối cùng”, ông Cường chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Ủy viên Ban Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, hiện nay, tính công khai, minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin cần được Đắk Nông tăng cường nhiều hơn.
“Cải thiện thủ tục hành chính về đất đai cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt ở các lĩnh vực gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Khó tiếp cận vốn
Một trong những điểm nghẽn được xem là rất lớn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đó là tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đắk Nông.
Liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Kha, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Dũng, Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút cho hay, tổng mức đầu tư của công ty hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không hề vay được một món nào ở các ngân hàng tại Đắk Nông.
“Chúng tôi muốn địa phương tạo điều kiện để có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đầu tư 100% vốn là không thể”, ông Kha khẳng định.
Bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho rằng, doanh nghiệp đang vay vốn tại ngân hàng nhưng 6 tháng phải đáo hạn.
“Hàng nhập về chưa xuất đi hết, nguồn vốn quay vòng chưa đủ lại phải lo đi đáo hạn ngân hàng. Chúng tôi mong muốn, ngân hàng xem xét nâng thời hạn cho vay, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian quay vòng vốn”, bà Dịu đề xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ nhấn mạnh, hiệp hội có trên 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, có hơn 60% doanh nghiệp hội viên đang vay vốn tại ngân hàng. Vì vậy, vấn đề quan tâm nhất hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp là nhu cầu về vốn.
“Hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo kịp thời nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Bởi rất nhiều tiêu chí, điều kiện được đưa ra từ các tổ chức tín dụng khác nhau. Các tổ chức tín dụng cần thông thoáng hơn trong thực hiện các điều kiện, thủ tục vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, ông Kỷ nhấn mạnh.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, đến hết tháng 9/2024, Đắk Nông có hơn 800 trong số khoảng 4.700 doanh nghiệp đang hoạt động vay vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với dư nợ gần 7.230 tỷ đồng; chiếm 14,61% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế tại Đắk Nông.
Vướng cơ chế, chính sách
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông, một trong những nguyên nhân khiến thu hút đầu tư của tỉnh chưa được như kỳ vọng đó là vướng quy hoạch, vướng bô xít.
Các quy hoạch ngành như: sử dụng đất, bô xít, khoáng sản, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch đô thị… hiện còn chồng chéo. Điều này dẫn đến khó khăn cho việc xây dựng thông tin các dự án để thu hút đầu tư.
“Khó khăn hiện nay vẫn là vướng quy hoạch bô xít, quy hoạch tỉnh. Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, có ý định đầu tư, nhưng mất nhiều thời gian để hoàn thành các quy hoạch liên quan”, Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh cho biết.
Chưa kể, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch chưa phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, dẫn đến khó khăn trong xúc tiến đầu tư.
Ngoài ra, hạ tầng của Đắk Nông, nhất là hạ tầng giao thông còn những hạn chế. Nhà đầu tư quan tâm, có ý định phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện các quy hoạch liên quan.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Vạn Thương (TP. Hồ Chí Minh). Lĩnh vực doanh nghiệp muốn đầu tư tại Đắk Nông liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao.
Đầu năm 2022, cả 2 dự án của đơn vị gặp vướng mắc về chính sách, nên chưa thể hoàn thiện thủ tục đầu tư. Doanh nghiệp đã làm việc với UBND tỉnh nhiều lần trong khoảng thời gian khá dài mới từng bước được tháo gỡ.
“Nỗ lực của Đắk Nông trong cải thiện môi trường đầu tư là có thật. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn vướng chính sách. Điều này gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai dự án”, ông Nguyễn Đức Lộc, đại diện Công ty Vạn Thương chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh, thu hút đầu tư tại Đắk Nông những năm gần đây có chuyển biến, nhưng không nhiều. Hiện nay, diện tích 3 loại rừng và diện tích bô xít trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Đụng vào đâu cũng vướng. Nếu như thế này, Đắk Nông không thể thu hút được các dự án đầu tư. Điều này đồng nghĩa với tỉnh rất khó phát triển.
“Nếu không sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bô xít, Đắk Nông mãi cứ lâm vào tình thế không gian để phát triển”, ông Ninh khẳng định.
Năm 2023, Đắk Nông thu hút được 16 dự án, với tổng vốn 2.500 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh phê duyệt 10 dự án, với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, giảm 3 dự án so với năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Đắk Nông chỉ thu hút được 1 dự án (không tính dự án FDI), với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 3 dự án, giảm số vốn 443 tỷ đồng.