Giải trí

2 Bài văn mẫu hay nhất phân tích tác phẩm Đám tang lão Gô-ri-ô

Hùng Cường 26/03/2024 15:35

Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm Đám tang lão Gô - ri - ô (Ban - dắc) bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 11.

I. Tìm hiểu chung tác phẩm Đám tang lão Gô - ri - ô của Ban - dắc

1. Tác giả Ban - dắc

- Hô - nê - rê - đơ Ban - dắc (1799 0 1850), xuất thân tỏng một gia đình nông dân ở tỉnh nhỏ Tua, sau gia đình ông chuyển lên Paris làm ăn.

- Ban - dắc say mê văn học, chọn con đường văn chương, trái với ý nguyện của cha muốn con theo học ngành luật.

- Năm 1821 ông bắt đầu sáng tác nhưng không thành công. Sau đó chuyển sang làm kinh doanh xong cũng thất bại.

- Nắm 1829: ông quay trở lại sáng tác và đã thành công nhờ nghị lực, tài năng, vốn sống, vốn hiểu biết phong phú của ông. Ông trở nên nổi tiếng với hàng loạt các tác phẩm trong bộ "Tấn trò đời"

– Bandăc mất đi khi sự nghiệp còn dang dở. Những dòng chữ đã vắt kiệt sức lực của ông. Ông được chôn cất tại nghĩa địa Cha Lasedo như lão Gô- ri- ô trong Tấn trò đời, không có nghi lễ quốc tang như Huy- gô. Nhưng tên tuổi của ông mãi bất tử.

2. Tác phẩm Đám tang lão Gô - ri - ô

a. Hoàn cảnh ra đời

– Được hoàn thành xong tháng 12/1834 thuộc phần Khảo cứu phong tục – Những cảnh đời tư của “Tấn trò đời”.

– Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là người cha già khốn khổ – lão Gô-ri-ô. Ngoài ra, còn có các nhân vật chính như hai cô con gái Đen -phin và A-na-xta-di, chàng thanh niên Ra-xti-nhắc.

– Tiểu thuyết này là một trong những bức tranh đen tối nhất về xã hội tư sản – quí tộc Pháp dưới thời phục hồi vương chính (1815 – 1830).

- Đoạn trích "Đám tang lão Gô - ri - ô" là phần cuối cùng của tiểu thuyết "Lão Gô - ri - ô"

b. Chủ đề

– Đồng tiền và mối quan hệ giữa cha – con nói riêng, giữa người với người nói chung trong xã hội tư sản.

– Con đường tiến thân và tham vọng cá nhân của giới thanh niên tư sản.

=> Tiểu thuyết đã phê phán xã hội tư sản, với sức mạnh của đồng tiền đã làm tha hóa nhân tính, tình người.

c. Tóm tắt

Lão Gôriô là 1 nhà buôn bột, phất lên sau Cách mạng TS & nhờ tài sản của vợ để lại. Sau 7 năm hạnh phúc, người vợ chết, để lại cho lão 2 đứa con gái bé bỏng. Lão dồn hết tình yêu đã dành cho người vợ quá cố sang 2 con, chăm sóc, nuôi nấng chúng, những mong một ngày kia chúng sẽ trở thành những phu nhân quí tộc giàu có, sang trọng & sung sướng. Nhưng đến khi trưởng thành, 2 đứa con gái đã bòn rút của cải, vắt kiệt sức lão như vắt chanh bỏ vỏ. Chúng sống bên cạnh những ông chồng giàu sang, còn lão Gôriô thì bị quăng lên gác ba ọp ẹp tồi tàn của quán trọ mụ Vôke để rồi phải trút hơi thở cuối cùng trong cảnh túng quẫn, đói rét, bệnh tật và không người thân thích.

d. Giá trị tác phẩm

- Nội dung: Chủ đề phong phú và sâu sắc

- Nghệ thuật: Phản ánh chân thực khách quan toàn diện bằng phương pháp điển hình hóa.

e. Bố cục

- Phần 1 (Từ cỗ xe đòn -> hai vị linh mục): Cái chết cô độc của Gô - ri - ô

- Phần 2 (tiếp -> năm giờ rưỡi rồi): Cảnh cầu phúc sơ sài

- Phần 3 (tiếp -> bèn bỏ đi): Cảnh đưa đám

- Phần 4 (còn lại): Hành động của Ratxtinhac

=> Bố cục hợp lí, tạo ấn tượng như thật của đám tang qua các khâu: “khâm liệm, cử hành tang lễ, đưa tang, hạ huyệt”. Mặt khác có sự cân đối giữa các phần trong đoạn trích.

dam-tang-lao-go-ri-o.png
Phân tích đoạn trích Đám tang lão Gô - ri - ô

II. Dàn ý chung phân tích đoạn trích "Đám tang lão Gô - ri - ô"

A. Mở bài

Ban-dắc là nhà văn hiện thực lớn của Pháp, được xưng tụng là “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực” (Ph. Ăng-ghen) và đâ đế lại một công trình văn học đồ sộ: bộ Tất trò dời với 97 quyển tiểu thuyết. Tác phẩm của ông là một bức tranh hiện thực rộng lớn, mô tả sự phân hóa giai cấp và những mâu thuẫn gay gắt trong xã hội tư sản Pháp vào nửa đầu thế kỉ XIX, nhất là sự ham muốn vô độ về tiền bạc đã làm khô cằn những tình cảm thiêng liêng của con người.

Một trong những tiểu thuyết thế hiện nội dung tư tưởng đó là Lão Gô-ri-ô mà mừng trang cuối cùng được diễn đạt bằng nghệ thuật độc đáo. Đó là đoạn Đám tang lão Gô-ri-ô.

B. Thân bài

* Tình tiết

- Ông Gô-ri-ô chết trong cô độc, không người thân thuộc. Trong những ngày cuối đời, ông sống bằng của bố thí thì khi chết, ông cũng được bố thí bởi những người xa lạ. Cái chết của nhân vật này như mang nặng nỗi đau của một số phận bất hạnh, thừa thãi trên đời, nhưng vẫn vang vọng lời kêu gọi tình cảm cha con vốn đã tắt từ lâu trong lòng của hai cô con gái ông.

- Hai chàng trai sinh viên tốt bụng sắp xếp tang lễ bằng những phương tiện đơn sơ, với một lễ vãn khóa chóng vánh, tại một ngôi giáo đường nhỏ dành cho kẻ khó. Cảnh chôn cất thật não lòng, không người thân thích, diễn ra trong một buổi hoàng hôn thê lương.

* Thời gian, không gian

- Thời gian được kể lại khá chính xác: Nghi lễ cử hành ở nhà thờ mất hai mươi phút rối đến sáu giờ, xác ông cụ Gô-ri-ô được hạ huyệt. Cuối cùng, thời gian như đọng lại vào lúc ngày tàn, một buổi hoàng hôn ẩm ướt...

Không gian trong truyện thuộc vùng ngoại ô buồn tẻ của Pa-ri ngày xưa. Nhà thờ Thánh Ê-chiên-Đuy-Mông là ngôi nhà thờ có thật, được xây dựng từ thế kỉ XVII, có đặt thánh tích của Nữ thánh Giơ-nơ-vie-vơ báo trợ kinh thành Pa-ri. Ngôi giáo đường nhỏ, thấp và tối cùng với nghĩa trang Cha La-se-dơ được lập ra năm 1804... Tất cả vừa thấm đậm ấn tượng như thật của truyện, vừa làm tăng thêm tính chất buồn thảm của đám tang.

-> Đoạn văn như cố tình không nhắc đến âm thanh, tiếng động. Không có tiếng bánh xe lăn trên đường dù có xe ngựa đưa tang, không nghe tiếng xẻng dù người ta đang lấp đất trên áo quan, bài thánh thi và hai bài kinh làm lễ như mất hút cả âm vang.

- Tiếng nói nhân vật cũng hiếm hoi. Ngoài lần nói ngắn giữa mụ Vô-ke và Ra-xơ-nhắc, đoạn văn còn lại hai lần đối thoại một chiều: "Đúng thế đấy, cậu G-gien ạ. Cri-xtô-phơ nói, ông cụ là người tử tế và đứng đắn, chưa bao giờ to tiếng, không hề làm hại ai và chưa từng làm điều gì nên tội”

- Nội dung câu nói của Cri-xtô-phơ gợi lên một nghịch lí đáng buồn: người càng tốt bụng bao nhiêu thì cái chết của người ấy càng bi thương bấy nhiêu.

- Lời nói làm người đọc mủi lòng trước một đám tang nghèo, không có người đưa đám, nên làm cho nhanh, qua quýt cho xong việc.

* Nhân vật

- Lão Gô-ri-ô đã chết, nhưng vẫn cứ là nhân vật trung tâm của đoạn văn trích cũng như của tác phẩm. Ông vốn là người cha thương con đến mê muội, đã trút hết tiền bạc cho hai cô con gái. Chúng chỉ yêu tiền nên ông bị chúng bỏ mặc trong tuổi già, bỏ mặc khi hấp hối và bỏ mặc lúc lìa đời. Nhân vật lão Gô-ri-ô tiêu biểu cho một người gánh chịu số phận bất hạnh trong một thời đại mà đạo đức bị đánh đổ nhanh chóng bởi lợi nhuận, đồng tiền và danh vị bề ngoài.

- Hai cô con gái của lão Gô-ri-ô cũng không xuất hiện trong đoạn này, nhưng tác giả đã ba lần nhắc đến họ:

+ Khi tẩm liệm: cái hình ảnh thuộc về một thời mà Đen-phin và A-na-xta-đi còn bé bỏng, đổng trinh, trong trắng và không biết lí sự .

+ Khi xe tang sắp chuyển bánh đến nghĩa trang thì xuất hiện hai chiếc xe có treo huy hiệu nhưng không có người ngồi, một cúa bá tước Đơ Rex tô và một của nam tước Đơ Nuy-xin-ghen: tác giả nhắc đến hai cô con gái của lão Gô-ri-ô bằng tên của chồng họ.

-> Cách nhắc lại như trên cho thấy quá trình biến chất của họ, ở cùng một thành phố mà lánh mặt cha, xấu hổ vì cha nghèo - nghèo sau khi trút sạch tiền bạc cho họ - lúc cha ốm đau, họ chẳng đoái hoài, khi cha chết, họ không có mặt. Đến khi đưa xác cụ ông về nơi an nghỉ cuối cùng, chỉ có hai chiếc xe nhưng không có người ngồi. Hình ảnh hai chiếc xe trống không tượng trưng những con tim rỗng không tình cha con, thái độ vô ơn bội nghĩa đối với người cha yêu thương họ và chưa từng làm điều gì nên tội.

- Rax-ti-nhắc là một sinh viên khoa luật, nghèo nhưng giàu lòng nhân ái.

+ Chàng hiểu rõ lòng thương con của ông Gô-ri-ô nên kính cẩn đặt lên ngực ông cụ (...) trái tim đeo linh nền vàng trong có tóc của hai cô con gái.

+ Xúc động trước một cái chết buồn thảm, chàng đã xiết chặt bàn tay Cri-xtô-phơ mà không nói nên lời.

-> Cuối cùng, khi chàng nhìn ngôi mộ và vùi xuống đấy giọt nước mắt cuối cùng của người trai trẻ thì từ mỗi xúc động thiêng liêng của một trái tim trong trắng, niềm khát vọng về tình người cao đẹp đang dạt dào dâng lên trong lòng chàng, như vút lên tận trời cao.

C. Kết bài

- Đám tang lão Gô-ri-ô được miêu tả bằng một nghệ thuật độc đáo, kể và gợi nhiều hơn tả. Nghệ thuật này còn có tác dụng khắc họa số phận bất hạnh, cái chết bi đát của nhân vật trung tâm của truyện.

- Qua đó, Ban-dắc muốn vạch rõ sự biến chất vì đồng tiền của con người trong xã hội tư sản, đúng như lời bình của chính tác giả: “Lão Gô-ri-ô, cuốn sách tuyệt vời, nhưng buồn ghê gớm là buồn, để nói lên sự thật đầy đủ, phải vạch ra cái đạo đức thối tha của Pa-ri".

III. Viết đoạn văn ngắn phân tích đoạn trích Đám tang lão Gô - ri - ô

1. Ra-xti-nhắc là nhân vật xuất hiện nhiều lần trong toàn bộ tác phẩm "Tấn trò đời" của Ban-dắc, thể hiện trọn vẹn quá trình tha hoá của con người trước xã hội kim tiền. Anh (chị) hãy nêu những cảm nhận về nhân vật này trong đoạn trích "Đám tang lão Gô-ri-ô"

Ra-xti-nhắc là nhân vật đặc biệt xuất hiện trong đám tang lão Gô-ri-ô. Đặc biệt không chỉ bởi anh không có họ hàng thân thích với người nằm xuống nhưng lại bỏ tiền làm ma cho ông. Mà còn bởi anh tham dự đám tang với mục đích hoàn toàn khác những nhân vật khác. Chàng lo cho đám tang của lão Gô-ri-ô với tấm lòng của một con người. Đây là một nhân vật tốt rất hiếm hoi trong tác phẩm của Ban-dắc. Thế nhưng lòng tốt của anh cũng không thể tồn tại lâu trong xã hội ấy. Có thể nói, khi mang lão Gô-ri-ô đi chôn cũng là lúc Ra-xti-nhắc chôn vùi đi những tình cảm đẹp đẽ nhất trong anh. Trước và trong đám tang, Ra-xti-nhắc vẫn là một người tốt, chàng là người duy nhất trong đám tang còn có cảm xúc. Chứng kiến đám tang và thái độ của hai gã đào huyệt “đã gây cho Ra-xti-nhắc một cơn bão lòng ghê gớm”. Không gian và thời gian đám tang đã kích thích thần kinh để chàng có thể vùi xuống ngôi mộ “giọt nước mắt cuối cùng của người trai trẻ...vút lên tận trời cao”. Câu văn là lời ngợi ca của tác giả đối với cảm xúc rất nhân văn. của Ra-xti-nhắc, đồng thời lại xác nhận một sự thật phũ phàng rằng tấn thảm kịch của lão Gô-ri-ô không đủ sức làm cho Ra-xti-nhắc sợ hãi xã hội thượng lưu. Bởi những giọt nước mắt ấy chính là lời tạm biệt phẩm chất Người cuối cùng của Ra-xti-nhắc trước khi anh lao mình vào chốn thượng lưu. ánh hào quang của cuộc sống xa hoa vẫn rất hấp dẫn Ra-xti-nhắc. Và đứng trước nghĩa địa, hướng về Pari hoa lệ chàng vẫn sẵn sàng thách thức và quyết tâm sẽ bước vào xã hội ấy. Chi tiết kết thúc đoạn trích và cũng là kết thúc tác phẩm đã mở ra một quá trình tha hóa mới. Một con người, một số phận Vừa bị xã hội thượng lưu huỷ hoại không dủ sức dập tắt tham vọng của kẻ khác và một cuộc huỷ diệt nhân tính mới lại bắt đầu.

2. Phân tích ngắn gọn đoạn trích Đám tang lão Gô - ri - ô của Ban - dắc

Ban-dắc(1799 - 1850) là nhà tiểu thuyết Pháp nổi tiếng, "một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực’’. Ông đã sáng tạo ra bộ “Tấn trò đời” đồ sộ, bất hủ gồm 97 tác phẩm với trên 2.000 nhân vật. Miếng da lừa (1831), Ơ-giê-ni Grăng-đé (1833), Lão Gô-ri-ô (1834), Ảo mộng tiêu tan (1937 - 1843), là những kiệt tác của Ban-dắc.

Bằng ngòi bút chân thực, cụ thể lịch sử, Ban-dắc đã xây dựng hàng loạt tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình qua bộ "Tấn trò đời", tác giả đã phê phán xã hội tư sản, ví nó như một tấn hài kịch, trong đó đồng tiền tác oai tác quái, gây ra biết bao bi kịch đau lòng.

Phân tích đoạn văn “Đám tang lão Gô-ri-ô”. Lão Gô-ri-ô xưa kia nhờ buôn bán lúa mì mà giàu có. Nhưng hai “ái nữ” của lão đã bòn rút đến đồng vàng cuối cùng. Cuối đời lão sống cô đơn, nghèo khổ trong cái quán trọ tồi tàn của mụ Vô-ke. Lão chết năm 69 tuổi. Không một thân thích. Người ta đã tháo đinh quan tài, đặt lên ngực lão “cái hình ảnh ” hai cô con gái yêu thương của lão khi chúng nó "còn bé bỏng, đồng trinh và trong trắng... ” Một chi tiết hiện thực vô cùng chua chát nói lên sự vô tình, bạc bẽo của hai đứa con gái lấy chồng giàu sang.

Chỉ có Ra -xti-nhăc và Cri-xtô-phơ (hai người cùng ở chung nơi quán trọ) với hai gã đô tùy đưa quan tài lão Gô-ri-ô đến ngôi nhà thờ Thánh Ê chiên đuy Mông. Xác chết của lão nghèo khó được đặt trước một giáo đường thấp và tối. Tang lễ sơ sài, qua quýt mất hai mươi phút với cái giá bảy mươi quan do hai vị linh mục, chú bé hát lễ và người bõ nhà thờ. Tang lễ qua quýt thế thôi, bởi lẽ “trong một thời kì mà tôn giáo không lấy gì làm giàu lắm để tẩu kinh làm phúc”. Như vậy là , Thánh đường, linh mục, tang lễ... đều được cân, đong, đếm bằng tiền.

Bọn người có mặt trong tang lễ cũng vì tiền mà đến. Cri-xtô-phơ vì "nghĩa vụ ” mà anh ta đến đưa đám, vì lão Gô-ri-ô chết "đã làm cho anh ta kiếm được mấy món tiền đãi công kha khá”.

Không có người đưa đám, lại đã năm giờ rưỡi rồi, xác chết lão Gô-ri-ô được chở nhanh đến nghĩa địa. Lúc ấy có hai chiếc xe có treo huy hiệu nhưng không có người ngồi, một của bá tước Đơ Re-xtô, và một của nam tước Đơ Nuy-xin-ghen theo sau chiếc xe tang đến nghĩa địa! Dù là con gái, nhưng nay đã trở thành một mệnh phụ phu nhân rồi, không thể đi đám ma một kẻ nghèo khó, hèn mọn! Một nét vẽ sâu sắc lên án đạo lí suy đồi, tình đời bạc bẽo!

Cảnh hạ huyệt vội vội vàng vàng. Bài kinh ngắn cầu cho kẻ xấu số do chàng sinh viên trả tiền (như một sự bố thí). Người nhà hai cô con gái và đám người nhà đạo biến ngay! Hai gã đào huyệt mới hất được vài xẻng đất xuống cho lấp chiếc áo quan thì ngẩng đầu lên đòi tiền đãi công “Ơ-gien móc túi và thấy không còn đồng nào, chàng buộc phải vay Cri-xtô-phơ hai mươi xu”. Cái món nợ này lại ghi vào sổ nợ của người xấu số ngày một thêm chồng chất! Ai sẽ trả cho lão Gô-ri-ô?

Cảnh nghĩa địa là ,ngày tàn, một buổi hoàng hôn ẩm ướt trên bầu trời có những đám mây. Trong cái khung cảnh buồn bã ấy, Ra-xti-nhắc “ não lòng ghê gớm...”, “giọt nước mắt trào ru...". Đây là giọt nước mắt duy nhất trong đám tang lão Gô-ri-ô. ra

Một đám tang của kẻ già nua, cô đơn và nghèo hèn. Số tiền làm lễ ở nhà thờ, tiền đọc kinh cầu nguyện lúc hạ huyệt, tiền đãi công phu đào huyệt, và tiền thuê đòn đám ma - bấy nhiêu khoản tiền, ai bố thí cho lão Gô-ri-ô? Cha cố và con chiên, cha và con,... tất cả đều vì tiền. Bằng những chi tiết chân thực, cụ thể, Ban-dắc đã làm hiện lên một đám tang của kẻ nghèo hèn trong cái xã hội kim tiền, tình đời đen bạc.

IV. Danh sách đề thi phân tích đoạn trích "Đám tang lão Gô - ri - ô" của Ban - dắc

1. Phân tích chi tiết đoạn trích Đám tang lão Gô - ri - ô của H.Balzac

Ông Goriô bây giờ đã chết, nằm trong quan tài, nhưng vẫn cứ là nhân vật trung tâm của đoạn trích, cũng như ông là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết. Nhà văn dùng nhiều biện pháp nghệ thuật nhằm khắc họa đậm nét số phận bi đát của ông, nạn nhân đau khổ của thói đen bạc. Chẳng phải không có dụng ý khi nhà văn kết thúc quyển tiểu thuyết về ông bằng một đám tang, đám tang của chính ông. Balzac chọn khung cảnh là một vùng ngoại ô buồn tẻ (ngày nay, cả khu vực ấy từ dãy phố, nhà thờ thánh Etienne Du Mont, đến nghĩa địa cha Lachaise đều thuộc thành nội Paris). Ông chọn thời gian vào lúc ngày tàn. Đám tang nào mà chẳng buồn, nhưng không gian, thời gian nay làm tăng thêm tính chất bi đát. Ánh sáng mờ mờ của ngôi giáo đường đã nhỏ lại thấp và tối, rồi đến quang cảnh ngày tàn với một buổi hoàng hôn ẩm ướt là thứ ánh sáng và màu sắc được chọn lựa để miêu tả đám tang. Ánh sáng và màu sắc ấy càng trở nên ảm đạm hơn khi cuối cùng xa xa về phía trung tâm thành phố đã lên đèn

Ánh đèn rực rỡ và cả âm thanh cái tổ ong rào rào là ở chỗ xa xa kia, còn nơi đây lặng lẽ đến rợn người. Nhà văn như cố tình bỏ qua không nhắc đến tiếng động: Không có tiếng xe ngựa, không có tiếng cuốc xẻng, không có âm vang những lời cầu kinh vì chúng chỉ được nhắc thoáng qua trong lời kể. Không phải ngẫu nhiên trong bài Đám tang lão Goriô nhà văn chủ yếu sử dụng ngôn ngữ gián tiếp của người kể chuyện, chỉ có ba lần lời nói trực tiếp vang lên, ba câu ngắn ngủi, ba lời đối thoại, nhưng là đối thoại một chiều, một lời của Christophe, một của vị linh mục và một của Rastisgnacs.

Christophe nói với Rastignar “Đúng thế đấy, cậu Euagene ạ. Ông cụ là người tử tế và đứng đắn, chưa bao giờ to tiếng không thể làm hại ai và chưa từng làm điều gì nên tội". Balzac đưa câu này vào đây thật đúng lúc. Nó gợi lên nghịch cảnh tâm lí. Người chết càng hiền lành tốt bụng bao nhiêu, đám tang này càng có vẻ xót xa trớ trêu bấy nhiêu. Ai mà không xúc động khi đọc đoạn trích Tình cha con? Goriô là “Chúa trời của tình phụ tử”. Ta cò thể liên hệ đoạn trích tình cha con ở đây. Lời nhận xét của Christophe không bù đắp được cái thiếu vắng của tình người là khía cạnh nhà văn đi sâu hơn khi miêu tả đám tang ông Goriô.

Vị linh mục nói: "Không có người đưa đám...". Gần đúng như thế nếu ta tạm gác sang một bên nhân vật Ratisguac. Thật mủi lòng phải chứng kiến một đám tang không có người đi đưa! Chẳng ai là người thân thích. Chỉ một nhóm người dưng đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là những nhân vật phụ, không đáng để nhà văn đặt cho một cái tên, trừ Rastisgnac và Christophe. Đi theo chiếc xe chở người xấu số từ quán trọ đến nhà thờ thánh Saint Etienne chỉ có bốn người: Rastignac, Christophe và hai gã đô tùy. Lúc hành lễ có thêm bốn người nữa là hai vị linh mục, chú bé hát lễ và người bõ nhà thờ. Khi xe chuyển bánh đến nghĩa trang có thêm hai gia nhân trên hai chiếc xe ngựa không có người ngồi của Bá tước De Restaud và của Nam tước De Nucingen, nhưng lại bớt đi người bõ nhà thờ và một vị linh mục. Tới đây có thêm hai gã đào huyệt nữa, nhưng hai gã đô tùy chắc là quay về ngay theo với xe tang không đợi chôn cất xong, song không thấy người kể chuyện nhắc đến. Nhà văn khéo bố trí để số người ít ỏi kia lại cứ vơi đi dần: Mới đầu là bọn gia nhân của hai cô con gái cùng với vị linh mục và chú bé hát lễ sau khi đọc xong bài kinh ngắn ngủi. Rồi đến hai gã hát lễ sau khi vùi xong nấm mộ, cuối cùng Christophe cùng bỏ đi nốt, để lại một mình Rastignac và chàng sinh viên cũng không đứng ở bên mộ mà được nhà văn cho đi “về phía đầu nghĩa địa”.

Như ta biết, ngòi bút hiện thực của Balzac hết sức tỉ mỉ, hầu như không bỏ qua bất cứ chi tiết nào khi kể và tả. Dường như ông sử dụng bút pháp nghệ thuật hoàn toàn ngược lại ở đoạn trích Đám tang lão Goriô. Nhà văn tránh không tả. Bạn đọc không được biết gì về nhà thờ thánh Etienne Du Mont, bên ngoài cũng như nội thất, trừ chi tiết "Một giáo đường nhỏ, thấp và tốt”. Ta cũng chẳng được biết gì về quãng đường đi và quang cảnh nghĩa trang Piere - Lachaise, không kể hình ảnh "Thành phố Paris nằm khúc khuỷu dọc hai bà sông Seine” hiện ra trước mắt chàng sinh viên Rastignac.

Nhà văn chỉ kể, mà cũng kể rất lướt, không dựng lại một cảnh nào cả, nên ta không thể hình dung nghi lễ cử hành ở nhà thờ và việc chôn cất ở nghĩa trang ra sao. Những biện pháp nghệ thuật kể trên nhằm rút ngắn càng nhiều càng tốt đoạn văn miêu tả đám tang ông Goriô, để mọi người cảm nhận ngay trên trang giấy tính chất sơ sài quá đáng của mọi thủ tục tang lễ. Nghi lễ cử hành ở nhà thờ chỉ hai mươi phút ư? Ta cảm nhận được điều đó ngay ở số dòng ngắn ngủi nhà văn dành cho thủ tục này. Đếm số dòng dành cho việc chôn cất ở nghĩa trang cũng thấy được việc làm qua quýt.

Ông Goriô là nạn nhân đau khổ của thói đời đen bạc, mà các nhân vật khác dưới ngòi bút của Balzac đều ít nhiều bị biến chất đi trong xã hội đồng tiền. Hầu như tất cả đều hành dộng bằng tiền. Một đoạn văn không dài lắm mà bao nhiêu lần nhà văn nhắc đến tiền. Christophe gắn việc làm của mình với “mấy món tiền đãi công kha khá”, các vị nhà đạo tiến hành nghi lễ xứng đáng “với giá tiến bảy mươi quan... ”, bài kinh ngắn ngủi cầu cho ông cụ ở nghĩa trang do '‘chàng sinh viên trả tiền ”, hai gã đào huyệt mới hất được vài xẻng đất thì đã “đòi tiền đãi công” khiến Rastignac móc túi không còn đồng nào, buộc phải vay Christophe “hai mươi xu”. Balzac nhìn đời qua những con người ấy có đen tối quá không?

Hai con gái của Goriot không được nhà văn cho xuất hiện ở mấy trang cuối cùng của tiểu thuyết này, nhưng lại không thể không nói đến. Balzac ba lần nhắc đến họ khi thi hài của người quá cố sắp được chuyển bánh đến nhà thờ: "... cái hình ảnh thuộc về một thời mà Delphine và Anastasie còn bé bỏng, đồng trinh và trong trắng...”, ở trong nhà thờ, chàng sinh viên đã "hoài công tìm hai cô con gái...” khi xe tang sắp chuyển bánh đến nghĩa trang "... thì xuất hiện hai chiếc xe có treo huy hiệu nhưng không có người ngồi, một của Bá tước De Restaud và một của Nam tước De Nucingen. Lần đầu gợi về quá khứ, hai lần sau nhắc đến hiện tại: Thoạt tiên, người kể chuyện gọi họ bằng tên thời con gái Delphine và Anastasie. Cuối cùng, người kể chuyện thay bằng tên các đức ông chồng, Bá tước De Restaud và Nam tước De Nucingen.

Ý đồ nghệ thuật của nhà văn bộc lộ rõ ràng qua cách bố trí và sử dụng ngôn ngữ như trên. Nó gợi cho ta thấy được quá trình biến chất của những đứa con ấy. Mà nguyên nhân sâu xa là của xã hội thượng lưu. Chồng của cô chị là một nhà quý tộc, chồng của cô em là một chủ ngân hàng. Địa vị phu nhân và vợ của chủ ngân hàng giết chết Anastasie và Delphine trong tâm hồn họ. Thật bi đát cho người cha Goriot những đứa con như vậy. Ở cùng thành phố mà lánh mặt cha lúc cha còn sống. Xấu hổ vì cha nghèo; lúc cha ốm đau không đến thăm vì còn mãi những thú vui riêng khi cha chết không có mặt. Và đến bây giờ không đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng. Mà đấy là người cha thương con rất mực và “chưa làm điều gì nên tội”.

Chi tiết hai chiếc xe có huy hiệu mà không có người ngồi là hình ảnh rất đạt nhà văn đưa vào đám tang này. Nó vừa là sự có mặt vừa là sự vắng mặt của hai vợ chồng De Restaud và De Nucingen, nhưng chủ yếu là của hai bà vợ. Vắng mặt thật và có mặt giả. Nó gợi nhớ cho những ai quên là ông Goriot có hai cô con gái kia. Nó tăng thêm cho tính chất bi đát cho số phận và đám tang của người cha bất hạnh. Nếu không có hai chiếc xe ấy, chắc linh hồn người xấu số nằm trong quan tài kia đã đau đớn hơn nếu linh hồn vẫn tồn tại. Và những người chứng kiến đám tang ấy hay chúng ta dọc đến đoạn này đỡ xót xa hơn. Thời gian sẽ làm cho người đọc quên đi nhiều chi tiết trong tiếu thuyết Lão Goriô, thậm chí quên cả tên hai cô con gái. Nhưng chắc người ta sẽ nhớ mãi hình ảnh hai chiếc xe không!

Cùng với Goriô, chàng sinh viên Rastignac là nhân vật chính xuyên suốt tiểu thuyết và cùng có mặt từ đâu đến cuối đoạn trích Đám tang lão Goriô. Thái độ của Balzac đối với các nhân vật đã phân tích trên kia toát lên qua ngôn từ của người kể chuyện bao gồm nội dung kể và cả những lời bình kèm theo. Nếu không có mấy chữ "làm cho anh ta kiếm được mấy món tiền đãi công kha khá” thì Christophe gây được thiện cảm nhiều hơn với chúng ta, nhất là lời tình yêu nhận xét về người quá cố. Người kể chuyện nhấn vào chi tiết hai vị linh mục đến chậm để mọi người phải cố chờ đợi ( “trong khi chờ hai vị linh mục... ") sau đó lại giục giã đi nhanh để khỏi chậm trễ... Người kể chuyện còn bình thêm một câu chua chát: “Họ tiến hành tất cả nghi lễ xứng dáng bảy mươi quan trong một thời kì mà tôn giáo không lấy gì làm giàu lắm để cầu kinh làm phúc nghĩa là chi vẻn vẹn hai mươi phút ở nhà thờ. Còn bài kinh ngắn ngủi nơi nghĩa trang chắc phải tính riêng vì có mấy chữ: “do chàng sinh viên trả tiền”.

Trái lại, nhìn chung, nhà văn tỏ ra có thiện cảm với Rastignac, và truyền được tình cảm ấy đến người đọc. Ta xúc động về tấm lòng của chàng với ông Goriô, về cái nghẹn ngào của chàng " xiết chặt bàn tay Christophe mà không nói nên lời”, về giọt nước mắt của chàng như được thăng hoa qua lời bình của người kề chuyện: "Giọt nước mắt trào ra vì những nỗi xúc động thiêng liêng của một trái tim trong trắng, cái thứ nước mắt rơi xuống mặt đất rồi từ đó lại vút lên đến tận trời cao”.

Song đấy lại là “giọt nước mắt cuối cùng của người trai trẻ”. Nhà văn muốn xây dựng Rastignac thành một nhân vật cũng bị biến chất đi trong xã hội tôn thờ tiền tài và danh vọng. Giọt nước mắt đánh dấu bước ngoặt quá trình phát triển tính cách của chàng, trở thành cái mốc phân chia hai giai đoạn của cuộc đời chàng. Những điều chứng kiến đau lòng về thói đen đời bạc không làm cho chàng rút ra bài học đúng đắn về cách xử thế, mà lại là bài học vứt bỏ đi bản chất tốt đẹp của mình.

Mầm mống của sự chuyển biến tính cách thực ra đã có từ lâu. nhưng bây giờ mới là thời điểm quyết định. Vẫn đôi mắt thôi nhưng lúc này là “giọt nước mắt trào ra...” còn bây giờ là cái nhìn “gần như thèm thuồng” vào cái nơi tập trung của xã hội thượng lưu, cái nhìn "như trút nước mật của nó". Ngôn từ của người kể chuyện bắt đầu chuyển sang giọng phê phán.

Dưới ngòi bút của Balzac, cái khoảng thàh phố Paris giữa cột đồng trụ của quảng trường Vendôme và đỉnh mái tròn điện Invalides vừa là khung cảnh hiện thực, nơi sinh hoạt của những kẻ giàu sang thời đó, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho xã hội thượng lưu nói chung, Rastigiiac nhân cách hóa nó, hình dung nó như một đó vật mà anh phải chiến thắng. Không phải ngẫu nhiên nhà văn viết hoa từ Xã Hội ở câu cuối cùng.

Đám tang lão Goriô kết thúc quyển tiểu thuyết này, khép lại cuộc đời ông Goriô, nhưng nó lại mở ra với cuộc đời của Rastignac. Ta biết rằng sang những tiểu thuyết khác, nhà văn để cho nhân vật đó ngày càng leo cao trên nấc thang danh vọng, nhưng chẳng còn đâu tâm hồn trong tráng của chàng sinh viên nghèo ngụ tại quán trọ của bà Vauquer ngày xưa.

2. Phân tích mối quan hệ tình người bạc bẽo trong đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô (trích tiểu thuyết Lão Gô-ri-ô của H. Ban-dắc).

Đánh giá về Ban-dắc, Ăng- ghen từng cho rằng ông là "một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực". Bộ Tấn trò đời là một minh chứng, trong đó có các tiểu thuyết Lão Gô-ri-ô, Miếng da lừa, ơ-giê-ni Grăng-đê.... Lão Gô-ri-ô là tiểu thuyết hiện thực phê phán cái xã hội đồng tiền tác oai, tác quái tình người bạc bẽo. Đám tang lão Gô-ri-ô là một trích đoạn trong tiểu thuyết Lão Gô-ri-ô thể hiện một quan hệ tình người bạc bẽo ấy.

Vốn là một thương gia giàu có, song vì hai cô con gái bòn rút hết của cải. Lão Gô- ri-ô phải ra ở quán trọ. Yêu con, thương con là thế, vậy mà cho đến lúc chết người tiễn đưa ông về nơi chín suối không phải hai cô con gái. Đó là chàng sinh viên nghèo Ra-xti-nhắc, người láng giềng của ông trong quán trọ của bà Vô-ke.

Với ngòi bút hiện thực sắc sảo, Ban-dắc đã khắc hoạ chân thực đám tang cua Gô-ri-ô, chỉ có Ra-xti-nhắc và Gi-xtô-phơ một gia nhân trong quán trọ và hai nhân viên của sở xe đến đám ma. Toàn là những người xa lạ, những người không máu mủ ruột rà, không quan hệ huyết thống. Bên linh cữu của người chết không thấy chút bóng dáng của tình thân. Lão Gô-ri-ô đâu phải người tứ cố vô thân, không người ruột thịt. Lão có hai cô con gái lấy chồng là Bì tước và Nam tước đấy chứ. Nhưng trong những giây phút cuối đời, người cha không được một tiếng khóc gọi cha của con, không một nén nhang hay sự quan tâm lo hậu sự. Hai đứa con bất hiếu đã không nhớ rằng mình còn có một người cha. Người đã cho chúng hình hài và cuộc sống ấm êm, người đã luôn yêu thương lo lắng cho chúng. Họ đã "cố tình" quên đi một người cha nghèo khổ, khánh kiệt trong lúc cuối đời. Ấy vậy mà con người xấu số ấy trong lúc hấp hối vẫn nhớ đến "cái hình ảnh thuộc về thời mà Đen-phin và A-na-xti-di còn bé bỏng, đồng trinh, trong trắng và không biết lí sự", hẳn người chết cũng cảm thấy đau lòng lắm, lạnh lẽo lắm. Lạnh lẽo hơn những đám ma khác: ta thường thấy. Những đám tang ma thì chẳng bao giờ vui, điều đó là hiển nhiên. Nhưng đám tang lão Gô-ri-ô thì quả là cho người đọc cảm thấy xót xa. Ngòi bút hiện thực của Ban dắc đã rất thành công trong việc khắc hoạ quang cảnh ấy. "Xác chết được đặt trước một giáo đường nhỏ, thấp và tối, quanh đó chàng sinh viên đã hoài công tìm hai cô gái hoặc chồng họ".

Đến phút cuối cùng của cuộc đời một con người đã không khó được chút tình thân máu mủ, tưởng rằng những người đưa tên lão Gô-ri-ô sẽ cho lão được chút ít tình ngưòi. Nhưng than ôi, giữa cái xã hội mà đồng tiến lên ngôi chiếm vị trí tối cao thì một chút tình thôi cũng không có. Có còn chăng đó là lòng nhân hậu của Ra-xti-nhắc khi chàng nghĩ phải có "bổn phận làm những nghĩa vụ cuối cùng đối với một người đã làm cho anh kiếm được mấy món tiền đãi công kha khá. Cũng chỉ vì sự trả ơn thôi nhưng nó còn vương vấn một cái gì đó không phải do đồng tiền chi phối. Những thành viên khác trong đám tang: hai vị linh mục, chú bé hát lễ và người bỏ đi đến, họ tiến hành tất cả những nghi lễ dành cho một đám tang chỉ để "xứng đáng với giá tiền bảy mươi quan trọng một thời kì mà tôn giáo không lấy gì làm giàu lắm để cầu kinh làm phúc".

Hiện thực xã hội trớ trêu, ngay cả những đấng tối linh thiêng như chúa và kinh thánh của người củng bị đem ra làm phương tiện để kiếm sống. Họ làm tất cả chỉ vì nghĩa vụ và vì họ cần tiền để sống: đám tang hiện rõ trước mắt người đọc một cảm giác ớn lạnh và ghê rợn làm cho người ta phải rợn tóc gáy. Mối quan hệ giữa người với người vốn đã mong manh thì giờ lại càng mong manh hơn.

Nhưng đó mới chỉ là quan hệ của những người trung lưu và hạ lưu. Nó mong manh lạnh lẽo vì hiện thực cuộc sống quả khốn khó, vì họ cũng chỉ là những người xa lạ, người dưng nước lã. Những thực thể xã hội đơn lẻ và cô độc. Họ tồn tại song song bên nhau không một ràng buộc nào dù chỉ là ràng buộc giữa những kẻ được gọi chung là con người. Những người bên ngoài thế giới ấy, trong giới thượng lưu tư sản thì sao? Những cô con gái, những Bá tước Nam tước, con rể của lão Gô-ri-ô, họ ở đâu khi lão chết? Họ đang mài miệt vùi mình trong cái thế giới thượng lưu của những kẻ tư sản lắm tiền. Quả đúng là thời đại kim tiền- thời đại xã hội Pháp lúc bấy giờ. Thì cứ nhìn đám tang của lão Gô-ri-ô ấy là thế thôi. Giữa lúc xác của lão được đặt lên xe tang thì "hai chiếc xe có treo huy hiệu" xuất hiện, nhưng lại không có người ngồi. Hai chiếc xe, một của Bá tước Đơ Rex-to và một của Nam tước Đo Nuy- xin-ghen theo sau toán xe tang đến nghĩa địa. Không thấy bóng dáng con gái và con rể của lão, chỉ có đám gia nhân của hai cô con gái lão, thay mặt chủ của họ đến tiễn đưa lão về nơi an nghỉ cuối cùng. Xem như là sự báo hiếu với người cha xấu số. Vừa là để cho thiên hạ đỡ chê cười, vừa là để tự khoe uy thế quyền lực của mình, rằng đó là những người quyền quý. Sự báo hiếu này vừa lố bịch vừa đau xót. Lấy cái có để nói cái không. Lấy cái huy hoàng quyền quý bên ngoài để chỉ cái rỗng tuếch bên trong. Sự bạc bẽo trong mối quan hệ giữa người với người được đẩy lên đến đỉnh điểm. Đỉnh điểm của sự lố bịch và chua xót. Một chút an ủi cuối cùng dành cho người đàn ông xấu số cũng đã không còn. "Bài kinh ngắn ngủi do chàng sinh viên trả tiền, vừa đọc xong là bọn họ cùng đám người nhà đạo biến ngay. Khi hai gã đào huyệt đã hất được vài xẻng đất xuống che lấp được chiếc áo quan thì chúng ngẩng lên và một gã đòi Ra-xti-nhắc tiền công". Họ chỉ làm qua loa đại khái, sao cho xứng đáng vói số tiền công nhận được. Thật nực cười và cũng thật đau xót. Một xã hội tàn tạ và không có tình người. Ở đó chỉ có đồng tiền là ngự trị. Một chút tình. thân máu mủ cũng không có. Mọi quan hệ đều được đem lên bàn cân và quy đổi bằng tiền. Đó phải chăng là một góc hiện thực của xã hội tư sản mà Ban-dắc đã góp nhặt? Và "cơn não lòng nghê gớm" của Ra-xti-nhắc phải chăng cũng là cơn não lòng của nhà văn? Ngày tàn, một buổi hoàng hôn ẩm ướt phải chăng cũng là dấu hiệu của một xã hội sắp sụp đổ với một nỗi xúc động thiêng liêng chàng trai trẻ Ra-xti-nhắc đã vùi xuống bên ngôi mộ, giọt nước mắt cuối cùng của một trái tim trong trắng. "Cái thứ nước mắt rơi xuống mặt đất rồi lại vút lên đến tận trời cao" ấy chứa đựng điều gì trong nó? Trong hình ảnh của Ra- xti-nhắc chàng sinh viên nghèo hình như có chứa cả dáng dấp của nhà văn. Thành phố Pa-ri hoa lệ với những ánh đèn lấp lánh dường như mời gọi bước chân chàng. Bước vào đó để rồi được gì và mất gì? Câu hỏi đó khi nào chúng ta mới trả lời được?

Thế nhưng có một điều hẳn mọi độc giả đều nhận thấy rằng trong xã hội lấp kín ánh đèn ấy không có tình thân. Ở đó mối quan hệ giữa người với người trở nên bạc bẽo hơn bao giờ hết Và ta tự hỏi mình: còn bao nhiêu con người sẽ tự bán rẻ mình vì tiền bạc, địa vị? Có bao nhiêu người sẵn sàng vứt bỏ máu mủ ruột thịt? Có bao nhiêu người phải ra đi như lão Gô-ri-ô? Và liệu cuộc đời này còn có gì đáng để ta trân trọng? Đó phải chăng cũng là bức thông điệp mà nhà văn muốn nhắn gửi cho những thế hệ bạn đọc?

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        2 Bài văn mẫu hay nhất phân tích tác phẩm Đám tang lão Gô-ri-ô
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO