Yêu cầu phát triển cơ sở sơ chế, chế biến nông sản

Thanh Nga| 16/02/2022 09:27

Đắk Nông có nhiều loại nông sản có giá trị như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, cây ăn trái, rau củ quả… Tuy nhiên khâu sơ chế, chế biến sâu sau thu hoạch các loại nông sản này vẫn đang là khâu yếu.

ADQuảng cáo

Những năm qua, nông sản luôn đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Riêng năm 2021, nông sản chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trên địa bàn Đắk Nông hiện có khoảng 800 HTX, tổ hợp tác, cơ sở tư nhân, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTTN  tỉnh, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sơ chế, chế biến nông sản đều ở quy mô nhỏ, công nghệ hạn chế.

Nhiều sản phẩm nông sản chưa đăng ký nhãn hiệu, cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng trong nước cũng như quốc tế. Nông sản của tỉnh chưa tạo được sự gắn kết bền vững với thị trường đầu ra, sản phẩm sản xuất phải tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian, thiếu đối tác bền vững.

Nhiều loại sản phẩm nông sản của Đắk Nông đã tìm được chỗ đứng trên thị trường

Những năm qua, các chủ trương phần lớn tập trung nhiều cho khâu sản xuất. Còn đối với khâu chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản chưa được chú trọng. Do đó, giá trị sản phẩm nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Từ thực tế này, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 15 về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, đáp ứng chuỗi liên kết giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển mới từ 3-4 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản lớn theo hướng chuyên sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh có từ 10 doanh nghiệp trở lên đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cấp, ứng dụng công nghệ cho ít nhất 50% số cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản hiện có.

Chương trình 15 của Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cũng theo bà Nguyễn Thị Tình, các chương trình, đề án của tỉnh hiện nay đều hướng tới thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, trái cây...

Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chủ động mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực nông sản. Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu đãi về đất đai, thuế và sẵn sàng hợp tác làm việc khi doanh nghiệp yêu cầu, kể cả ngày nghỉ.

"Để có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp, mỗi lĩnh vực trồng trọt cần kêu gọi được vài nhà máy sơ chế, chế biến tại chỗ theo hướng chuyên sâu để gia tăng giá trị sản phẩm. Xu hướng của tỉnh là xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu để thuận lợi cho người dân, giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định", bà Tình chia sẻ. 

Đắk Nông có nhiều lợi thế phát triển nông sản, nhưng khâu chế biến còn yếu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, hiện nay, một số HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã hình thành chuỗi liên kết, được cấp chứng nhận thực hành sản xuất tốt; có đăng ký và được cấp nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể để bảo hộ trong nước và quốc tế.

Điều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng có sự thay đổi theo xu thế hiện đại, toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của tỉnh vẫn chưa thực sự có "tên tuổi" trên thị trường.

Do đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết thì mới đứng vững trên thị trường trong nước, xuất khẩu và có giá trị cao. Các loại nông sản đều phải có đăng ký sử dụng, có mã số, mã vạch, thẻ, tem truy xuất nguồn gốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu phát triển cơ sở sơ chế, chế biến nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO