Yêu cầu cấp bách về tài chính khí hậu

TƯỜNG VY| 23/02/2024 06:43

Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber mới đây nhấn mạnh, thế giới cần chi hàng nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết sự nóng lên toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bấp bênh, việc chia sẻ tài chính ngày càng trở nên khó khăn với mọi quốc gia nhưng đây vẫn là trách nhiệm không thể thoái thác để bảo vệ hành tinh xanh.

Tài chính là chủ đề được quan tâm thảo luận tại các hội nghị lớn, nhỏ về khí hậu những năm qua. Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch Hội nghị COP28 Sultan Al Jaber ca ngợi những tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc về khí hậu hồi năm ngoái ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), khi các nước đồng ý tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Tuy nhiên, theo ông Sultan Al Jaber, thỏa thuận của các nước vẫn thiếu những chi tiết quan trọng, trong đó có vấn đề tài trợ, và đây sẽ là "gánh nặng" đối với Hội nghị COP29 năm nay tại Azerbaijan.

Các chuyên gia cho rằng, khoản tài trợ được thống nhất sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các chính phủ tăng cường mục tiêu khử carbon. Bởi vậy, có nhiều ý kiến kỳ vọng về những bước đột phá liên quan đến tài chính khí hậu trong năm nay. Theo Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên Azerbaijan Mukhtar Babayev, nhiệm vụ chính của Hội nghị COP29 diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới sẽ là nhất trí về mục tiêu toàn cầu mới trong hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển.

Tại Hội nghị COP27 diễn ra ở Ai Cập vào năm 2022, các bên đã ký kết thỏa thuận lịch sử về thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại, với mục đích hỗ trợ chi phí thiệt hại mà các nước đang phát triển phải hứng chịu do các thảm họa tự nhiên. Hội nghị COP28 ở UAE cũng đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa. Một trong số đó là việc chính thức khởi động Quỹ tổn thất và thiệt hại, tạo đà giải quyết bài toán tài chính khí hậu. Điều này cho thấy, vấn đề tài chính của các nước đang phát triển đã nhận được sự quan tâm cao độ trong các chương trình nghị sự.

Trách nhiệm chung của thế giới trong hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu là không thể phủ nhận. Theo giới chuyên gia, là châu lục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu nhưng châu Phi chỉ nhận được khoảng 3% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu. Bà Rachel Cleetus, Giám đốc chính sách của Chương trình Khí hậu và Năng lượng tại tổ chức Union of Concerned Scientists cho rằng các cam kết tài chính khí hậu ban đầu của các nước phải là "hàng tỷ USD chứ không phải hàng triệu USD", sau đó cần có kế hoạch mở rộng quy mô đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng về tài chính khí hậu. Trên thực tế, việc thực hiện các cam kết tài trợ đang đối mặt thách thức, bởi các nước giàu cũng đang xoay xở với khó khăn kinh tế, trong khi nhu cầu tài chính của các nước nghèo gia tăng. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoản tài chính thường niên mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu trong thập niên này đã tăng lên. Bão, lũ, lụt, thời tiết khắc nghiệt... trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, kéo theo chi phí ứng phó cũng cao hơn.

Theo giới chuyên gia, để huy động tài chính, cần phải cải cách các thể chế tài chính quốc tế, phát triển thị trường carbon và khuyến khích đầu tư tư nhân. Báo cáo về ổn định tài chính toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, đến năm 2030, những nền kinh tế đang phát triển cần khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm để đạt được mục tiêu khí hậu. IMF cho rằng lĩnh vực tư nhân sẽ phải là nguồn cung cấp khoảng 80% mức đầu tư nêu trên.

Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell đã nhấn mạnh: Mọi nỗ lực về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hay bảo vệ cộng đồng khỏi tác động của biến đổi khí hậu đều cần sự đầu tư đáng kể về tài chính. Tình hình khí hậu năm 2024 được dự báo còn tồi tệ hơn năm 2023 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Bởi vậy, thế giới cần hành động quyết liệt hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên toàn cầu cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà trong đó cần phải giải quyết sớm vấn đề về trách nhiệm tài chính.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/yeu-cau-cap-bach-ve-tai-chinh-khi-hau-post797199.html
Copy Link
https://nhandan.vn/yeu-cau-cap-bach-ve-tai-chinh-khi-hau-post797199.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Yêu cầu cấp bách về tài chính khí hậu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO