Y tế - Sức khỏe

Y tế cơ sở dọn từng đống rác để phòng, chống dịch

Ngô Đồng 19/07/2024 10:30

Trong những ngày dịch sốt xuất huyết thể Dengue (SXHD) diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cơ sở ở các địa phương tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch.

Đi từ mờ sáng

Cùng với đội ngũ nhân viên y tế của Trạm Y tế phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, chúng tôi có mặt tại các tổ dân phố 3 và 4, phường Nghĩa Trung ngay từ mờ sáng để phun hóa chất diệt loăng quăng ở các hộ gia đình.

_dsc0492.jpg
Y tế cơ sở hướng dẫn người dân lật úp các vật dụng chưa nước nhằm hạn chế làm nơi cho muỗi sinh sản

Theo chị Đinh Thị Quyên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nghĩa Trung sở dĩ phải đi từ mờ sáng vì theo hướng dẫn chuyên môn và kinh nghiệm phòng, chống dịch SXHD, hoạt động phun thuốc phải vào lúc trời chưa có nắng mới đạt hiệu quả cao trong việc diệt loăng quăng. Đi sớm, lúc người dân chưa ra khỏi nhà mới có thể gặp, vận động, thuyết phục bà con tạo điều kiện cho nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Chị Quyên cho biết thêm, qua thực tế chống dịch ở cơ sở mới thấy, cho dù dịch SXHD đang bùng phát, lan rộng nhưng nhiều người dân vẫn còn thờ ơ, xem như là việc của y tế chứ không phải việc của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân nhiều ổ dịch được xử lý theo quy định nhưng hoạt động diệt loăng quăng của các hộ gia đình tại các ổ dịch SXHD chưa đạt yêu cầu, một số chỉ số vẫn còn cao. Điển hình, sau đợt xử lý ổ dịch trên diện rộng ở TP. Gia Nghĩa, qua giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên vào đầu tháng 7 mới đây, tại các tổ dân phố 3 và 4, phường Nghĩa Trung vẫn còn phát hiện ổ loăng quăng, với chỉ số vượt ngưỡng cảnh báo, nên trạm vẫn tiếp tục triển khai phun thuốc.

_dsc0242.jpg
Động viên đội ngũ cộng tác viên trước khi đi phun hóa chất tiêu diệt muỗi

“Đi chống dịch mà chúng tôi thường nói đùa nhau là sắp thành công nhân dọn dẹp vệ sinh rồi, luôn phải miệng nói tay làm, dọn từng đống rác, chai lọ, chum vỡ mà bà con vứt bỏ lung tung quanh nhà. Bởi vì, các dụng cụ là nơi loăng quăng sản sinh, ẩn chứa bao mầm họa SXHD mà bà con lâu nay ít quan tâm, cứ tưởng nó là vô hại”, chị Quyên tâm sự.

T3 1
Phun xịt khói cũng là một cách tiêu diệt muỗi

Bà Lê Thị Hồng, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung cho biết: "Mấy tuần nay, tôi thấy các cô, các chú ở Trạm y tế phường luôn có mặt tại địa bàn, hết phun thuốc, hỏi han tình hình, lấy thông tin, hướng dẫn, thậm chí lao vào cùng với bà con dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà. Bà con thấy vậy nên ý thức và góp sức cùng với y tế phòng, chống dịch SXHD, vì sức khỏe chung của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng.

Tương tự, cán bộ, nhân viên y tế Trạm Y tế phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa trong những ngày này tất bật với hoạt động phòng, chống dịch SXHD khi địa bàn xuất hiện một số ổ dịch.

nguyen.jpg
Đồ hoạ Nguyễn Hiền XB

Chị Bùi Thị Thu Nguyên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quảng Thành cho hay: "Từng trải qua thời kỳ chống dịch Covid-19, nên cán bộ, nhân viên y tế chúng tôi đã quá quen với cảnh đi sớm về khuya rồi. Điều quan trọng nhất là làm sao người dân nâng cao ý thức, hiểu rõ mối nguy hiểm của bệnh dịch thì công tác phòng, chống dịch SXHD mới có thể thành công. Vì vậy, với vai trò của tuyến y tế cơ sở gần dân nhất, trạm luôn quán triệt cán bộ, nhân viên, bên cạnh các hoạt động chuyên môn thuần túy thì cần phải bám sát địa bàn vừa chống dịch vừa đẩy mạnh tuyên truyền theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho bà con hiểu rõ trách nhiệm, có sự đồng lòng trong phòng, chống dịch SXHD.

_dsc0621.jpg
Người dân chủ động dọn dẹp vệ sinh nhà cửa để phòng tránh SXHD

Ông Bùi Huy Giáp, tổ dân phố Tân Thịnh, phường Quảng Thành nói: Từng trải qua thời chống dịch Covid-19 nhưng tôi thấy phần lớn bà con vẫn quá “vô tư” với bệnh dịch SXHD. Riêng tôi, thấy cán bộ, nhân viên y tế hàng ngày xuống cơ sở, lo toan bao việc nên rất cảm thông, bảo ban các thành viên gia đình phải nâng cao nhận thức, tổ chức phòng, chống dịch SXHD ngay từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày.

Cánh tay nối dài

ba binh
Đồ hoạ Nguyễn Hiền XB

Không chỉ ngành Y tế vào cuộc trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, bà Trần Thị Bình, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Tân Tiến, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa thông tin, những ngày qua khi tình trạng SXHD lan rộng trên địa bàn, chi bộ, Ban tự quản tổ dân phố cùng nhân viên trạm y tế đi tuyên truyền vận động người dân cùng chung tay đẩy lùi SXHD bằng những việc làm đơn giản nhất như dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, triệt tiêu những nơi muỗi có thể ở và đẻ trứng… Bên cạnh đó, cũng tuyên truyền với bà con chủ động phối hợp với y tế khi phun thuốc diệt muỗi.

"Bên cạnh các giải pháp trên diện rộng của ngành Y tế và chính quyền địa phương thì ý thức, sự tham gia chủ động của người dân là yếu tố góp phần làm giảm nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới, các ca mắc sốt xuất huyết mới", bà Trần Thị Bình cho hay.

Theo ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tuyến y tế cơ sở là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế trong mọi nhiệm vụ, nhất là công tác phòng, chống dịch nói chung, SXHD nói riêng. Theo đó, mỗi khi có dịch SXHD xảy ra, tuyến y tế cơ sở phải thực hiện nhiệm vụ như: truyền thông, giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát huyết thanh, vi rút, tổ chức diệt loăng quăng và phun hóa chất chủ động, xử lý ổ dịch…

_dsc0281.jpg
Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Gia Nghĩa hướng dẫn CTV cách phun thuốc

Đơn giản như hoạt động vệ sinh, diệt loăng quăng, nghe tưởng đơn giản nhưng để triển khai được, lực lượng y tế cơ sở phải làm nòng cốt, không những chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động mà còn phải huy động các đoàn thể, các tình nguyện viên, đội xung kích nhất là người dân… tích cực ủng hộ, tham gia. Lực lượng này còn phải xuống tận từng hộ gia đình để tuyên truyền về các biện pháp phòng chống SXHD, đồng thời hướng dẫn và phối hợp xử lý dụng cụ chứa nước có loăng quăng.

Trong năm 2023, đội ngũ y tế cơ sở đã xuống tận 92.760 hộ gia đình để tuyên truyền về các biện pháp phòng chống SXHD; đồng thời hướng dẫn và phối hợp xử lý 187.264 dụng cụ chứa nước, trong đó có 35.951 dụng cụ chứa nước có loăng quăng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Khi ghi nhận ca bệnh, ổ dịch, trạm y tế xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm điều tra, xác minh và cập nhật trên Hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm (TT54); đồng thời tạo kênh trao đổi thông tin với các phòng khám tư nhân trên địa bàn. Nhờ vậy, hoạt động giám sát ca bệnh được duy trì thường xuyên tại các tuyến bao gồm giám sát chủ động tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng và thông qua hệ thống báo cáo giám sát dựa vào sự kiện. Trên cơ sở đó, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mới có thể giám sát ca bệnh tại các tuyến để có sự chỉ đạo, triển khai hoạt động phòng, chống dịch SXHD phù hợp, hiệu quả với từng địa bàn dân cư.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Y tế cơ sở dọn từng đống rác để phòng, chống dịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO