Theo phóng viên TTXVN tại Washington, với 53 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn cựu Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, ứng cử viên do Tổng thống Joe Biden đề cử, làm Đại sứ Mỹ tiếp theo tại Israel, bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa về các thỏa thuận trong quá khứ của ông với Iran.
Đảng Dân chủ đã nỗ lực nhanh chóng bổ sung vị trí lãnh đạo đang bỏ trống tại Đại sứ quán Mỹ ở Israel sau cuộc tấn công của phong trào Hamas, tổ chức vũ trang được Iran hậu thuẫn, từ Dải Gaza vào Israel hôm 7/10. Trưởng ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin đã ủng hộ ông Lew, ghi nhận trình độ của ông này và cho biết Israel hoan nghênh việc đề cử ông.
Đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt ông Lew về thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ. Họ chỉ trích công việc của ông Lew dưới thời Obama, khi thực hiện thỏa thuận với một quốc gia vốn là kẻ thù không đội trời chung của Israel.
Mỹ không có đại sứ tại Israel khi ông Tom Nides rời chức vụ này từ tháng 7 vừa qua. Tổng thống Biden đã đề cử ông Lew vào vị trí trên hồi tháng 9.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Bộ Ngoại giao Israel ngày 1/11 đã chỉ trích việc Colombia và Chile triệu hồi Đại sứ các nước này tại Israel để phản đối cuộc chiến chống Hamas tại Dải Gaza. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat tuyên bố "các công dân Colombia, Chile và các nước Mỹ Latinh khác cũng nằm trong số các nạn nhân vụ tấn công tàn bạo của Hamas", đồng thời kêu gọi Colombia và Chile lên án Hamas.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Jordan thông báo đã yêu cầu Đại sứ nước này tại Israel về nước do cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza.Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ sẽ chỉ trở lại Tel Aviv nếu Israel dừng chiến tranh ở khu vực này và chấm dứt “cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nước này đã gây ra.”
Bộ trên tuyên bố Đại sứ Israel tại Jordan, người đã rời đi hai tuần trước trong bối cảnh diễn ra biểu tình, sẽ chỉ được phép trở lại với các điều kiện tương tự./.