Liên kết tạo vùng trồng
Để có sản phẩm cà phê chất lượng cao, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng (Đắk R’lấp) đã thực hiện đầu tư sâu theo mô hình liên kết sản xuất với các nông hộ.
Hiện tại, doanh nghiệp đang liên kết với khoảng 2.000 hộ dân trong vùng để trồng khoảng 3.000 ha cà phê. Ngoài việc hỗ trợ về giống, các quy trình sản xuất luôn được doanh nghiệp đồng hành cùng bà con kiểm soát chặt chẽ.
Mô hình này được thực hiện nhiều năm nay giúp doanh nghiệp bảo đảm được cả sản lượng và chất lượng cho nguyên liệu đầu vào và sản phẩm sau chế biến.
Sản phẩm cà phê bột của Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng (Đắk R'lấp) đang cung ứng ra thị trường gần 3 tấn/tháng |
Quá trình sản xuất cũng được doanh nghiệp đầu tư các máy móc, công nghệ tiên tiến như: hệ thống máy bắn màu, sàng trọng lực, phân loại, nhà kính để phơi cà phê...
Theo ông Trương Công Toàn, chủ doanh nghiệp, mỗi tháng doanh nghiệp bán ra thị trường khoảng gần 3 tấn cà phê bột chất lượng cao. Doanh nghiệp đang phấn đấu đưa cà phê bột trở thành mặt hàng chủ lực của đơn vị trong thời gian tới.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất chế biến cà phê Ngôi Sao (Đắk Song) hiện đang liên kết với 6 nông hộ trồng 26 ha cà phê chất lượng cao. Sản phẩm “Cà phê honey” của Công ty vừa đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh sau hơn 3 năm đi vào hoạt động.
Trung bình mỗi năm, sản lượng cà phê cung cấp ra thị trường của Công ty đạt từ 40-45 tấn. Sản phẩm của Công ty đang có sức tiêu thụ mạnh ở các thị trường như: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP. Hà Nội...
Song song với việc tiếp cận các kênh phân phối truyền thống, Công ty đang đẩy mạnh chiến lược quảng bá trên các sàn thương mại điện tử như: tiktok, shopee, lazada, facebook…
Khách hàng tìm hiểu về sản phẩm "Cà phê honey" của Công ty TNHH Sản xuất, chế biến cà phê Ngôi Sao (Đắk Song) |
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Công ty cho biết, nhờ có sự liên kết, sản phẩm của Công ty được kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng đến khâu chế biến. Cà phê bột của Công ty luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Công ty mong muốn sẽ được hỗ trợ về máy móc, công nghệ để giảm thiểu lao động thủ công, giảm giá thành sản xuất và gia tăng giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Toàn tỉnh Ðắk Nông hiện có 169 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác, với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333 ha. Trong đó, khoảng 2.071,59 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 464,5 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ; trên 22.797 ha áp dụng các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance, Flo… |
Xúc tiến thương mại số
Để tạo điều kiện cho các sản phẩm công nghiệp khu vực nông thôn phát triển, ngành chức năng, nhà phân phối đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng bà con và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Trần Giang Nhật Thảo, Giám đốc Co.opmart Đắk Nông thì thời gian tới, SaigonCo.op sẽ thành lập 1 hợp tác xã để thu mua nông sản trên địa bàn. Nguồn hàng này của Đắk Nông sẽ được chuyển về kho Sóng Thần của đơn vị (Bình Dương). Sau đó được phân phối đi các địa phương khác tiêu thụ, rất thuận lợi.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tại Hội nghị kết nối cung cầu - xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông năm 2022 |
“SaigonCo.op cam kết tiếp tục đồng hành cùng địa phương để quảng bá sản phẩm cho địa phương thông qua chiến lược marketing cũng như tận dụng độ phủ của hơn 1.000 điểm bán trong cả nước”, ông Thảo chia sẻ. Để các sản phẩm tiếp cận thị trường, hoạt động kết nối cung - cầu thời gian qua được ngành Công thương phối hợp tổ chức. Qua đó giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Theo ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương, năm nay, hoạt động này có nhiều đổi mới. Trước đây, những sự kiện này thường tập trung ở các tỉnh lân cận như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
Những tỉnh này, các sản phẩm gần như tương đồng so với Đắk Nông. Thậm chí, sức cạnh tranh sản phẩm của họ còn tốt hơn, vì họ đi trước Đắk Nông nhiều năm.
Trong hai năm trở lại đây, việc lựa chọn địa bàn để đưa các doanh nghiệp, sản phẩm đi kết nối cung - cầu được ngành Công thương chuyển hướng. Trong đó, tập trung cho những thị trường lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Đồ họa: N.H - L.D |
Các sản phẩm qua kết nối đã được nhiều doanh nghiệp lớn, nhà phân phối ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ký kết biên bản ghi nhớ và đến Đắk Nông để nghiên cứu, tiêu thụ, nhất là các sản phẩm đã qua chế biến.
Cũng theo ông Út, Đắk Nông còn non trẻ hơn các tỉnh khác. Sản phẩm của địa phương có chất lượng tốt, mẫu mã đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thương hiệu của Đắk Nông vẫn chưa tốt.
Vì vậy, vấn đề ở đây là phải tăng cường chuyển đổi số trong nhận thức, tư duy của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Để làm tốt vấn đề này, Sở Công thương đã phối hợp với Sở TT-TT ban hành Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo đó, đến năm 2025, có 100% tổ chức được xúc tiến thương mại; trên 50% doanh nghiệp của tỉnh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, 20% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin; 10% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh được tổ chức trên môi trường số…