Khoảng cách giữa tiềm lực và tiêu thụ
Trên địa bàn tỉnh, diện tích các loại cây trồng có ứng dụng công nghệ cao đạt trên 73.000 ha với tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn. Trong đó, 25.333 ha được chứng nhận các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), OCOP.
Theo Sở Công thương, giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình xúc tiến thương mại đã tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm thế mạnh, chất lượng cao vào tiêu thụ tại các siêu thị.
Chương trình thông qua nhiều hình thức cụ thể như trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý; tổ chức đoàn khảo sát, vận động các cơ sở tham gia cung ứng hàng hóa cho hệ thống các siêu thị...
Đến năm 2025 tỉnh phấn đấu đưa từ 15 - 20 sản phẩm nông sản của tỉnh vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong cả nước |
Nhờ đó, một số sản phẩm của các doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng cung ứng hàng hóa lớn. Cụ thể như HTX Nông nghiệp Thương mại Thuận Phát ký hợp đồng với Tập đoàn Petrolimex để cung ứng sản phẩm tiêu. Công ty Cổ phần Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) ký hợp đồng với Công ty RR Design & Build tại Malaysia để cung ứng dầu sachi…
Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020, có 15 - 20 đơn vị đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả đạt được là chỉ có 6 cơ sở sản xuất tham gia cung ứng sản phẩm cho Siêu thị Co.opmart Đắk Nông. Trong số đó, hiện chỉ còn 3 đơn vị sản xuất duy trì được việc cung ứng hàng hóa vào tiêu thụ tại siêu thị, với các sản phẩm chủ yếu như yến sào, thịt gia súc, rau ăn lá...
Hiện nay, các sản phẩm nông sản của Đắk Nông vẫn chủ yếu được tiêu thụ nội tỉnh, thông qua các chợ truyền thống hoặc tiêu thụ qua các trung gian bán buôn từ nơi khác tới. Các sản phẩm nông sản chất lượng cao chưa hình thành được kênh phân phối bền vững, chưa thông qua các hợp đồng tiêu thụ dài hạn…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 365 tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trong đó có 70 cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản; 8 cơ sở chế biến nông sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP; 23 chuỗi liên kết được cấp chứng nhận thực hành sản xuất tốt trong nước và quốc tế. |
Yêu cầu kết nối, hỗ trợ
Đắk Nông đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa được từ 15 - 20 sản phẩm nông sản của tỉnh vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong cả nước. Trước mắt là các siêu thị, hệ thống cửa hàng kinh doanh hiện đại trên địa bàn tỉnh, các tỉnh, thành phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên.
Tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, trang trại và hộ dân nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết.
Tỉnh ưu tiên quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm tiềm năng, chủ lực. Từ đó tạo ra lượng sản phẩm lớn, bảo đảm về chất lượng để cung cấp ổn định, dài hạn.
Cà phê là sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhưng vẫn chưa "có chân" trong các siêu thị |
Việc hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản đăng ký thương hiệu, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm và các hồ sơ chất lượng cho sản phẩm sẽ được đẩy mạnh.
Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được ngành chức năng triển khai. Trong đó, địa phương sẽ hỗ trợ các siêu thị khảo sát thực tế vùng nguyên liệu; điều tra, khảo sát nhu cầu đưa hàng vào siêu thị của các đơn vị sản xuất.
Việc kết nối thông tin giữa người sản xuất với đối tác được thực hiện chặt chẽ hơn. Cụ thể, thông tin về các điều kiện, quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của siêu thị đối với nông sản phẩm được cung cấp thường xuyên. Ngành chức năng cũng tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị sản xuất trình tự, thủ tục để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.