"Xuất ngoại" để xem hàng Việt

Hà An| 01/06/2015 14:02

Có dịp công tác tại tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), nhiều người trong đoàn có sẵn tâm lý “xuất ngoại” để mua sắm “hàng ngoại” giá rẻ. Tuy nhiên, khi qua đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và thay đổi ý định vì “hàng nội” (hàng Việt Nam) đang dần chiếm thị trường ngoại và được người tiêu dùng bản địa ưa chuộng.

Mặc dù trung tâm mua sắm tại thành phố Sen Monorrum (Mondulkiri) không lớn và sầm uất nhưng hàng hóa, nhất là mặt hàng thời trang, tiêu dùng ở đây rất phong phú về mẫu mã, chủng loại và xuất xứ. Điều đáng nói là tại chợ trung tâm thành phố cũng như các đại lý tạp hóa, hàng Việt Nam được bày bán khá phổ biến.

Một góc thành phố Sen Monorrum, tỉnh Mondulkiri (Campuchia)

Được một người “thổ địa” sành tiếng Việt dẫn ra khu chợ trung tâm thành phố Sen Monorrum  để tham khảo, mua sắm, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là tại các sạp hàng, bên cạnh hàng hóa nội địa hoặc các nước như Trung Quốc, Thái Lan thì các mặt hàng có xuất xứ tại Việt Nam cũng được tiểu thương nơi đây bày bán khá nhiều. Điều này rất khác so với cách đây gần 4 năm, cũng tại khu chợ này, khi chúng tôi ghé thăm, các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam chỉ là một vài món đồ vặt như dầu gió Phật Linh, thớt thái thức ăn... thì nay các mặt hàng như nông cụ, trái cây, kẹo bánh, dầu ăn... sản xuất tại Việt Nam đã có mặt ở thị trường ngoại.

Qua người dẫn đường, chúng tôi được biết đến một ki ốt tạp hóa của ông Dương Văn Xê, quê ở Tây Ninh sang đây làm ăn gần 20 năm nay. Đây là một trong những ki ốt lớn nhất, nhì thành phố Sen Monorrum. Vào “kiểm kê” sạp hàng thì số lượng hàng Việt Nam không kém so với hàng hóa các nước là bao. Thậm chí, xét ở một số mặt hàng, rõ ràng, hàng Việt đang chiếm ưu thế vượt trội.

Theo ông Xê thì những mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam như bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm, nước rửa chén, nước lau nhà và đồ nhựa dân dụng, nông cụ... rất được người dân bản địa ưa chuộng. Tại ki ốt của ông Xê, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có xuất xứ từ Việt Nam chiếm khoảng 60%. 

Hàng Việt Nam chiếm khoảng 60% lượng hàng hóa bày bán tại ki ốt tạp hóa của ông Dương Văn Xê ở thành phố Sen Monorrum (Campuchia)

Ông Xê cho biết: “Mấy năm gần đây, tôi mạnh dạn đưa hàng Việt Nam vào thị trường Campuchia để bán. Lúc đầu, người dân còn e ngại về chất lượng nhưng dần dần, khi dùng thử, họ thấy tốt, giá cả hợp lý  nên hiện nay, lượng người mua rất lớn”.

Tuy nhiên, theo ông Xê, hàng Việt Nam ở thị trường này cũng chỉ mới dừng lại ở những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các linh kiện điện nước, vật liệu xây dựng... Những hàng hóa có giá trị lớn vẫn chưa phổ biến ở thị trường này. Mặc dù người dân tại thành phố Sen Monorrum không nhiều nhưng đây là nơi lui tới của khách trong nước cũng như nước ngoài. Việc hàng Việt có mặt ở thị trường này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng Việt đến với người tiêu dùng quốc tế.

Dạo một vòng qua các đường phố tại thành phố Sen Monorrum, thương hiệu Việt không chỉ được quảng bá qua các mặt hàng mà còn được các tư thương người Việt định cư nơi đây quảng bá qua các món ăn truyền thống như hủ tiếu, bún Huế, cơm Việt...

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri được tổ chức tại thành phố Sen Monorrum mới đây, hai tỉnh đã ghi nhận lĩnh vực thương mại hai chiều giữa tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, từ năm 2010 đến tháng 2 năm 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai tỉnh đạt hơn 110 triệu USD.

Nếu như năm 2010, hoạt động xuất, nhập khẩu hai tỉnh chỉ đạt 0,450 triệu USD thì đến năm 2014, con số này đã đạt hơn 60 triệu USD, tăng 135 lần so với năm 2010. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2015, xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh đạt hơn 12 triệu USD. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh còn có 7 chợ xã biên giới đang phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho người dân vùng biên giữa tỉnh Đắk Nông và các tỉnh của Vương quốc Campuchia.

Từ kết quả trên, việc xúc tiến thương mại, tiếp tục đẩy mạnh giao thương hàng hóa hai chiều giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia nói chung, Đắk Nông và Mondulkiri nói riêng đã được hai bên thảo luận, đưa vào chương trình hợp tác kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh giai đoạn 2015-2020. Từ đây, ngoài thống nhất về cơ chế, chính sách, hai tỉnh sẽ tạo thuận lợi ở mức có thể cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và kinh doanh hàng hóa.

Bên cạnh đó, hai tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường hoạt động kiểm tra, phòng, chống hàng hóa vận chuyển trái phép qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong việc giao thương hàng hóa qua các cửa khẩu nhằm cùng nhau xây dựng, phát triển thị trường ổn định, bền vững.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/xuat-ngoai-de-xem-hang-viet-39733.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/xuat-ngoai-de-xem-hang-viet-39733.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    "Xuất ngoại" để xem hàng Việt
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO