Kinh tế

Xuất khẩu Đắk Nông - Tín hiệu lạc quan từ quý I

Lê Dung 02/05/2023 05:00

Mặc dù còn gặp nhiều thách thức từ thị trường, nhưng hoạt động xuất khẩu trong quý I/2023 của Đắk Nông vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Những tín hiệu lạc quan này đang mở ra kỳ vọng lớn cho việc thực hiện các mục tiêu từ nay đến cuối năm của doanh nghiệp Đắk Nông.

Tăng ở nhóm hàng chủ lực

Số liệu từ Sở Công thương cho thấy, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được 358,7 triệu USD; tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 28,2% kế hoạch.

img_0278(1).jpg
Chế biến cà phê xuất khẩu tại DNTN Toàn Hằng (Đắk R'lấp)

Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu tăng ở mức khá so với cùng kỳ như: cà phê đạt 56,6 triệu USD, tăng 39,8%; tiêu đen đạt 33,6 triệu USD, tăng 0,9%; các sản phẩm khác đạt 150 triệu USD, tăng 204,3%...

Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong quý I/2023 cũng tăng cao so với cùng kỳ, với 5,09%. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng mạnh về sản lượng.

Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của Đắk Nông đang dần được phục hồi, đón đầu những cơ hội mới từ các thị trường.

img_6636(1).jpg
Hồ tiêu của Đắk Nông đang xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính ở châu Âu

Theo Cục Thống kê Đắk Nông, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Đắk Nông trong quý I cho thấy: có 9,52% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2022; 52,38% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,1 số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Lạc quan nắm bắt cơ hội

Với hàng loạt mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch có hiệu lực ngay từ đầu năm 2023, các nhà xuất khẩu Đắk Nông kỳ vọng bứt tốc từ những đơn hàng sắp tới.

Để nắm bắt các cơ hội từ thị trường, ngay từ đầu quý II, Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) đã tăng tốc sản xuất. Những ngày này, tại Công ty, không khí sản xuất nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

img_0211(1).jpg
Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) đẩy mạnh sản xuất cho kịp đơn hàng

Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty cho biết, đường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho các nông sản của tỉnh đã khởi sắc. Đặc biệt, vừa qua, cùng với mã vùng trồng, Công ty đã được cấp mã đóng gói xuất khẩu cho sầu riêng.

Có mã đóng gói, cự ly của Công ty tới vùng trồng gần hơn, giảm thêm nhiều chi phí. Công ty cũng chủ động, yên tâm hơn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm từ vùng trồng tới thị trường cuối.

Tận dụng lợi thế này, ngoài 120ha sầu riêng đã được cấp mã số, Công ty đang làm việc, tiến tới liên kết gần 500ha từ các hộ dân tại địa bàn xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Đây sẽ là vùng nguyên liệu sầu riêng lớn, đạt chuẩn để cung cấp cho hoạt động tại nhà máy.

Cũng theo bà Vân, ngoài các sản phẩm chủ lực, trong tháng 4-5 này, Công ty sẽ tập trung sản xuất sản phẩm xoài cấp đông phục vụ xuất khẩu.

Mỗi ngày, Công ty sản xuất khoảng 30 tấn xoài nguyên liệu để cho ra hơn 10 tấn thành phẩm. Công suất nhà máy của Công ty giờ đang đạt mức tối đa. Vì vậy, để đạt sản lượng xuất khẩu, Công ty phải huy động công nhân làm tăng ca tới tận 11-12h đêm.

Còn nguyên liệu chanh dây hiện đang vào mùa, giá khá mềm. Nhưng công suất nhà máy của Công ty đã quá tải, nên phải tạm ngừng chế biến mặt hàng trái cây này.

“Trong năm nay, Công ty sẽ mở rộng diện tích nhà xưởng lên 5.000m2 để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đơn hàng khởi sắc, Công ty cũng tự tin hơn trong việc đầu tư”, bà Vân chia sẻ.

Chuẩn hóa để vươn xa

Nhiều doanh nghiệp nhận định, những tín hiệu lạc quan của hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm đang hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho nông sản Đắk Nông.

Tiếp nối đà này, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội bứt phá mới cho cả năm.

img_0184(1).jpg
Mặt hàng trái cây cấp đông của Đắk Nông có nhiều triển vọng xuất khẩu sang các thị trường có giá trị kinh tế cao

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, muốn vươn xa trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Trong đó, việc chuẩn hóa sản xuất, sản xuất “xanh” để đáp ứng yêu cầu từ những thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... là điều quan trọng hàng đầu.

Hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu rất thuận lợi. Các hiệp định FTA được ký kết cũng tạo ra nhiều ưu đãi về thuế, cơ chế cho doanh nghiệp.

Vì vậy, doanh nghiệp Đắk Nông cần nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu của các nước; nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng thế giới để xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất dài hơi.

Theo Sở Công thương, hiện nay, tư duy sản xuất cũng như năng lực của doanh nghiệp Đắk Nông đã thay đổi đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường.

Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn, giúp hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp tiếp tục có sự bứt phá trong năm 2023.

Cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Công thương khuyến cáo, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, mà đã có sự thay đổi mạnh mẽ.

Đặc biệt, từ 8/1/2023, dù nước bạn đã mở cửa biên giới hoàn toàn, nhưng vẫn kiểm soát chặt hàng hóa nhập khẩu, nhất là hình thức biên mậu, tiểu ngạch.

Vì vậy, các doanh nghiệp Đắk Nông cần nắm bắt, tìm hiểu kỹ những thay đổi này, để có sự điều chỉnh trong sản xuất, đưa ra sản phẩm phù hợp phục vụ xuất khẩu.

Theo Cục thống kê, dự kiến quý II/2023, Đắk Nông có 23,81% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023; 52,38% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,81% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Đọc tiếp

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xuất khẩu Đắk Nông - Tín hiệu lạc quan từ quý I
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO